Trước mức lương còn hạn chế nên giáo viên phải cân nhắc trong việc chi tiêu hàng ngày. Ảnh: Q.Huy |
Bất kỳ ai dù là nguyên thủ quốc gia hay người lao động bình thường đều trải qua và bất hạnh thay cho ai không trải qua nó khi bước vào đời – đó là trường học…
Do vậy nhà giáo nhận trách nhiệm rất lớn lao trong xã hội đó là hàng ngày tiếp xúc, dạy dỗ, giáo dục thế hệ là báu vật của mỗi gia đình, mỗi dân tộc và quốc gia – đó là thế hệ con cái. Nhà giáo phải lo dạy người, dạy chữ, dạy nghề, những thứ làm nên thương hiệu của nguồn nhân lực – tài nguyên quý giá nhất của mọi quốc gia trong thời đại của kinh tế tri thức.
Được xã hội phân công làm trọng trách này nên nhà giáo có số giờ lao động không chỉ là 40 giờ/tuần như người lao động bình thường mà là 40-60 giờ/tuần để hoàn thành vô số công việc không tên với cường độ cao một cách thầm lặng, lương thì thấp nhưng nhà giáo là người đặc biệt coi trọng danh dự. Do phải sống mẫu mực, mô phạm làm gương nên nhà giáo chân chính luôn vượt lên chính mình để sống “đói cho sạch, rách cho thơm”. Nhà giáo chân chính không chỉ cố tránh làm sai pháp luật mà còn tránh làm những việc dù rất bình thường với người khác nhưng “khó coi” đối với nhà giáo, gây ra điều tiếng cho mình và cho ngành.
Năm 2010, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện khảo sát “Thực trạng một số vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục” tại 3 đô thị lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Trong các kết quả thu nhận được, có số liệu về dạy thêm, học thêm do thầy cô tổ chức riêng. Như vậy lẽ nào việc học thêm, dạy thêm đã là một dạng tham nhũng nên được đưa vào báo cáo khảo sát thực trạng một số vấn đề tham nhũng trong GD-ĐT? Xót xa thay cho nhà giáo chân chính.
Năm học 2012-2013, nhà giáo và cả cấp trên của nhà giáo cũng bị nhắc nhở công khai về việc vẫn còn dạy thêm, vẫn còn lạm thu.
Nhà giáo hiện có tâm tư rất nặng nề bởi nguồn thu nhập đã hạn hẹp sẽ càng hạn hẹp hơn và uy tín đang bị xúc phạm. Một cô giáo trẻ dạy tiểu học lo lắng hỏi hiệu trưởng: “Cô ơi, rồi đây dạy thêm có bị bắt không cô?”. Các hiệu trưởng thì lắc đầu ngao ngán vì tự nhiên bị đặt vào thế phải làm thêm việc bất khả thi là việc quản lý giáo viên ngoài nhà trường. Chính quyền thì lúng túng không biết phải duyệt giấy cấp phép như thế nào, phải hậu kiểm ra sao, dùng lực lượng nào, ai vi phạm thì ghép vào “tội” gì… Một cô giáo già viết trên mạng: Người ta đã cấm giáo viên dạy thêm không phải một lần. Những biện pháp đi kèm lệnh cấm nghe ra chẳng khác gì phát hiện và tố cáo tội phạm. Liệu người thầy có còn uy trước học trò không khi bị hành xử như thế?
Pháp luật có cấm người làm thêm để có thu nhập không? Không. Lẽ ra phải khuyến khích người lao động có thêm thu nhập từ nghề của mình, miễn đó là thu nhập chính đáng. Ai đẩy giáo viên vào tình trạng dạy thêm “tràn lan”, nhà trường lạm thu “tràn lan”? Câu trả lời không chỉ nằm trong lĩnh vực giáo dục như chương trình ôm đồm, thi cử nặng nề, trang bị cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, trường dột, nhà vệ sinh hư không thể chờ kinh phí rót xuống mới sửa… Câu trả lời còn nằm ngoài lĩnh vực giáo dục, đó là cha mẹ ngày nay khi rời con đi làm rồi muốn con tránh được các cạm bẫy giăng giăng trong xã hội thì chỉ còn một nơi tin cậy để giữ con được an toàn là vòng tay của thầy cô giáo… Nhưng trước hết, câu trả lời phải tìm trong việc xét xem câu khẩu hiệu “giáo dục là quốc sách hàg đầu” đã được thực thi ra sao.
Lương của giáo viên mầm non còn thấp hơn bậc lương tương ứng của lái xe cơ quan và kỹ thuật viên đánh máy trong khi hiện nay một người biết lái xe và sử dụng vi tính để tự lo cho mình là quá phổ biến còn mỗi khi trường mầm non nghỉ trong ngày làm việc thì cha mẹ lúng túng, cơ quan bối rối vì sự quậy phá của trẻ con. Có thể thấy ngay trong bản thiết kế lương trong nghị định 204, quan điểm GD-ĐT là quốc sách hàng đầu đã được quán triệt ra sao rồi. Ngay cả giảng viên đại học thì lương bình quân tháng cao nhất là của giảng viên khối ngành kỹ thuật công nghệ cũng chỉ 5,1 triệu đồng, thua lương trung bình của ngành điện tử viễn thông.
Thử hỏi hiện nay lương nhận được từ trường đủ nuôi gia đình nhà giáo sống tại đô thị trong bao lâu? Một tuần hay nửa tháng là cùng. Không sống được bằng lương thì nhà giáo phải tự cứu mình, trước hết là bằng nghề chuyên môn của mình. Trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn này, nhiều người giữ được phẩm chất, nhờ vậy mà tiếp tục phục vụ trong trường học, nhưng có người lại không thể, có hành vi tiêu cực. Thế là dạy thêm học thêm bị xem là tiêu cực, bị làm khó. Không được kiếm thêm thu nhập bằng nghề, nhà giáo với lương ba cọc ba đồng, lại không có thêm trợ cấp sẽ sống bằng cách nào để vẫn giữ mình làm người lương thiện? Giáo viên đã có người nghĩ đến dạy một buổi, ra chợ một buổi để bán hành, tỏi. Có người tính buổi tối xin làm phục vụ nhà hàng hoặc “chuyển địa bàn” để chạy xe ôm? Có người nhận làm gia sư chuyên dò bài cho học sinh… Đã có giáo viên năng lực rất tốt của một trường THPT nổi tiếng xin nghỉ dạy học, về mở lớp dạy tại nhà để có thời gian chăm sóc mẹ già bệnh nặng, vậy mà thu nhập cao hơn hẳn, bản thân mình và trường khỏi bị điều tiếng khi dạy “thêm”. Rất có thể rồi đây, nhiều nhà giáo cũng sẽ theo tấm gương này để khỏi thấy bị xúc phạm danh dự và khi đó trường học vốn đã khó thu hút người giỏi sẽ bị chảy máu chất xám. Và có thể thấy trước mắt các học sinh thật sự có nhu cầu học thêm sẽ dần về học đông, rất đông tại đây khi các lớp dạy thêm khác bị làm khó. Rồi đây sẽ hình thành kiểu kiếm thêm thu nhập lương thiện nào khác nữa phù hợp và không phù hợp với danh dự nhà giáo?
Nhà giáo có nguyện vọng gì?
Nguyện vọng số một – đó là được sống bằng lương để có thể toàn tâm, toàn ý dốc sức tại lớp, để có thời gian chăm sóc học sinh hơn, để tích cực tham gia đổi mới giáo dục, để tự học và để nghỉ ngơi và chăm sóc gia đình. Một đòi hỏi chính đáng và rất tối thiểu vậy mà mấy đời Bộ trưởng chưa làm được và chưa biết đến bao giờ mới làm được. Trong khi đó những nghề khác không hề được tôn vinh là quốc sách hàng đầu lại có thu nhập cao hơn ngành GD-ĐT nhiều. Cán bộ ngồi văn phòng của EVN có thu nhập trung bình 30 triệu đồng/tháng (Thanh niên online đăng ngày 21-12-2011), một mức lương gấp 3,5 lần lương tột bậc của giáo sư.
Vậy thì trong khi giáo dục chưa thành quốc sách hàng đầu được, trong khi chưa thể trả lương đủ cho nhà giáo đủ sống được thì xin cứ đối xử với nghề nhà giáo bình đẳng với những nghề khác mà thôi: Để sống như một công dân lương thiện. Bác sĩ mở phòng mạch tư được, vậy sao coi dạy thêm học thêm là tham nhũng trong giáo dục?
Nhà giáo đứng lớp là thủy thủ đang làm nhiệm vụ trên con tàu giáo dục đang chở thế hệ tương lai vượt đại dương của thời đại. Lòng tự hào của thủy thủ, vị thế của thủy thủ sẽ được nâng lên rất nhiều nếu được phục vụ không phải trên một con tàu cũ, thiết kế lạc hậu, chạy chậm lại đang lạc lối mà là trên một con tàu mới được thiết kế hiện đại, chạy nhanh, có thuyền trưởng vững vàng và sáng suốt. Khi đó chắc chắn dân gian sẽ không còn chê bai “chuột chạy cùng sào cũng… không vào sư phạm”, và tương lai đất nước sẽ tươi sáng hơn.
TS. Hồ Thiệu Hùng
Bình luận (0)