Họ là những nhà giáo nhưng lại trót mang nghiệp… nhà báo, sẵn sàng lên tiếng trước những vấn đề nóng của ngành giáo dục.
Thẳng thắn góp ý những bất cập của ngành giáo dục
Tôi từng có thời gian làm cộng tác viên mảng giáo dục cho nhiều tờ báo. Ngoài đưa tin, tôi còn viết bài về cuộc sống của học sinh, sinh viên, giáo viên, các gương người tốt việc tốt, những mảnh đời bất hạnh… Thỉnh thoảng tôi viết phản biện những bất cập của đề kiểm tra, đề thi môn ngữ văn, kể cả đi đến tận cùng những vụ lộ đề thi tuyển sinh 10 ở một số tỉnh miền Trung hay gian lận thi cử tốt nghiệp THPT năm 2018. Mỗi tin, bài được xuất bản, tôi thường theo dõi lượt view trên hệ thống để biết bài viết của mình được độc giả quan tâm thế nào. Những tin, bài nóng, chỉ vài ba ngày đã có lượng độc giả truy cập lên đến hàng trăm ngàn lượt xem, khiến tôi rất vui, càng thêm có động lực làm việc. Tuy nhiên, tôi tâm đắc nhất là một số bài viết về gương học sinh nghèo hiếu học. Sau khi bài viết được đăng, nhiều bạn đọc gửi tiền giúp các em vượt qua khó khăn trước mắt để có thể tiếp tục đến trường. Tôi nhớ nhất là bài viết “Nữ thủ khoa dân tộc Mường gạt nước mắt từ bỏ giảng đường đại học” đăng trên một tờ báo vào tháng 8-2018. Đó là em Hà Thị Nhung (học sinh Trường THPT Thọ Xuân 5, Thanh Hóa) đỗ thủ khoa ngành tâm lý giáo dục của Học viện Quản lý giáo dục với 25,75 điểm. Nhung là học sinh giỏi liên tục trong 3 năm THPT. Tuy nhiên, vì gia cảnh quá khó khăn nên em phải tạm gác lại ước mơ ngồi trên giảng đường đại học, đi làm công nhân. Khoảng một tuần sau khi bài báo đăng, bạn đọc đã quyên góp, hỗ trợ vật chất cho nữ thủ khoa dân tộc Mường kịp làm thủ tục nhập học. Lãnh đạo Học viện Quản lý giáo dục cũng miễn toàn bộ học phí, chi phí ở ký túc xá trong năm thứ nhất, hỗ trợ việc làm để em có thêm thu nhập trong thời gian học tập. Thầy Hiệu trưởng Trường THPT Thọ Xuân 5 gọi điện cảm ơn tôi về sự giúp đỡ cho học sinh của trường. Bây giờ Nhung đã là sinh viên năm thứ 3, vẫn giữ được phong độ sinh viên giỏi.
Hiện giờ, tôi tiếp tục cộng tác cho một tòa soạn, chủ yếu viết các bài phản biện về chế độ chính sách cho giáo viên, những hạn chế của sách giáo khoa, Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Qua những bài viết này, tôi mong muốn các cơ quản quản lý giáo dục thấy được những bất cập của một số thông tư, nghị định… để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Hiện nay, tôi vẫn cố gắng viết về những vấn đề nóng của ngành giáo dục nhằm góp thêm một tiếng nói, mang tính xây dựng của một người có chuyên môn, hiểu nghiệp vụ. Và cho dù có khó khăn thế nào thì tôi cũng chưa bao giờ có ý định sẽ nghỉ công việc viết báo nhọc nhằn này.
ThS. Phan Thế Hoài
(giáo viên môn ngữ văn
Trường THPT Bình Hưng Hòa,
Q.Bình Tân, TP.HCM)
Yêu nghề giáo hơn qua mỗi trang viết
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá. Những bài viết cộng tác với các báo của tôi đều dựa trên những kinh nghiệm giảng dạy mà bản thân đã mạnh dạn áp dụng về phương pháp dạy học mới, cách thức ra đề kiểm tra, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng bài giảng E-learning trong mùa Covid-19. Mỗi bài viết với mong muốn lan tỏa tinh thần đổi mới, hoàn thiện “sản phẩm dạy học” mang tính cộng đồng, góp phần vào công cuộc đổi mới toàn diện ngành GD-ĐT. Trong vai trò cộng tác viên luôn giúp tôi cập nhật thông tin thời sự, tính mới để làm mới mình mỗi ngày, để có thể “thổi hồn” vào bài giảng thêm phần sinh động. Và như một sự cộng hưởng, báo chí giúp đội ngũ nhà giáo hiểu rõ hơn về các chủ trương, đường lối, chính sách mới của ngành, của Chính phủ…
Là giáo viên… tập tành làm báo, tôi thường hay ghi chú lại thực tế công tác dạy học vào quyển “nhật ký làm báo” của mình. Đó là những kỷ niệm đẹp về tình thầy trò, các mẩu chuyện về đạo đức nghề giáo, các bài học giáo dục đạo đức, kỷ luật tích cực, hoạt động ngoại khóa, hướng nghiệp, kỹ năng sống hay những góp ý xây dựng dự thảo thông tư mới với nhiều trăn trở trong công tác giảng dạy. Mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm, qua báo chí, tôi hay chia sẻ đến học sinh cả nước những thủ thuật làm bài thi hiệu quả, cách thiết lập sơ đồ tư duy kèm cách thức, chiến thuật ôn tập môn hóa học, để các em có thể tối ưu hóa việc học nhanh nhất mà kết quả thi đạt tốt nhất. Mỗi bài viết được đăng, nhận được những phản hồi tích cực từ phía bạn đọc luôn đem lại cho tôi nhiều cảm xúc để qua đó tôi càng trân quý, yêu hơn nghề giáo mình đã chọn, ý thức hơn mỗi trang viết để mang đến cái nhìn tích cực của xã hội với nghề giáo.
ThS. Phạm Lê Thanh
(giáo viên môn hóa
Trường THPT Lê Thánh Tôn,
Q.7, TP.HCM)
Luôn thể hiện tiếng nói, quan điểm của mình
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã bắt đầu cộng tác với một số tờ báo tuổi teen. Những bài viết khi đó đã “nuôi dưỡng” ước mơ theo đuổi nghề báo trong tôi, ngay cả khi đi dạy học 2 năm, ước mơ đó vẫn thôi thúc. Các bài viết khi đứng trên bục giảng không còn là những sáng tác thơ, truyện nữa mà đã nói nhiều hơn về chuyên môn của nghề giáo, nhất là trước các vấn đề nóng của ngành giáo dục được dư luận xã hội quan tâm. Không chỉ viết bài, tôi còn may mắn được các anh chị phóng viên hỏi về chuyên môn trong các bài viết, nhất là với các vấn đề đổi mới giáo dục, giáo dục thời 4.0, tình cảm thầy trò…, để phản ánh một cách chân thực nhất đời sống của ngành giáo dục. Đứng ở góc độ một nhà giáo dục, tôi luôn thẳng thắn thể hiện tiếng nói, quan điểm của mình. Báo chí đã giúp tôi lan tỏa được hình ảnh, tiếng nói đến đông đảo học trò và xã hội. Ngược lại, qua báo chí cũng giúp tôi chia sẻ những bài viết về tâm tư, tình cảm, quan điểm đối với nghề giáo, với các vấn đề của ngành giáo dục để thay đổi và làm cho tốt hơn.
ThS. Đỗ Đức Anh
(giáo viên môn ngữ văn
Trường THPT Bùi Thị Xuân,
Q.1, TP.HCM)
Đỗ Yến (ghi)
Bình luận (0)