Tôi có cơ duyên cộng tác với báo chí tới nay đã 12 năm, một khoảng thời gian khá dài với một giáo viên THCS như tôi. Trong đó, tôi nhớ như in bài viết đầu tiên được đăng trên Báo Giáo dục TP.HCM (nay là Tạp chí Giáo dục TP.HCM) là bài “Khổ với con… cưng” giúp tôi có động lực và vững vàng viết suốt nhiều năm qua.

Thời gian đầu năm 2014, tôi chăm chỉ viết nhiều bài báo gửi đến trang bạn đọc các báo, các chuyên san, tạp chí và may mắn là tôi nhận được phản hồi khá tích cực. Nhiều bài viết phản ánh về giao thông, lối sống… được đăng trên các trang bạn đọc. Hàng ngày, việc đầu tiên mỗi sáng khi đi làm là tôi ghé vào một sạp báo mua báo, đứng tại chỗ lật mở những trang báo giấy ra và xem mình có bài viết được đăng không. Khuôn mặt vui mừng, trong lòng hớn hở vì bài viết của mình được đăng làm cho chủ sạp báo hỏi có tin gì vui vậy. Có lẽ, không riêng tôi mà với bất cứ ai mới chập chững bước vào công việc viết lách đều như thế. Thời gian sau này, báo giấy giảm số lượng, thời gian phát hành giãn cách nên mỗi buổi sáng tôi ít cơ hội hơn để cầm tờ báo giấy lật đọc bài viết của mình, xem biên tạp viên đã chỉnh sửa như thế nào. Tuy nhiên, cảm xúc không giảm đáng kể mỗi khi chờ đợi bài online trên trang web được giới thiệu nhanh chóng hơn đến bạn đọc. Trong số những tờ báo từ Bắc vào Nam mà tôi cộng tác, thì phần nhiều được phát hành ở TP.HCM. Trong đó, tôi được sự đón nhận tích cực từ tòa soạn Báo Giáo dục TP.HCM. Bài viết “Khổ với con… cưng” không chỉ làm tôi vui vì là bài viết đầu tiên được đăng báo trong việc viết lách, mà tôi còn nhận được sự khích lệ, động viên từ thư ký tòa soạn qua điện thoại và email. Tôi nghĩ rằng, công việc viết lách của mình liên quan tới báo chí được đón nhận, đặc biệt là ở Báo Giáo dục TP.HCM, có lẽ do tôi truyền tải những trăn trở, suy tư và những phản biện mang tính tích cực. Có thể nói rằng, những bài viết của tôi như là “hơi thở” của ngành giáo dục, nó mang âm hưởng đặc thù của một chủ thể – giáo viên, tức là một tiếng nói từ thực địa. Rộng ra, các bài viết của giáo viên công tác trong ngành giáo dục luôn là những khơi gợi, giới thiệu điều tốt đẹp và cả phản ánh những điều chưa được tích cực, còn hạn chế trong môi trường giáo dục. Tôi cho rằng, đó là điều mà độc giả cũng như tòa soạn báo đón nhận tôi.

Với tôi, nghề giáo hay nghề báo đều là công việc cao quý như nhau, mỗi nghề có những niềm vui, những nỗi buồn nhất định. |
Một ưu điểm của “nhà giáo viết báo” so với phóng viên là thầy cô có thể tiếp cận với thực tế của công tác giáo dục. Chỉ có giáo viên mới có thể tiếp cận, nhận định và đánh giá sâu sắc các phương pháp giảng dạy, những hình thức tổ chức giảng dạy cũng như những vấn đề về chuyên môn mà không một phóng viên nào có thể tiếp cận. Với phóng viên, gần như rất khó tiếp cận vấn đề chuyên môn giảng dạy xảy ra hàng ngày vì họ không đủ thời gian và không đủ trải nghiệm để đưa ra nhận định khái quát. Còn với giáo viên, thường xuyên tập trung với các vấn đề chuyên môn của mình, hoặc những điều nhỏ nhặt dồn nén lâu ngày trong công tác giảng dạy mà họ thấy cần phải cải thiện để nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn cũng như nâng cao chất lượng giáo dục chung. Tất nhiên là trong mọi công việc đều có những mặt tích cực đáng khích lệ và song hành với nó là những hạn chế nhất định. Những “nhà giáo viết báo” cũng có những bất lợi nhất định. Không chỉ riêng tôi, nhiều giáo viên khác sống trong môi trường giáo dục, khi họ viết là họ đưa những ý kiến phản biện của mình lên mặt báo. Theo tôi, đây có thể là sự can đảm, bởi vì ngoài viết những ưu điểm, những điều tích cực họ còn nêu lên các hạn chế của đơn vị, của ngành nơi họ làm việc và đôi khi gây sự phiền toái với chính tổ chức mà họ làm việc. Suốt nhiều năm viết báo, những góp ý của tôi trên trang báo đôi khi lại trở thành một trở ngại, một khó khăn cho chính người biên tập mà tôi thường xuyên gửi bài tới. Cụ thể, có những đề tài, những bài viết mang tính nhạy cảm vì phản biện lại chính sách của ngành. Vậy là, có ý kiến cho rằng giáo viên viết bài phản biện là “cấp dưới đang mổ xẻ những cái hạn chế của cấp trên” và đôi khi được cho là “chống đối” cấp trên. Tôi cho rằng điều này là dễ hiểu, vì có những mâu thuẫn mang tính lợi ích, chính vì vậy mà không phải lúc nào các bài viết của tôi cũng được tiếp nhận và đăng tải.
Theo tôi, những nhà giáo đang tích cực viết báo và có ý kiến về chuyên môn nên xem họ là những người can đảm. Cần khích lệ họ viết những câu chuyện giáo dục ý nghĩa, những câu chuyện về tình yêu thương, lòng nhân ái cùng với đó cũng nên khuyến khích họ phản biện các chính sách giáo dục không chỉ riêng của ngành giáo dục thành phố mà còn ở những địa phương khác. Còn với tôi, những trăn trở của bản thân về các vấn đề giáo dục không chỉ riêng tại thành phố mà còn góp nhặt từ những chia sẻ tôi nhận được từ đồng nghiệp, bạn bè, phụ huynh, học sinh trên cả nước, từ đó thâu tóm lại để trở thành một bài viết. Đôi lúc tôi nghĩ rằng, công việc viết báo giúp mình có thêm một nguồn thu nhập và được làm công việc mình yêu thích. Với tôi, nghề giáo hay nghề báo đều là công việc cao quý như nhau, mỗi nghề có những niềm vui, những nỗi buồn nhất định. Hơn ai hết, những “nhà giáo viết báo” có thêm một công việc để làm, có nơi để chia sẻ những điều tích cực và làm cho bản thân mình tỉnh thức để giúp quá trình giảng dạy học sinh tốt hơn. Quan trọng hơn cả là những ý kiến của mình giúp cho cộng đồng, cho nhà trường được cải thiện, xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Khi đó, “nhà giáo viết báo” thực hiện nhiệm vụ kép, vừa là người thầy nơi trường học trong vai trò giáo viên giảng dạy vừa là “nhà báo” truyền tải những quan điểm về môi trường giáo dục thông qua bài viết trên báo tới người đọc.
Nguyễn Minh Thanh
Bình luận (0)