Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Cương |
Sau một hành trình dài gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, năm học 2008-2009 NGƯT Nguyễn Văn Cương nghỉ hưu. Từ một thầy giáo dạy sinh vật đến hiệu trưởng trường THPT và sau đó là Trưởng phòng GDTX Sở GD-ĐT TP.HCM, ông đã dành nửa đời làm nghề dạy học của mình cho GDTX. Có thể nói, ông đã để lại trong đồng nghiệp, học trò hình ảnh một thầy giáo, một người cán bộ quản lý cần mẫn, tâm huyết.
Bảy năm cộng với mười năm
Giữa cuộc sống đời thường, NGƯT Nguyễn Văn Cương không thuộc “tuýp” người vồn vã, vồ vập. Ông thường ít lời, hiền hậu và chỉ nói chuyện khi nào cần thiết song đó không phải là con người lạnh lùng, xa cách. Bất cứ gặp ông ở đâu, dù trong hội nghị hay ngoài chỗ đông người, từ trong con người im lặng đó vẫn không che giấu được vẻ thân thiện, nét nhân từ “bắt buộc” người đối diện phải cảm mến. Thế nhưng khi nói chuyện trước diễn đàn, ông lại là người sôi nổi đến bất ngờ với mọi ý tưởng và ngôn từ sắc sảo. Cũng là một bản báo cáo tổng kết của một học kỳ hay cả năm học, nhưng qua cuộc đối thoại của vị trưởng phòng GDTX với đội ngũ chuyên viên, giám đốc trung tâm GDTX các quận huyện thì những con chữ khô khan, các con số rời rạc đã thành một diễn đàn trao đổi, bàn luận sinh động. Có thể thấy những sự kiện ông đưa ra mổ xẻ không bao giờ trình bày theo dạng “đọc – chép” mà đó chính là những vấn đề mang đậm màu sắc hiện thực của vị “trưởng làng” GDTX đã nắm bắt được sau những lần xuống “vi hành” tại các trung tâm GDTX, các trường BTVH. Đó thường là những bài toán, những vướng mắc có thật từ sự điều hành, cách quản lý của bộ máy lãnh đạo dưới cơ sở đang cần bàn tay tháo gỡ từ nhiều phía. Có người bảo rằng do ông đã quá gắn bó với GDTX nên bây giờ tất cả những gì liên quan đến GDTX như đã trở thành máu thịt trong con người ông rồi. Nhưng có người vẫn quả quyết, thiếu gì người gắn bó chung thủy với ngành học mà họ phụ trách nhưng mấy ai sâu nặng, bền chặt được như ông.
…Năm 1999, đang giữ cương vị Phó trưởng phòng GD trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, NGƯT Nguyễn Văn Cương được giao chức vụ Trưởng phòng GDTX của sở. Bao nhiêu năm gắn bó với hệ thống giáo dục phổ thông, từng là Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (Hóc Môn) thế mà bây giờ ông lại “rẽ ngang” lao vào một “mặt trận” khác. Có lẽ chưa bao giờ gánh nặng trách nhiệm lại đè lên vai người nhạc trưởng như thế. Không “xuôi chèo mát mái” như giáo dục phổ thông, GDTX thật bề bộn và ngổn ngang trăm mối. Cơ sở vật chất thiếu thốn, chất lượng đầu vào thấp, thiếu nhân tài vật lực là điệp khúc mà GDTX các quận huyện phải “gào cổ hát” mãi từ tháng này qua năm khác. Từ một lớp phổ cập, một cơ sở tin học – ngoại ngữ đến một trường BTVH hay TTGDXT dù ở trong cuộc nhưng tất cả đều “lực bất tòng tâm” trước những rào cản lớn. Con thuyền GDTX như đang đứng trước đầu sóng ngọn gió lại thiếu tay lái chắc khỏe thì làm sao bơi ra biển lớn được. Bắt tay vào cuộc đọ sức không ít chênh vênh, người thuyền trưởng xác định phải đối diện và đồng hành cùng với khó khăn chứ không thể ngồi chờ “trái từ trên cây rụng xuống”. Thực ra lối “rẽ ngang” này không phải là xuất phát điểm mà bây giờ ông mới bắt đầu gắn kết với hệ giáo dục không chính quy. Như duyên kỳ ngộ, đây là sự tiếp nối đoạn đường mà ông đã từng đi qua vào những năm sau ngày miền Nam giải phóng. Đoạn đường đó như là một chút duyên nợ và may mắn giúp ông có thêm dũng khí để trở về phụ trách mảng GDTX. Kể lại chuyện này, NGƯT Nguyễn Văn Cương như ngược dòng quá khứ: “Nhanh thật, mới đó mà 37 năm trời trôi qua. Năm 1972, sau khi tốt nghiệp Khoa Vạn vật Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn tôi về Tiền Giang nhận nhiệm sở tại Trường THPT Hòa Bình, sau đó là Trường Trương Định (Gò Công). Đến năm 1978, tôi chuyển về Trường Vừa học vừa làm tỉnh Tiền Giang”. Theo lời ông kể, đây là ngôi trường được thành lập nhằm bổ túc trình độ văn hóa cấp 3 cho đối tượng là con cán bộ, thương binh, liệt sĩ và các diện chính sách khác theo mô hình của Trường Thanh niên lao động XHCN tỉnh Hòa Bình ở miền Bắc trong thời kỳ chống Mỹ. “Khi đó tôi là người trực tiếp cầm quyết định thành lập Trường Vừa học vừa làm đến một khu đất 72 ha để bắt tay xây dựng. Ngày đầu mới chỉ có 200 học viên, thầy trò phải tá túc trong nhà dân và đình làng. Lớp học, nhà ở của thầy và trò tất cả đều tranh tre nứa lá” – ông tâm sự. Đi từ hai bàn tay trắng nên gian khổ không sao nói hết nhưng theo ông, đó là những tháng ngày có ý nghĩa và đẹp nhất để tôi luyện ý chí con người và lắng đọng rất sâu tình nghĩa thầy và trò, trường lớp với nhân dân. Là một thầy giáo mới ra trường nhưng Hiệu trưởng Cương đã cùng đội ngũ sư phạm xây được một nền móng vững chãi cho mô hình có thể nói rất xa lạ với giáo dục phía Nam.
Vui buồn còn đọng lại
Bây giờ nhìn lại, phần nào ông đã vui vì GDTX tuy chưa hết nhọc nhằn nhưng đang lớn mạnh dần về lượng và chất. Không mãn nguyện sao được khi trung tâm GDTX các quận huyện tăng số lượng nhất là những tín hiệu mừng về chất lượng từ các cơ sở ngoại ngữ – tin học, trung tâm văn hóa ngoài giờ… Những người có trách nhiệm như ông càng lạc quan hơn với nhiều cơ sở GDTX thành lập từ các ban ngành như Liên đoàn Lao động, Thành đoàn, Thanh niên xung phong… Các trung tâm đó đã vươn vai khỏe mạnh và đủ sức “phủ sóng” khắp mọi vùng. Hoạt động GDTX của TP đã giao thoa và có sức lan tỏa ra các địa phương, tỉnh thành khác và lúc nào cũng đứng ở vị trí người anh cả, nhiều năm liền trở thành lá cờ đầu của cả nước. Nhắc tới thành tích của GDTX, NGƯT Nguyễn Văn Cương không bao giờ quên hình ảnh những thầy cô, cán bộ chuyên trách không quản đêm ngày cần mẫn tham gia công tác xóa mù chữ và phổ cập bậc trung học. Họ được coi là những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận văn hóa mà không bao giờ gắn huân chương giữa ngực, ít nhiều còn phải chịu thiệt thòi về quyền lợi và chế độ đãi ngộ. Nhưng vượt lên cả nỗi buồn, ông thật sự trăn trở khi thấy GDTX vẫn chưa đáp ứng được mọi nhu cầu đi học của người dân lao động nhất là những người có hoàn cảnh, những học viên khuyết tật. Nếu không có cánh cửa GDTX rộng mở thì làm sao họ còn cơ hội học tập và hội nhập với cộng đồng. Ông chỉ mong GDTX đừng bỏ rơi sứ mệnh của mình làm sao giúp hàng trăm công nhân, hàng nghìn người dân nhập cư ai cũng được nâng cao trình độ, không phải chịu thua thiệt về chuyện chữ nghĩa.
Gia đình NGƯT Nguyễn Văn Cương cũng là một gia đình trọn đời cống hiến cho nghề giáo. Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu từng là “ngôi nhà chung” khi cả hai vợ chồng ông cùng công tác tại huyện Hóc Môn. Người chị gái của ông là giáo viên quận Thủ Đức nay vừa mới nghỉ hưu. Thế hệ thứ hai đang nối nghiệp ba má là cô con gái Nguyễn Đào Ngọc Lan vừa tốt nghiệp thạc sĩ ở Hàn Quốc về hiện là giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Điều đáng quý hơn là mọi đề tài của ông luôn nằm trong “quỹ đạo” GDTX và có tính ứng dụng cao trong việc xây dựng một xã hội học tập trong thời kỳ hội nhập. Những đóng góp mà ông để lại cho GDTX TP.HCM cũng như trái ngọt, hoa thơm từ những cây cành mà ông dành nửa đời theo nghề giáo cấy trồng và chăm bón.
Cũng có lúc lòng ông như se lại khi có người “nhất bên trọng, nhất bên khinh” cho rằng GDTX đã hết vai trò lịch sử nên khép lại mảng dạy BTVH để lui vào sau hậu trường giáo dục. |
Hương Thủy
Bình luận (0)