Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhà giáo vẫn còn nhiều thiệt thòi…

Tạp Chí Giáo Dục

Dù bỏ nhiều chất xám nhưng giáo viên vẫn chưa nhận được đồng lương tương xứng. Ảnh: I.T

Chính sách đối với nhà giáo hiện nay còn nhiều bất cập và chưa công bằng. Đây chính là vấn đề được các đại biểu quan tâm tại hội thảo chính sách đối với nhà giáo trong việc xây dựng Luật nhà giáo được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 15-6 vừa qua.
11 vấn đề của chính sách đối với nhà giáo
Theo TS. Nguyễn Hải Thập, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (NG&CBQLGD), Bộ GD-ĐT, để giúp Ban soạn thảo và Tổ biên tập có cơ sở lựa chọn những chế định về chế độ chính sách đối với nhà giáo đưa vào Luật nhà giáo, Cục đã đưa ra 11 vấn đề để trao đổi tại hội thảo. Tất cả các vấn đề này đều liên quan đến chính sách đối với nhà giáo như việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; ngạch nhà giáo và tiêu chuẩn ngạch nhà giáo; phụ cấp ưu đãi và khôi phục chế độ thâm niên cho nhà giáo; đánh giá, phân loại nhà giáo; công tác bồi dưỡng nhà giáo; chính sách đối với nhà giáo ở trường chuyên biệt; vấn đề rút ngắn và kéo dài thời gian công tác đối với nhà giáo; chính sách nhà công vụ; chính sách ưu tiên đối với con nhà giáo. Trong nội dung này, lần đầu tiên, đề cập đến vấn đề con nhà giáo. TS. Nguyễn Hải Thập cho biết, để nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà, thì cần phải có chính sách đối với con nhà giáo công tác ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Mặt khác, cần khuyến khích con em nhà giáo kế tục sự nghiệp của bố mẹ, phát huy những truyền thống, kinh nghiệm của cha mẹ tích lũy được trong quá trình cống hiến cho ngành, Nhà nước cũng cần có những chính sách ưu tiên cho khuyến khích con em nhà giáo vào học ngành sư phạm và phục vụ sự nghiệp giáo dục. Chính sách thứ 10 là hỗ trợ kinh phí mua tài liệu, sách báo, trang phục. Chính sách cuối cùng là công tác thi đua khen thưởng vinh danh nhà giáo.
Lương cho nhà giáo: cần rõ ràng
“Thống kê của 12 tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy, lương bình quân của giáo viên mầm non là 1,4 triệu đồng/tháng, tiểu học là 1,6 triệu đồng/tháng. Còn theo Tổng cục Thống kê, lương bình quân của nhà giáo là 1,4 triệu đồng/tháng. Đối với những nhà giáo phải nghỉ hưu sớm do không đạt chuẩn, mức thu nhập còn thấp hơn” – ông Nguyễn Hữu Diễn, chuyên viên cao cấp, Bộ GD-ĐT cho biết. Ông Trịnh Thăng Mạnh, Trưởng ban Chính sách – Xã hội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đưa ra một vài con số cụ thể. Theo ông Mạnh, lương đối với nhà giáo hiện nay trong mối tương quan với các viên chức cùng loại trong khu vực hành chính sự nghiệp Nhà nước và với viên chức các ngành khác thuộc khu vực Nhà nước đều thấp hơn. Cụ thể, mức tăng tiền lương khi chuyển từ lương cũ sang lương mới theo Nghị định 204/2004/NĐ -CP của Chính phủ đối với nhà giáo so với các ngạch viên chức cùng loại thì: đối với giáo sư, mức tăng thấp hơn 6 ngạch viên chức cùng nhóm (kiến trúc sư, kỹ sư cao cấp…); phó giáo sư mức tăng thấp hơn 9 ngạch viên chức nhóm (kiến trúc sư, kỹ sư chính…); giảng viên ĐH mức tăng thấp nhất trong tổng số 33 ngạch viên chức cùng loại A1; giáo viên THPT, giáo viên TCCN và dạy nghề có mức tăng bằng 4 ngạch viên chức và có mức tăng thấp hơn 23 ngạch viên chức cùng loại A1; giáo viên tiểu học mức tăng thấp nhất trong tổng số 24 mã ngạch viên chức cùng loại B… Cũng theo ông Mạnh, giáo dục là 1 trong 9 ngành có mức thu nhập bình quân thấp hơn mức bình quân chung (bao gồm: giáo dục và đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng, hoạt động văn hóa, thể thao…). Không những thế, bà Đoàn Thị Minh Công, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương đưa ra vấn đề ngạch giáo viên hiện nay chưa đầy đủ và bất hợp lý. Giáo viên tiểu học tốt nghiệp ĐH được xếp vào giáo viên cao cấp nhưng lương vẫn hưởng theo bậc ĐH. Chưa có phân biệt gì khác. Ngoài ra, theo nhiều đại biểu, chính sách ưu đãi của Nhà nước như hỗ trợ, phụ cấp đối với giáo viên nhiều khi xuống tới “tay nhà giáo” rất chậm. Thậm chí, nhà giáo còn bị nợ lương, nợ phụ cấp.
Luân chuyển giáo viên: cần đưa vào Luật nhà giáo
Các đại biểu đều đề xuất cần phải đưa chủ trương luân chuyển giáo viên vào Luật nhà giáo. Bởi, theo NGND Lê Phước Long, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị, những giáo viên “cắm bản”, “cắm vùng khó” thường là “con dân”. Họ muốn xin về đồng bằng, về đô thị nhưng không còn biên chế. “Tôi lên vùng sâu, vùng xa, nhiều giáo viên nói với tôi muốn về đồng bằng để được lập gia đình. “Cái sự son phấn một thời phôi pha” là như thế đấy. Đó là sự hy sinh của rất nhiều nhà giáo” – NGND Lê Phước Long tâm sự. Dù đã rất cố gắng nhưng thời gian vừa qua, Quảng Trị cũng chỉ mới luân chuyển được 50 giáo viên.
Việc khôi phục lại thâm niên cho nhà giáo cũng được nhiều đại biểu đưa ra. Ông Phạm Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục NG&CBQLGD, Bộ GD-ĐT cho biết, vấn đề này đã được Bộ GD-ĐT đề cập đến trong đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009-2014 và đã được Thường vụ Quốc hội và Ủy ban VHGDTTNNĐ Quốc hội ủng hộ. Nhà giáo có thể yên tâm phần nào.
Trước những bất cập trong chính sách đối với nhà giáo, TS. Nguyễn Văn Dụ khẳng định: “Tôi có cảm giác đánh giá hiện trạng về chính sách đối với nhà giáo của chúng ta “chưa đủ liều”. Nếu coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì chính sách giáo viên phải là một bộ phận của quốc sách hàng đầu đó”. GS. Phạm Văn Lê, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm trung ương cũng đề xuất cần phải có một đề tài, một chương trình nghiên cứu sâu về chính sách nhà giáo. Luật nhà giáo phải coi chính sách này là trung tâm.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ chỉnh sửa phù hợp trong bản dự thảo.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)