Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhà Huế học Hoàng Phủ Ngọc Tường

Tạp Chí Giáo Dục

1. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường còn là một nhà Huế học, được giới trí thức trong và ngoài nước mến mộ. Ông chưa công bố một công trình nào về Huế, thay vào đó Hoàng Phủ Ngọc Tường có loạt bút ký viết về cố đô. Năm 1995, Nhà xuất bản Thuận Hóa có sáng kiến in gộp 8 bài bút ký của nhà văn thành một tập sách lấy tên “Huế – Di tích và con người”. Đấy là các bài: Tính cách Huế, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Những người trồng hoa, Hoa trái quanh tôi, Lan huyền không, Thành phố và chim, Sử thi buồn, Huế – Di tích và con người. Đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường, qua những trang bút ký, mới thấy vốn am hiểu của ông về địa lý, lịch sử, khảo cổ, văn hóa, văn học – nghệ thuật, về tâm thức tâm linh con người xưa và nay… thật cặn kẽ, sâu rộng, và đáng tin cậy. Những trang văn viết công phu mà tài hoa, tinh tế lịch lãm mà đầy đặn, chắc nịch – rất đáng được những ai viết loại hình văn xuôi tư liệu tham khảo, học hỏi, làm giàu thêm kiến thức, tâm hồn mình, kể cả câu chữ nữa.


C nhà văn Hoàng Ph Ngc Tưng

Tôi lấy làm thú vị khi nhận ra mối quan hệ ruột rà giữa người Huế và người Nghệ – Tĩnh. Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “Những thế hệ di dân đầu tiên (đầu thế kỷ 14) vào chiếm lĩnh Châu Hóa đều xuất phát từ Nghệ – Tĩnh. Đợt di dân thứ hai (cuối thế kỷ 16) với Nguyễn Hoàng thì đại bộ phận là gốc Thanh Hóa. Thanh – Nghệ – Tĩnh là đất Việt cố cữu từ thời dựng nước, ở đó nhân dân vẫn bảo trì rất bền bỉ những giá trị văn hóa Việt cổ, tức là văn hóa Mường. Các di dân mang theo vốn liếng Việt cổ làm chỗ dựa tinh thần trên đất mới, lưu giữ trong cộng đồng người Huế cho tới bây giờ. Vì thế, dù đã là thị dân từ lâu đời, người Huế vẫn giữ nhiều tập quán cổ xưa có gốc từ văn hóa Mường, thí dụ tập quán ăn rau dại (người Kinh ở miền Bắc chỉ ăn rau trồng). Cũng từ cội rễ Thanh – Nghệ – Tĩnh, văn hóa làng vốn là yếu tố căn bản thiết lập nên tính cách Huế: Dù cách xa Huế bao đời, người Huế vẫn gắn bó mật thiết với ngôi làng nơi tổ tiên họ đã sinh ra, sống bằng chất dinh dưỡng của văn hóa làng, thí dụ giai điệu nuôi dưỡng một đời người, từ bài hát ru lúc chào đời đến điệu hò vĩnh biệt lúc nhắm mắt, tất cả đều là tiếng hát của những ngôi làng. Có thể nói từ bản chất, người Huế là một nhà thơ đồng nội hơn là một cư dân đô thị…”.

2. Đọc, rồi ngẫm nghĩ, những người xứ Nghệ như tôi không khỏi tự có một liên tưởng thấm thía nào đó về căn cốt của mình. Trong bài bút ký in cuối sách “Huế – Di tích và con người”, bên cạnh việc nêu, mô tả, phân tích một cách thấu đáo bộ mặt di tích lịch sử – văn hóa của cố đô Huế, thành phố năm 1995 được Hội đồng Di sản thế giới thuộc UNESCO chính thức công nhận là Di tích văn hóa thế giới, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường gợi lên ở người đọc bằng những suy tư sâu sắc, sự từng trải của chính mình, xung quanh vấn đề di tích và con người, một vấn đề đang có tính thời sự không chỉ riêng đối với Việt Nam. Ông viết: “Các di tích là trí nhớ của cộng đồng, mặt khác cũng là kỷ niệm riêng nơi mỗi con người. Dĩ nhiên thôi, những kỷ niệm của tuổi thơ tò mò, những vầng trăng tình ái, nỗi cô đơn tự phát hiện qua dâu bể đời người, tất cả những nỗi riêng ấy hầu như gắn liền với dấu rêu lặng lẽ trên những di tích mà con người đã có lần tìm đến”. Ở một đoạn văn khác, nhà văn chiêm nghiệm: “Những thành phố văn hóa đều cúi nhìn quá khứ của mình trên những di tích. Chính là nhờ biết nhìn những di tích bằng đôi mắt chăm chú, con người có thể sống lại chuỗi thời gian xa xăm đầy những biến cố kỳ lạ đã dệt thành tấm vải vĩnh hằng của hiện hữu gọi là lịch sử; con người hưởng thụ được những hoa văn rực rỡ của trí tuệ gọi là cái đẹp; tiếp thụ những kinh nghiệm sống quý báu mà những thế hệ xa xưa đã tạo nên, gọi là văn hóa”. Còn đây nữa, ý kiến của nhà văn nêu ra đã bao hàm một lý giải minh triết: “Một cách đơn giản, có thể nói rằng sự tiếp xúc thường xuyên từ bé đến lớn với những di tích (và toàn bộ sự vật mang ý nghĩa tương tự) đưa tới sự hình thành tiềm thức văn hóa nơi mọi con người, từ đó con người tuồng như ít thay đổi trong cách ở đời của nó, con người mãi mãi đồng nhất với chính mình dù đã trải qua giao tiếp với nhiều môi trường khác nhau…”.

Sinh thời, đọc ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn Nguyễn Tuân – một bậc thầy về thể ký nước ta, đã hạ bút viết một câu không dễ có: “Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa”. Vâng, tôi cũng như rất nhiều bạn đọc đã nhận ra có rất nhiều ánh lửa thật tiềm ẩn nơi những trang văn giàu chất khảo cứu văn hóa này!

Nguyn Văn Hùng (Nghệ An)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)