Tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục cống hiến cho nghề dạy học là con đường mà thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Tuấn lựa chọn |
Tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM, được nhiều trường có tiếng mời về giảng dạy nhưng thầy Nguyễn Ngọc Tuấn đã chọn ngay “trường làng” THCS Bình Lợi Trung. Một ngôi trường ở nội thành nhưng cơ sở vật chất còn rất hạn chế; học trò của trường thì nhiều người vẫn thường gọi là “hợp chủng quốc”.
Chuyện nghe có vẻ ngược đời với một thầy giáo trẻ nhưng càng đi sâu vào tìm hiểu con người, cuộc đời gắn với nghiệp phấn trắng bảng đen của thầy giáo Tuấn tôi càng tìm thấy nhiều chuyện ngược đời hơn nữa.
Bỏ tất cả vì đam mê “gõ đầu trẻ”
Nhìn thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Tuấn với dáng người nhỏ nhắn, tôi không thể ngờ được trước đây thầy là sinh viên Khoa Địa chất – Dầu khí của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhưng vì thích nghề “gõ đầu trẻ” mà Tuấn đã mạnh dạn bỏ cả trường đại học danh tiếng này để đến với nghề giáo.
Thời trung học, Tuấn là học sinh của Trường THPT Lê Quý Đôn, sau đó Tuấn thi đỗ cùng một lúc hai trường đại học Nông lâm và Bách khoa TP.HCM vào năm 2000. Bố là giáo viên, mẹ chỉ là một viên chức, nhà lại có 4 anh chị em đều đi học nên Tuấn buộc phải đi dạy kèm để trang trải cho cuộc sống của mình. Chính những ngày tháng dạy kèm đã khiến thầy giáo trẻ Ngọc Tuấn cảm thấy rằng mình có khả năng và thích nghề dạy học hơn. Và niềm đam mê này còn được truyền từ người bố là giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu.
Cuối năm 3 ở Trường ĐH Bách khoa, trong khi các bạn lo chuẩn bị đi thực tập thì Tuấn lại viết đơn xin nghỉ học. Một phần vì đam mê dạy học, một phần do sức khỏe của mình yếu nên Tuấn chắc chắn rằng mình không thể ra giàn khoan được. “Ngày mình viết đơn xin thôi học, mẹ và chị gái khóc nước mắt giàn giụa. Mẹ mình đội cả trời mưa, trời gió đến Trường ĐH Bách khoa để hỏi các thầy giáo xem tại sao con mình lại có quyết định ngược đời như vậy. Mình biết và suy nghĩ rất nhiều nhưng cuối cùng vẫn quyết định chọn nghề giáo và bố mẹ cũng sẽ hiểu. Những người hàng xóm lúc này thì xì xào nghĩ mình có vấn đề về thần kinh vì sắp tốt nghiệp rồi, học lực đâu đến nỗi tệ mà lại bỏ lửng giữa chừng như thế”, Tuấn nhớ lại.
Từ giã làm kỹ sư giàn khoan, Tuấn đăng ký thi tuyển vào ngành sư phạm và trúng tuyển vào Trường CĐ Sư phạm TP.HCM. Tuấn mừng rỡ vì nghĩ rằng đây là cái nghiệp và cũng là niềm khát khao của mình đã đến. “Không có nghề nào sang, cũng chẳng có nghề nào hèn”, Tuấn tâm niệm như vậy và mạnh mẽ bước đi trên con đường mà mình đã lựa chọn mặc dù có hơi muộn.
Công trình khoa học từ… ve chai
Ngay từ khi nhận công tác ở Trường THCS Bình Lợi Trung (năm 2006) thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Tuấn đã bắt tay vào việc nghiên cứu, sáng chế vì đó là niềm đam mê khoa học ngay từ nhỏ.
Là giáo viên dạy môn hóa nhưng mỗi lần lên lớp, các dụng cụ dùng cho thí nghiệm ở bài giảng nào cũng thiếu, không thiếu hóa chất thì lại thiếu dụng cụ đựng thí nghiệm. Thương học trò nghèo ngày ngày chỉ biết cắm cúi học theo những bài giảng lý thuyết khô khan mà không được thực hành, thực nghiệm, thầy bắt đầu chia sẻ với các em học sinh và cùng với các em bắt tay vào sáng chế. Thầy kể: “Trường nghèo nên làm gì có tiền để mua các dụng cụ sáng chế, mình phải tự bắt tay vào làm thôi. Tận dụng mọi phế thải trong trường như chai lọ, mảnh kính vỡ, ống nước… Thậm chí là những vật dụng ở nhà mẹ định mang bán ve chai mình giữ lại để làm các dụng cụ thí nghiệm. Sau khi đã có các dụng cụ thí nghiệm rồi thì mình lại bắt đầu cho học trò thử sáng kiến, vậy là cả thầy và trò bắt tay vào làm sản phẩm để củng cố những kiến thức được học trên lớp cho học sinh và đi tham dự các cuộc thi để có thêm phong trào, động lực sáng chế”.
Từ những lon bia, mảnh kính, thầy đã hướng dẫn học sinh sáng chế nên một máy nước nóng làm bằng năng lượng mặt trời. Nhiệt độ nước đựng trong chiếc máy này lên đến 600c. Sáng kiến đầu tay này đã đạt giải nhất trong cuộc thi thiết kế mô hình Hành tinh xanh của quận Bình Thạnh năm 2007. Sau đó, sản phẩm được gửi đi tham dự cuộc thi “Sức sống mới từ phế thải – lần 1” của Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM. Niềm vui vỡ òa đến với một ngôi trường nghèo chẳng mấy ai biết đến khi sản phẩm mà thầy hướng dẫn học trò đã đạt giải nhất tại cuộc thi.
Năm học tiếp theo, Ngọc Tuấn lại bắt tay vào sáng chế hệ thống lọc nước bằng năng lượng mặt trời để lọc nước phèn, nước bẩn… Sản phẩm này cũng đã đạt giải nhất tại cuộc thi “Sức sống mới từ phế thải – lần 2”. Hiện nay, sản phẩm này đã được chuyển giao cho Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tiếp tục nghiên cứu để đưa vào ứng dụng thực tế.
Để có được những sáng kiến đạt giải cao trong các cuộc thi sáng chế của quận và thành phố tổ chức, thầy Tuấn chia sẻ: “Trong cái khó ló ra cái khôn, chính trong gian khổ, khó khăn đã giúp tôi tìm tòi, sáng chế. Nếu ban đầu tôi chọn một trường tốt về dạy học thì tôi nghĩ rằng tôi khó có thể làm nên những sản phẩm gọi là khoa học được nhiều người biết đến như ngày hôm nay”.
Không ngừng phấn đấu vì học trò nghèo ở “trường làng”
“Đi qua đoạn đường ngoằn ngoèo đầy đất đỏ, bước chân vào Trường THCS Bình Lợi Trung để nhận công tác giữa một buổi chiều mưa khi nước ngập tới đầu gối. Tôi thoáng có một chút băn khoăn khi trước mặt tôi là một “ngôi trường làng” đúng nghĩa không hơn không kém”, Tuấn bồi hồi nhớ lại. Để rồi sau 3 năm làm việc ở trường, những suy nghĩ bất chợt đó đã được kiểm định lại và giờ đây Tuấn khẳng định chắc chắn rằng đó không phải là sự lựa chọn sai lầm.
Mặc dù cơ sở vật chất của Trường THCS Bình Lợi Trung còn rất hạn chế nhưng được làm việc trong môi trường sư phạm với đúng niềm đam mê của mình thì với Tuấn như là “cá gặp nước” để mặc sức vùng vẫy, nghiên cứu, sáng chế… Đặc biệt, ở “ngôi trường làng” này Tuấn được gặp một người thầy cũng chung niềm đam mê với mình, đó là thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thâm. Thầy Thâm cũng từng là sinh viên của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhưng vì yêu nghề giáo nên thầy đã từ giã làm kỹ sư để đến với trường lớp.
Cái khó ban đầu với Tuấn ở “ngôi trường làng” này không chỉ là cơ sở vật chất mà còn là học sinh. Hầu hết các em học sinh ở đây đều là con nhà nghèo, bố mẹ bận rộn với công việc làm ăn nên việc học của các em cũng không được đến nơi đến chốn, nhiều em còn tỏ thái độ bất cần với việc học. Vì thế mà nhiều người vẫn thường gọi đùa các em học sinh ở đây là “hợp chủng quốc”. Vậy nhưng, khi làm công tác Đoàn Đội, gắn bó với các em học sinh nghèo, Tuấn đã thấy được tình cảm chân thành của các em.
Vừa tốt nghiệp xong hệ cử nhân của Trường ĐH Sài Gòn, Tuấn tiếp tục thi lên cao học và đậu vào ngành hóa vô cơ của trường. Mặc dù đã có những thành công nhất định nhưng nhà giáo trẻ Nguyễn Ngọc Tuấn vẫn luôn tâm niệm rằng: “Con đường phía trước còn rất dài, mình không thể sống mãi trong bầu không khí chiến thắng được. Tiếp tục cống hiến, tiếp tục sáng tạo là con đường sẽ đi mãi trong suốt cuộc đời của mình”. Những người bạn học cùng lớp ở Trường ĐH Bách khoa với Tuấn bây giờ đã là những kỹ sư ở trên giàn khoan, có những người lương lên đến hàng chục ngàn đô nhưng Tuấn vẫn cho rằng anh đã lựa chọn đúng. “Mình vẫn rất giàu có, sự giàu có của mình không thể đong đếm bằng vật chất được mà đó chính là tinh thần khi mình được cống hiến trong một môi trường yêu thích, được cảm nhận những tình cảm chân thành của những học trò “hợp chủng quốc” dành cho mình” – Tuấn thổ lộ.
Bài, ảnh: Dương Bình
Sự phấn đấu của thầy giáo trẻ Ngọc Tuấn trong suốt 3 năm qua ở Trường THCS Bình Lợi Trung không chỉ là những giải cao trong các cuộc thi sáng tạo, năm học qua thầy còn đạt giải nhì cuộc thi giáo viên giỏi của giải thưởng Chu Văn An do quận Bình Thạnh tổ chức; được Liên đoàn Lao động thành phố trao tặng danh hiệu “Người thợ TP.HCM năm 2010”. Không dừng lại ở đó, mới đây Tuấn là 1 trong 17 giáo viên bậc THCS được Thành đoàn TP.HCM tuyên dương Nhà giáo trẻ tiêu biểu lần III. |
Bình luận (0)