“Thời bao cấp” là thuật ngữ chỉ một giai đoạn (từ những năm 1964-1975 ở miền Bắc và giai đoạn năm 1976-1986 trên cả nước) mà hầu hết mọi hoạt động kinh tế – xã hội diễn ra theo mô hình kinh tế – kế hoạch tập trung do Nhà nước chỉ huy.
"Thẻ ưu tiên" giáo viên miền núi của tỉnh Gia Lai – Kon Tum thời ấy
Chúng tôi thuộc lớp sinh viên Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn khóa 1982-1986. Lớp chủ yếu gồm lứa học sinh tuổi 18 mới tốt nghiệp cấp 3, cùng vài anh chị lớn tuổi hơn vừa rời quân ngũ. Khi tốt nghiệp, được phân công rải về các trường PTTH (nay là THPT) khắp các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên thời bấy giờ: Quảng Nam – Đà Nẵng, Nghĩa Bình (gộp 2 tỉnh Quảng Ngãi – Bình Định), Phú Khánh (Phú Yên – Khánh Hòa), Thuận Hải, Gia Lai – Kon Tum, Đắk Lắk (gồm cả 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông hiện nay), lớp chúng tôi bước chân vào nghề dạy học cách đây ngót 40 năm – thuở đất nước đang những năm khó khăn cuối thời bao cấp.
Lớp nhà giáo ngày ấy, nay đã lần lượt rời bục giảng về hưu, mái tóc ai cũng điểm nhiều sợi bạc sau tháng năm “bụi phấn”. Nhiều kỷ niệm vui buồn ngót 40 năm qua được các cựu nhà giáo ôn lại mỗi khi có dịp gặp nhau.
Đời sống khó khăn
Nhà giáo Thu Thẩm (cựu giáo viên Trường PTTH Ayunpa, tỉnh Gia Lai) nhớ lại: Thuở nhận công tác, mấy phòng học được ngăn đôi thành phòng ở, cạnh bếp ăn tập thể. Giáo viên ở chung với học sinh, cùng trồng rau, nuôi gà tăng gia, cùng nấu ăn chia bùi sẻ ngọt. Khu tập thể tuềnh toàng, trống trếnh, đêm về trăng dọi vằng vặc qua mái nhà thủng, nên các cô giáo trẻ cứ nằm trên giường mà tha hồ lãng mạn thưởng trăng! Trong khi đó, nhà giáo Thu Thanh (cựu giáo viên Trường PTTH Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) kể: Giáo viên ở tập thể, cùng tự nấu ăn. Tất cả nhu yếu phẩm mua theo tem phiếu. Mình ngại chầu chực xếp hàng, lần mua lần khó, nên đi một lần là mua luôn tiêu chuẩn cả tháng. Những ngày sau hết tiền mua thức ăn, đành ăn rau tự tăng gia với mắm. Bèn nảy ra sáng kiến: đem gạo đổi bún cho dễ ăn, cứ 1kg gạo đổi 1kg bún. Thành thử gần cuối tháng là hết gạo, gọi vui là “bể bếp”. Rồi tự ai “di tản” về nhà cha mẹ mình ăn ké gia đình.
Tương tự, nhà giáo Nguyễn Thị Ca (cựu giáo viên Trường PTTH Phù Cát, tỉnh Bình Định) cho biết: Ban đời sống của trường đến cửa hàng mua đường, sữa, kem đánh răng, kim chỉ, vải, thuốc lá, xà phòng, phụ tùng xe đạp… Hàng mua về được phân phối ưu tiên theo thâm niên của giáo viên. Người này được phân cái lốp xe, ruột xe, người kia bộ nan hoa… không biết đến bao giờ mới gom đủ bộ phận để ráp thành chiếc xe đạp. Nên nhiều năm mình không có xe đạp đi dạy, hằng ngày phải đi nhờ xe học sinh đến trường.
Lớp sinh viên Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn vào nghề dạy học năm 1986
Nhà giáo Thúy Nhẫn (cựu giáo viên Trường PTTH Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) tâm sự: Vùng mình dạy, người dân thường cúng kiếng: mừng lúa mới, cúng bán được con bò, cúng rằm tháng bảy… Lễ vật cũng đơn sơ, chỉ là con gà nấu cháo, hoặc mấy đĩa bánh xèo, vài nải chuối, quả đu đủ chín… Thế mà đối với cái dạ dày lép kẹp và so với những bữa cơm độn gạo mốc của giáo viên thời bấy giờ thì đã tươm tất lắm rồi. Mỗi khi được lời mời, là hôm đó giáo viên phấn khởi hẹn nhau, trông mau hết ngày để đi dự.
Tăng gia sản xuất
Thời ấy chưa có khái niệm dạy thêm, nên thầy cô cũng chẳng có thêm đồng ra đồng vào nào từ cái nghề “cao quý nhất”. Lương tháng giáo viên mới ra trường lúc bấy giờ được khoảng 300 đồng, cùng với chế độ tem phiếu 13kg gạo, thịt, đường, dầu, củi…, nên ngoài giờ lên lớp, ai cũng đều tăng gia sản xuất, làm thêm đủ kiểu.
Ô tô chạy bằng than thời bao cấp (nguồn: Internet)
Nhà giáo Hoàng Phương (cựu giáo viên Trường PTTH Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) bồi hồi nhớ lại: Giáo viên ở khu tập thể tổ chức nuôi heo, gà, vịt… Mỗi sớm mai, báo hiệu một ngày mới bắt đầu là tiếng gà gáy, heo đòi ăn kêu inh ỏi cả trường! Giáo viên thay phiên nhau suốt ngày túc trực ở chuồng gà, chỉ lo gà bị mưa ướt, dịch cúm thì thầy cô cũng… cúm theo luôn! Lo heo ốm còn hơn sợ bản thân mình ốm; ngoài chuồng luôn treo sẵn cái thước dây để hằng ngày đo vòng bụng của heo xem nó lớn thêm được bao nhiêu (còn hơn cả đo 3 vòng thi hoa hậu hiện nay).
Vui buồn nghề giáo
Lúc bấy giờ, giao thông đi lại giữa các vùng rất khó khăn – nhất là tuyến miền Trung – Tây Nguyên. Toàn là ô tô cũ từ trước chiến tranh tận dụng, xăng dầu khan hiếm nên xe được cải tạo lại, chạy bằng than với tốc độ “rùa bò”. Quãng đường về xuôi hiện nay, xe giường nằm chạy chỉ mất vài tiếng đồng hồ, thì hồi đó phải ngủ trọ chờ mua vé xe, đi nhiều chặng xe đò cọc cạch, đến 2 ngày 2 đêm. Để giúp giáo viên dễ mua vé xe về xuôi, sở giáo dục các tỉnh Tây Nguyên cấp cho giáo viên “THẺ ƯU TIÊN GIÁO VIÊN MIỀN NÚI”, mà lắm khi cũng không mua được vé, vì hết chuyến. Nên nhiều thầy cô khi Tết đến, phần không có tiền mua vé xe về quê, phần mua vé khó khăn, đã ra bến xếp hàng rồi, cuối cùng đành phải quay trở lại, ăn Tết tại trường. Nhà giáo Đoàn Dụng (cựu Hiệu trưởng Trường PTTH Vạn Tường, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục & Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi) hóm hỉnh nhắc lại chuyện thầy là giáo viên chuyên văn, nhưng vì trường thiếu giáo viên nên được phân công dạy thêm môn… địa lý cả khối 12. Thật bất ngờ, hy hữu: Kỳ thi tốt nghiệp các năm lại có nhiều học sinh của thầy đạt đến điểm 9 môn địa lý. Nên đến bây giờ sau vài mươi năm ra trường, mỗi khi họp lớp, học sinh vẫn còn tranh luận nhau bất phân thắng bại, hoang mang không biết thầy là giáo viên địa lý hay giáo viên văn (?!).
Nhiều đồng nghiệp thành đạt trong sự nghiệp “trồng người”, đảm đương các trọng trách xã hội. Tuy nhiên, cạnh đó cũng có giáo viên không trụ lại được trước áp lực của vòng xoáy áo cơm, đành phải rời bục giảng, chạy chợ buôn bán, hoặc sang các ngành khác có thu nhập khá hơn. Tuy đồng cảnh khó khăn cả nước, nhưng điểm chung của các thầy cô là đều rất yêu thương học sinh hết mực, tràn đầy tâm huyết với nghề giáo, luôn giữ được hình ảnh cao đẹp của người thầy trước xã hội.
Ôn cố tri tân
Đất nước từng bước qua khỏi thời bao cấp, cuộc sống của giáo viên cũng theo mức sống xã hội được cải thiện khá lên từng ngày, dần bớt đi nỗi bận tâm bởi cái ăn, cái mặc. Còn biết bao kỷ niệm vui buồn khó lòng kể hết. Hoài niệm lại nhà trường thời bao cấp, chúng ta không quên một thời khó khăn của đất nước nói chung và của ngành giáo dục nói riêng. Nhưng cũng chính sự vất vả, thiếu thốn đó đã hun đúc tinh thần thầy – trò vượt khó, vươn lên, quyết tâm thi đua dạy tốt – học tốt.
Nhớ lại buổi đầu đi dạy, dù trải qua không ít gian khó nhưng hầu hết lớp giáo viên chúng tôi đều kiên trì, nỗ lực vượt qua, cho đến ngày về hưu, hoàn thành nhiệm vụ đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước, với tâm niệm rằng: Tìm về ký ức không phải để trách cứ, mà nhằm khẳng định những giá trị đã đạt được trong hiện tại và gửi gắm trọn vẹn niềm tin của mình ở tương lai. Mong các cựu nhà giáo luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, có nhiều dịp cùng nhau “ôn cố tri tân” để vui mừng, phấn khởi trước sự nghiệp giáo dục của đất nước hiện nay – mỗi ngày một thêm khởi sắc. Đội ngũ giáo viên hiện nay tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”, luôn nêu cao trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề, thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đưa sự nghiệp giáo dục của đất nước lên một tầm cao mới, xứng đáng với sự kỳ vọng của toàn xã hội.
Đỗ Thành Dương
(cựu sinh viên khóa 5,
Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn)
Bình luận (0)