Sáng 12-11, Hội Cựu giáo chức TP.HCM đã tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/20-11-2022) cùng toàn thể nhà giáo nội đô (thầy cô tham gia cách mạng, hoạt động trong lòng địch) và nhà giáo đi B (vượt Trường Sơn vào Nam chống Mỹ cứu nước).
Tiết mục văn nghệ chào mừng buổi họp mặt nhà giáo nội đô, nhà giáo đi B
Tại buổi họp mặt, các nhà giáo nội đô, đi B đã có dịp ôn lại những trang sử hào hùng cũng như một thời mình đã xông pha lên đường chiến đấu anh dũng để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Một số tiết mục văn nghệ được biểu diễn tại buổi họp mặt như: Giải phóng miền Nam; Xếp bút nghiên; Chiếc gậy Trường Sơn; Hành khúc ngày và đêm… tái hiện tại quá khứ khiến các nhà giáo vô cùng xúc động.
Bà Nguyễn Thị Yến Thu (Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM) cho biết, kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay Hội Cựu giáo chức TP.HCM không tổ chức tập trung như thường lệ, chỉ tổ chức riêng cho các nhà giáo nội đô, các nhà giáo đi B thời chống Mỹ cứu nước. Bởi các nhà giáo này tuổi đều từ “thất thập cổ lai hy” trở lên, đa số đã trên 80 tuổi. Năm nay các thầy cô còn tỉnh táo, hội muốn tổ chức ngày nhà giáo riêng cho các thầy cô để các thầy cô cảm nhận được sự trân trọng của xã hội dành cho riêng mình.
“Thay mặt Hội Cựu giáo chức TP.HCM, tôi xin được chúc thọ, mừng thọ thầy cô giáo từ 85 tuổi trở lên. Kính chúc đội ngũ thầy cô giáo nội đô, thầy cô giáo đi B nay là nhà giáo hưu trí, luôn luôn sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc và có ích cho đời, cho ngành giáo dục. Tuổi chúng ta tuy cao, tóc tuy bạc nhưng lòng chúng ta không bao giờ bạc đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ”, bà Thu kính chúc.
Các nhà giáo nội đô, nhà giáo đi B tham dự họp mặt
Thời chống Mỹ cứu nước có rất nhiều nhà giáo nội đô yêu nước, tham gia cách mạng, hoạt động trong lòng địch. Lực lượng này hằng ngày đứng trên bục giảng xung quanh là tai mắt của địch nhưng dám dùng lời nói, cây bút của mình giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước cho học sinh, sinh viên, nhân dân. Lực lượng này lớn lên thành chiến sĩ biệt động, lực lượng vũ trang chống quân xâm lược, bè lũ bán nước giúp lực lượng cách mạng nội đô ngày càng lớn mạnh.
Có thể kể đến một số nhà giáo như: Nhà giáo Lữ Lâm Đính, trước năm 1975 là thư ký đánh máy cho phủ Tổng thống Ngụy. Cụ đã chuyển nhiều tin tức mật cho khối trí vận nội đô. Sau giải phóng cụ là cán bộ văn phòng Sở giáo dục đào tạo. Nhà giáo Võ Thanh Bằng, cùng nhà giáo Huỳnh Thị Tơ hùn tiền mua xe bán tải, chở vật tư ngụy trang, đưa chất nổ đánh Đài phát thanh Sài Gòn năm 1968 Mậu Thân. Hay thầy giáo Nguyễn Quốc Phú hoạt động nội thành bị địch bắt tra tấn dã man. Thầy biết võ đã tấn công lại và bị địch ném thầy từ tầng 3 xuống đất.
Giáo viên nội đô còn là cán bộ cách mạng tuyên truyền cho quần chúng nội thành giác ngộ cách mạng, xây dựng lực lượng cách mạng tại chỗ, làm công tác vận động tài chính cho cách mạng có hiệu quả, đóng góp một phần công sức trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, thống nhất non sông.
Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cùng Công đoàn ngành Giáo dục TP tặng hoa chúc mừng Hội Cựu giáo chức TP
Ngoài ra còn có lực lượng thầy cô giáo vượt Trường Sơn, chi viện cho miền Nam, Bắc. Số thầy cô giáo này đặc biệt trở thành lực lượng cách mạng miền Nam, có tri thức, có giác ngộ, mặt trận phân công nhiệm vụ nào cũng hoàn thành tốt. Họ được phân công qua mọi bộ phận cách mạng miền Nam như: Quân giải phóng, báo, đài, văn nghệ, mặt trận, thanh niên xung phong để dạy văn hóa. Số thầy cô này tay cầm bút, tay cầm súng. Lúc dạy chữ, giặc đến càn quét thì cầm súng bảo vệ căn cứ, bảo vệ cơ quan, trường học. Thành đoàn I4 lúc bấy giờ, lực lượng vũ trang trong tổng tấn công có cô giáo Lê Thị Bạch Cát đã chiến đấu rất ngoan cường. Cô đã hy sinh tại đường Đề Thám (quận 1) hiện TP.HCM có con đường mang tên cô.
Ngoài ra còn nhiều thầy cô giáo tham gia cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 bị bắt, bị tù đày như: Cô giáo Phạm Kim Dung, thầy Phạm Bá Lữ, thầy Trần Nguyên Phò, thầy Đỗ Anh Tâm… Trong lao tù họ bị tra tấn dã mang vẫn kiên trung, bất khuất.
Sau năm 2000 đội ngũ nhà giáo nội đô, nhà giáo đi B đều đã nghỉ hưu không còn ai đứng trên bục giảng. Thầy, cô đã hoàn thành nhiệm vụ người kỹ sư tâm hồn. Khi về hưu, các thầy cô đều thanh thản, tự hào vì suốt đời một lòng theo Đảng, tuổi trẻ đã đóng góp phần máu xương công sức vào công cuộc chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Luôn giữ trọn niềm tin, phẩm chất đạo đức trong sạch, bền bỉ vượt qua nhiều thử thách, sống giản dị, không tham ô tham nhũng, nêu gương tốt cho học sinh noi theo.
Năm 2015, Nhà nước đã tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang cho lực lượng trí thức nhà giáo nội đô, nhà giáo đi B.
Hồ Trinh
Bình luận (0)