50 người giàu có ở Mỹ đang lo sợ vì bị cho có dính líu đến đường dây chạy trường rúng động, buộc FBI phải đích thân điều tra. Bộ Tư pháp Mỹ ngày 12/3 đã chính thức công bố thông tin vụ việc.
Trò lừa dối tinh vi
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, đây là vụ phanh phui đường dây chạy trường quy mô lớn nhất từ trước đến nay. “Danh sách đen” 50 người giàu sụ là phụ huynh “ném” tiền “mua” suất học cho con tại các trường danh giá của Mỹ như Yale, Stanford, Georgetown hay Nam California có hai nữ diễn viên Felicity Huffman và Lori Loughlin.
Nữ diễn viên Felicity Huffman và Lori Loughlin |
Có người “hối lộ” vài trăm ngàn USD nhưng có người “đút lót” những người liên quan đến 6,5 triệu USD, khiến tổng số tiền chạy trường trong đường dây này lên đến 25 triệu USD.
Tổng chưởng lý Massachusetts Andrew Lelling cho biết: “Đây chính chiếc vòi vươn rộng ra của trò tham nhũng, lần này nó chạm đến trường học, người giàu dùng tiền của họ đề thực hiện trò gian dối nhằm giành lấy suất học mơ ước cho con mình”.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã lần ra dấu vết và tìm thấy bằng chứng chứng minh trò gian dối được thực hiện một cách tinh vi và bài bản. Trong đó có cả khâu “phù phép” cho các bài thi ACT (American College Testing-kỳ thi chuẩn hóa được sử dụng đánh giá năng lực học tập của học sinh trung học và làm điều kiện tiên quyết xét tuyển vào đại học Mỹ).
Còn có một cách không ngờ tới là huấn luyện viên thể thao của trường “đỡ đầu”, khai gian để đưa đối tượng học sinh vào trường với lý do đây là tài năng thể thao mà trường cần săn đón để học sinh ấy thi đấu mang thành tích về cho trường. Nhưng thực chất, có nhiều em thuộc diện này chẳng hào hứng với bất cứ môn thể thao nào. Phụ huynh của các em trước đó cũng đã chuẩn bị cho con hồ sơ thi đấu thể thao tốt và một khi được vào trường hàng đầu, phụ huynh và huấn luyện viên lại tiếp tục trò lừa dối này.
Đặc vụ FBI Joseph R. Bonavolonta gọi vụ bê bối là sự nhục nhã đánh thẳng vào tính công bằng, minh bạch, danh giá của một kỳ xét tuyển đại học.
Đường dây “tiền bẩn”
Hiện FBI điều tra được tới nhân vật William “Rick” Singer – một doanh nhân ở Nam California. Người này điều hành một doanh nghiệp tham vấn đại học Edge College & Career Network (hoạt động vì lợi nhuận) và một tổ chức từ thiện mang tên Key Worldwide Foundation.
Singer đã dùng cả hai đơn vị trên phục vụ cho việc “hợp thức hóa” việc nhận hối lộ từ các phụ huynh giàu có để đưa con họ vào trường danh tiếng, bằng bất cứ hình thức nào khả thi nhất cho từng đối tượng.
Bộ Tư pháp điều tra được đầu tiên, các phụ huynh sẽ chi từ 10.000-75.000 USD cho một bài kiểm tra. Sau khi nhận tiền, Singer phải chung chi cho nhiều người, trong đó không thể không nhắc đến người đàn ông có tên Mark Riddell. Người này sẽ trực tiếp can thiệp sửa kết quả bài thi cho những thí sinh có trong danh sách “được đặt hàng”.
Tiền từ các phụ huynh còn dùng cho việc “bịt miệng, bịt mắt” giám thị, để cho trò gian lận diễn ra công khai trong phòng thi.
Mỗi khi sốt ruột, các phụ huynh thường hỏi thăm tình hình. Thái độ quen thuộc của Singer là cười xòa: “Lần nào cũng trót lọt cả thôi” và luôn tự tin rằng không thể nào có chuyện học sinh có trong danh sách bị đánh rớt.
Bước thứ hai là có lẽ cũng là phần gay cấn trong đường dây. Theo các tài liệu điều tra mà Bộ Tư pháp có được chính là số tiền 25 triệu USD mà hội cha mẹ nhà giàu gửi gắm cho Singer chạy cho con mình vào trường hàng đầu.
Đối với những trường hợp chạy vào thông qua suất tài năng thể thao thì Singer lợi dung quy chế nới lỏng điểm số học vấn của ứng viên (điều này là hợp lệ để thu hút nhân tài thể thao) để chen học sinh trong đường dây của mình vào.
Để vào được Đại học Texas, một phụ huynh đã chi đến hơn 455.000 USD cho tổ chức của Singer. Con của phụ huynh này đã vào được Đại học Texas thông qua suất thi đấu thể thao mà Singer đã “bắt tay” hợp tác thành công với huấn luyện viên môn quần vợt Michael Center của trường trên.
Em học sinh ấy sau khi vào được Đại học Texas thì chẳng bao lâu rời bỏ đội quần vợt. Center chẳng mất gì mà dễ dàng bỏ túi 90.000 cho “phi vụ” này. Đây không phải là lần duy nhất Center làm việc này.
Center không phải là người duy nhất. Huấn luyện viên bóng đá nữ Rudy Meredith của Đại học Yale cũng đã nhận 400.000 USD từ Singer để lo cho một học sinh vào đội tuyển bóng đá để từ đó em chính thức được nhận vào Đại học Yale. Rudy Meredith đã từ chức vào tháng 11 năm ngoái sau 24 năm làm huấn luyện viên trưởng với lý do muốn tìm cơ hội mới.
Singer cũng đã trả cho các huấn luyện viên ở Đại học Georgetown 2,7 triệu USD, Đại học Wake Forest 100.000 USD cũng chỉ để thực hiện “tiểu xảo” trên.
Không chỉ nhờ cậy các huấn luyện viên, Singer còn móc nối được với đường dây cấp chứng nhận một học sinh là đội trưởng đội bóng thiếu niên xuất sắc ở Nam California và từ đó “hô biến” hồ sơ cho em.
Cô con gái Olivia của nữ diễn viên Lori Loughlin được lo vào Đại học Nam California sau nhiều lần vợ chồng Lori “qua lại” với Singer. Trên trang YouTube cá nhân, Olivia vô tình để lộ manh mối khi chia sẻ: “Tôi có kinh nghiệm chơi bời, tiêc tùng chứ tôi chẳng tha thiết chuyện học hành đâu”.
Danh sách khách hàng của Singer đều là những người thừa tiền. Trong đó có cả chủ sòng bài tại Las Vegas Gamal Abdelaziz. Năm 2017, Singer đã “giúp” con gái của Gamal vào được Đại học Nam California nhờ cách cho cô bé vào danh sách tài năng bóng rổ.
Di Lâm (Theo Vox, ABC)
Bình luận (0)