Với 4 bộ thí nghiệm tự mày mò nghiên cứu, sáng chế trong vòng 7 năm, thầy giáo trẻ Thái Ngọc Ánh, giáo viên (GV) môn vật lý, Trường THPT Vĩnh Định (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đã góp phần tạo nên những tiết học trực quan sinh động, hướng đến mục tiêu giáo dục theo định hướng phát triển năng lực cho HS và dạy học tích hợp liên môn…
Thầy Ánh (thứ 2 từ trái sang) tại một hội nghị chuyên môn |
Khắc phục dạy học “chay”
Thầy Thái Ngọc Ánh kể: “Tôi đam mê môn vật lý từ ngày còn học cấp 2. Rồi tốt nghiệp THPT thì chọn luôn ngành này. Ra trường, đi dạy tôi vẫn luôn tâm niệm, dạy học là phải đưa đến cho HS của tôi những kiến thức cụ thể, những bài học lý thuyết mà thiếu đi phần thực hành thì sẽ rất hạn chế. Thực tế, ở các trường vùng nông thôn, đồ dùng dạy học cho HS ở trường xuống cấp, một số đồ dùng không có trong danh mục thiết bị dạy học cần thiết nhưng trên thực tế nó rất cần cho việc giảng dạy. Trong khi đó, nếu mua thì giá cả đắt đỏ nên tôi quyết định tự làm”.
Năm 2009, sản phẩm sáng chế đầu tiên của thầy giáo trẻ mang tên máy quang phổ hoàn thành. Thầy Ánh bộc bạch: “Không nằm trong danh mục các dụng cụ dạy học cần thiết nên các tiết học liên quan đến máy quang phổ đều không có hình ảnh trực quan. Tôi giảng rất nhiều lần nhưng học trò rất khó hình dung được bài học”. Sau nhiều đêm trăn trở, ý tưởng tự sáng chế máy quang phổ hình thành. Thầy cặm cụi ghép ống kính máy ảnh xin được từ một người bạn, đoạn ống nhựa dài bằng tiêu cự thấu kính và một khe chắn sáng. Qua đôi tay của thầy, các vật liệu đơn giản ấy trở thành máy quang phổ lăng kính dùng để quan sát quang phổ liên tục, quang phổ liên tục phụ thuộc nhiệt độ, quan sát hiện tượng tán sắc ánh sáng, quan sát đường đi của ánh sáng đơn sắc, đáp ứng nhu cầu bấy lâu của HS. “Sau vài lần thử nghiệm, mình hoàn thiện máy quang phổ, áp dụng vào các bài học ở chương sóng ánh sáng, chương trình vật lý lớp 12. Phần này chiếm một lượng câu hỏi không nhỏ trong đề thi tốt nghiệp, đại học”, thầy Ánh nói.
Không dừng lại ở đó, năm 2014, thầy Ánh cho ra đời 2 sản phẩm mới là bộ thí nghiệm giao thoa và nhiễu xạ ánh sáng. Mới đây nhất, thầy lại cho ra đời sản phẩm thứ tư, đó là thí nghiệm về tổng hợp ánh sáng trắng phục vụ cho các bài học trong chương trình vật lý lớp 12 cơ bản và nâng cao có liên quan đến vòng tròn màu…
Sáng tạo hướng đến HS
Thầy Ánh chuyển giao kinh nghiệm về thiết bị tự làm tại Hội nghị khoa học trẻ |
Thầy Ánh chia sẻ, những thí nghiệm thầy tự làm ra đều hướng đến mục đích phục vụ HS. Vì vậy, thầy sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao cho các đồng nghiệp tham khảo để ngày càng nhiều HS được tiếp cận hơn. Năm 2012, sau khi gửi bài về máy quang phổ đăng tạp chí giáo dục, thầy được chọn truyền đạt kinh nghiệm tại Hội nghị khoa học trẻ toàn quốc. Cuối năm 2015, thêm một lần đề tài của thầy vinh dự là một trong 10 đề tài được chuyển giao tại Hội nghị tập huấn thiết bị dạy học tự làm, do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức. Đề tài sau đó được đăng trên Tạp chí Khoa học giáo dục số đặc biệt, tháng 12-2015.
Thầy Thái Ngọc Ánh bảo rằng: “Việc mình làm không phải để khoa trương thành tích mà cốt yếu nhất là làm thế nào để càng nhiều HS biết đến và được ứng dụng thực nghiệm vào bài học là niềm mong mỏi lớn nhất”. |
Các thí nghiệm tự tạo phần sóng ánh sáng có thể áp dụng vào thực tế giảng dạy tại các trường THPT trong toàn tỉnh, được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chọn làm mẫu nhân rộng trong toàn quốc. Các vấn đề trong đề tài cũng đã được chọn làm chuyên đề tập huấn cho các hội thảo thiết bị cấp tỉnh và cấp quốc gia, như chuyên đề: Chế tạo máy quang phổ; Chế tạo bộ thí nghiệm trong dạy học sóng ánh sáng… Với việc chế tạo thành công khe nhiễu xạ và khe Young bằng phương pháp ghép lưỡi lam và bằng phương pháp in laser, chỉ riêng chế tạo thành công khe Young giúp tiết kiệm cho các trường THPT, tháo gỡ khó khăn, lúng túng trong việc tổ chức cho GV và HS tự làm đồ dùng dạy học, chủ động giải quyết vấn đề thiếu hụt thiết bị thí nghiệm ở các lớp có sĩ số đông. Thầy Ánh cho biết: “Các dụng cụ này dễ làm, sử dụng đơn giản nên mọi GV và HS đều có thể tận dụng nguyên vật liệu sẵn có để làm ra các thiết bị dạy học, nhen nhóm cho các em niềm tin, đam mê nghiên cứu sáng tạo, từ đó giúp các em yêu thích môn vật lý và học tập tốt hơn”. Điều đặc biệt, với máy quang phổ và bộ thí nghiệm tổng hợp ánh sáng trắng có thể áp dụng để giảng dạy một số bài liên quan đến ánh sáng ở chương trình lớp 9 chương trình THCS. Ứng dụng vào dạy học liên môn, như chế tạo khe nhiễu xạ và khe Young, vòng tròn màu bằng phương pháp in Laser có thể tích hợp với bộ môn tin học lớp 10; Các bộ thí nghiệm khác tích hợp với tin học lớp 10; Tích hợp với môn GDCD để giáo dục HS thái độ tiết kiệm năng lượng, dùng năng lượng sạch. Tích hợp với môn công nghệ 12, HS có thể chế tạo biến áp nguồn…
Ngoài giờ lên lớp, thời gian còn lại của thầy gần như xoay vần với những ý tưởng sáng tạo. Thầy bảo: “Việc biến ý tưởng thành hiện thực không phải bao giờ cũng suôn sẻ. Những lúc gặp khó khăn, tôi thường trao đổi với vợ – cô Nguyễn Thị Xuân Hiền GV Trường THPT Chu Văn An, Quảng Trị – đồng nghiệp cùng chuyên môn để tìm ra giải pháp tốt nhất cho đề tài. Ngoài ra, tôi cũng may mắn nhận được nhiều sự góp ý của các đồng nghiệp lớn tuổi chuyên ngành vật lý…”.
Với 4 bộ thí nghiệm hữu ích trong chương sóng ánh sáng và 17 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín trong vòng 7 năm, hỏi thầy đã đủ để phục vụ việc dạy học chưa? Thầy cười hiền: “Người GV đứng trên bục giảng không chỉ đơn thuần cầm viên phấn, cây thước và cuốn sách giáo khoa mà phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo, vận dụng mới có thể đưa đến cho HS mình những kiến thức bổ ích, mang tính thực tiễn nhất. Đó mới là nhiệm vụ của một người đứng lớp giảng dạy”. Thầy bảo rằng: “Việc mình làm không phải để khoa trương thành tích mà cốt yếu nhất là làm thế nào để càng nhiều HS biết đến và được ứng dụng thực nghiệm vào bài học là niềm mong mỏi lớn nhất”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)