Sự kiện giáo dụcTin tức

Nhà giáo sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lần đầu tiên giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được nhắc tới trong xây dựng luật Nhà giáo. Vậy giấy chứng nhận này có gì đặc biệt?

Tiến sĩ Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ (Bộ GD-ĐT), phát biểu tại hội thảo. HÀ ÁNH

Sáng 19.1, tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng luật Nhà giáo. Hội thảo có sự tham gia của đại diện nhiều cơ sở giáo dục ĐH và CĐ sư phạm.

Phát biểu trong hội thảo, tiến sĩ Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ (Bộ GD-ĐT), cho biết việc xây dựng luật Nhà giáo rất cần thiết, xuất phát từ vai trò quyết định của đội ngũ với giáo dục. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo trong việc xây dựng bộ luật này. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ nhà giáo phát triển, chứ không phải thêm điều kiện ràng buộc với đội ngũ này.

Từ tháng 6.2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thường trực Chính phủ về đề xuất xây dựng luật Nhà giáo. Bộ GD-ĐT đề xuất 5 chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết 95 ngày 7.7.2023.

Theo đó, dự kiến quy định nhà giáo là người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo theo quy định, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (bao gồm cơ sở giáo dục công lập và dân lập, tư thục; các trường thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội và lực lượng vũ trang).

Một nội dung đáng chú ý là tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo. Chính sách này quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, chức danh nhà giáo, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo. Trong đó, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là điểm mới dự kiến được đưa vào luật Nhà giáo.

Ông Vũ Minh Đức cho biết giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo; thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Cũng theo ông Đức, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc. Người được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp gồm người hoàn thành tập sự và đạt chuẩn nghề nghiệp; người đang là nhà giáo; nhà giáo đã nghỉ hưu; nhà giáo nước ngoài đáp ứng điều kiện. Chẳng hạn, nhà giáo đã được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp khi trúng tuyển vào làm nhà giáo tại cơ sở giáo dục công lập hoặc khi thuyên chuyển và ký hợp đồng tại cơ sở giáo dục khác không cần phải thực hiện chế độ tập sự.

Khi có giấy chứng nhận nghề nghiệp, nhà giáo có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác. Việc điều động nhà giáo giữa công lập và ngoài công lập, việc thuyên chuyển nhà giáo giữa các địa phương được triển khai thuận tiện hơn, đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục…

Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có giá trị sử dụng trong suốt thời gian nhà giáo hoạt động giảng dạy, giáo dục, trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ. Bên cạnh đó còn quy định việc xác định tương đương đối với giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp khi đáp ứng đủ các điều kiện.

Một số nội dung quan trọng khác liên quan trực tiếp đến nhà giáo dự kiến được bàn thảo trong quá trình xây dựng luật Nhà giáo còn có: chế độ làm việc, chế độ nghỉ hưu và kéo dài thời gian làm việc, đào tạo và bồi dưỡng, tạm đình chỉ giảng dạy…

Theo Hà Ánh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)