Xác định chuyển đổi số là con đường tất yếu, giáo viên, nhất là các giáo viên trẻ phải luôn trau dồi chuyên môn, sáng tạo để xứng tầm là người dẫn dắt, hướng dẫn, định hướng cho học trò trong cách mạng 4.0. Các giáo viên trẻ miền Trung đã có những chia sẻ về nghề nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
+ Nhà giáo Phan Hoàng Bách – giáo viên Trường THPT Đakrông (Quảng Trị): Vai trò người thầy đặc biệt quan trọng
Người thầy – trong bất cứ thời điểm nào cũng có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa cung cấp kiến thức, tri thức, vừa dẫn dắt, định hướng học trò hướng đến tương lai tốt đẹp. Trong thời đại cách mạng 4.0, người giáo viên phải hiểu và ý thức được vai trò và ý nghĩa của việc đổi mới và áp dụng CNTT trong dạy học là như thế nào. Chúng ta đưa ra giả thiết, nếu không có CNTT thì cách tiếp cận vẫn chỉ là kiểu cũ, vẫn mang lại hiệu quả nhưng không cao. Vì vậy, CNTT là chìa khóa để đổi mới giáo dục, làm cho giáo dục Việt Nam trở thành nền giáo dục tiên tiến, hiện đại. CNTT là công cụ giúp công việc của giáo viên trở nên dễ dàng hơn. Thay vì giáo viên đảm nhận tất cả các khâu của quá trình giáo dục thì có thể chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh thông qua các phương tiện hiện đại, hướng dẫn các em khai thác tư liệu từ nơi khác.
Chuyển đổi số buộc giáo viên vừa phải là người cung cấp tri thức, vừa phải đóng vai trò là người định hướng cho quá trình tự nhận thức của học sinh. Để làm được điều này, ngoài việc cần phải trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị giúp giáo viên tiếp cận đổi mới thì chính bản thân mỗi giáo viên phải nỗ lực học hỏi không ngừng, nắm vững kiến thức cơ bản về công cuộc chuyển đổi số. Nếu giáo viên không bắt nhịp được với sự phát triển đó thì sẽ khó định hướng được, học sinh thiếu đi sự hướng dẫn trong khai thác và tiếp cận thông tin, thậm chí là tiếp cận sai.
+ Nhà giáo Nguyễn Việt Thảo, giáo viên Trường PT Dân tộc bán trú TH Trà Tập (huyện Nam Trà My, Quảng Nam): Không ngừng học hỏi và sáng tạo
Chuyển đổi số trong giáo dục là xu thế tất yếu trong cách mạng 4.0. Điều đó đòi hỏi các giáo viên không ngừng tiếp cận công nghệ, học hỏi, tìm tòi và sáng tạo. Tuy nhiên, công tác ở địa bàn miền núi, điều đó không dễ dàng. Trước yêu cầu chuyển đổi số, các giáo viên vùng khó phải nỗ lực gấp nhiều lần để bắt kịp công nghệ. Nếu dừng lại đồng nghĩa với việc bị rời ra khỏi “guồng” quay sự chuyển đổi. Xác định vai trò là người dẫn dắt, kết nối, gợi mở giúp học sinh chiếm lĩnh tri thức, tôi luôn nỗ lực hết mình để học hỏi thông qua các nguồn tài liệu.
Chuyển đổi số mang lại hiệu quả nhất trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát. Ở miền núi, mặc dù còn nhiều học sinh ở các bản làng xa, không có sóng điện thoại, buộc giáo viên phải gửi phiếu bài tập về tận nhà, nhưng có nhiều học sinh ở gần trung tâm, việc giao bài tập và cả giải đáp thắc mắc của các em thông qua Zalo, Zoom… rất thuận tiện.
Chuyển đổi số không phải là sự thay thế hoàn toàn công nghệ với cách dạy học truyền thống. Người thầy phải biết mình đứng ở đâu trong “guồng” quay đó và mình cần phải làm gì để nắm bắt và triển khai một cách hiệu quả. Phát huy ưu điểm cái mới trên nền tảng căn bản của truyền thống. Người thầy, dù ở bất kỳ thời đại nào cũng chính là những người “chèo đò” thầm lặng trên hành trình đưa học sinh đến với tri thức.
+ Nhà giáo Phạm Thị Ái Vân – giáo viên Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng): Cần một trái tim yêu nghề mãnh liệt
Cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đó là xu hướng của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Không nằm ngoài xu hướng này, giáo dục cũng trong tâm thế phải thay đổi phương thức tổ chức các hoạt động dạy học để bắt kịp với thời đại.
Chuyển đổi số đòi hỏi giáo viên phải đáp ứng nhiều yêu cầu về chuyên môn sâu, kỹ năng công nghệ, tìm tòi ứng dụng, sáng tạo trong dạy học… Theo tôi, điều tiên quyết nhất chính là một trái tim yêu nghề mãnh liệt. Có yêu nghề thì nhà giáo sẽ luôn đặt mình trong tâm thế tìm tòi, mong muốn đổi mới, học hỏi những điều mới về công nghệ trong dạy học để mang đến cho học trò những điều mới mẻ.
Là một giáo viên địa lý trẻ, nhiều năm nay tôi đã xây dựng nhiều tiết học, những chuyên đề có ứng dụng công nghệ để làm mới những bài giảng của mình: Plicker, Classpoint, Canva, Quizizz, QR code, Video tương tác… giúp học sinh hăng say và tích cực trong giờ học. Bên cạnh đó còn hướng dẫn học sinh thực hiện rất nhiều dự án học tập như: Album Infographic, Brochure, Việt Nam qua trang sách, Sản xuất phim hoạt hình, Thiết kế truyện tranh, Bưu thiếp trao tay, Rung chuông vàng 4.0, Bookmark – Gửi ngàn thông điệp… Để các dự án thành công, ngoài ý tưởng sáng tạo, việc hướng dẫn học trò sử dụng các phần mềm hỗ trợ để thiết kế cũng như cộng tác online với nhau được hiệu quả thì điều đầu tiên tôi phải thông thạo những phần mềm đó để định hướng giúp học sinh thiết kế và khai thác những tri thức mới trong học tập.
Áp dụng chuyển đổi số trong dạy học cần được các trường quan tâm, khích lệ giáo viên và trang bị về cơ sở vật chất, thiết bị… thì mới đạt hiệu quả tốt. Việc lấy học sinh làm trung tâm, làm sao để các em tích cực trong giờ học là điều bản thân tôi luôn trăn trở. Từ đó thúc đẩy mình cần phải là người tiên phong đầu tiên trong lớp học sử dụng công nghệ số, khơi gợi cho các trò thích được học, được khám phá kiến thức qua công nghệ, qua những video, qua những trang web hay… Khi đã thích việc học thì các trò sẽ chủ động mọi hoạt động học tập của mình.
Dù cách mạng 4.0 có mạnh mẽ như thế nào thì cốt lõi về chuyên môn, về phương pháp dạy học cũng sẽ luôn song hành với “chuyển đổi số” trong giáo dục. “Ý tưởng, phương pháp dạy học là linh hồn của bài giảng – Công cụ phần mềm hỗ trợ triển khai ý tưởng và phương pháp dạy học”, đây chính là kim chỉ nam để tôi xây dựng các bài giảng của mình. Phương pháp dạy học cùng với công nghệ phối hợp nhịp nhàng thì khi đó học trò vừa có thể tiếp thu bài mới một cách hiệu quả.
Điều cuối cùng, muốn “tạo ra những con người sáng tạo” thì giáo viên phải tiên phong sáng tạo, nuôi dưỡng sự sáng tạo, sáng tạo trong những tiết học cả về phương pháp và ứng dụng công nghệ số.
Phan Hàn Giang
Bình luận (0)