Mặt trăng từng được cho là không thể ở được và không có sự sống, tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi trong tương lai.
Mặt trăng là môi trường chân không với lực hấp dẫn quá nhỏ, cản trở việc tạo ra bầu khí quyển, do đó, các loại chất thải vũ trụ có thể trực tiếp và nhanh chóng tiến vào bề mặt Mặt trăng.
Mặt trăng bị chiếu xạ dữ dội, nhiệt độ ban ngày của Mặt trăng có thể lên tới 127 độ, nhưng nhiệt độ ban đêm giảm xuống -183 độ và không có nước lỏng!
Mặc dù luôn có người cho rằng tại sao sự sống ngoài Trái đất phải được xác định bởi sự sống trên Trái đất, nhưng nếu chúng ta không tìm kiếm sự sống theo sự sống trên Trái đất thì mọi suy đoán sẽ hoàn toàn vô căn cứ và sẽ chỉ là những tưởng tượng hoang đường.
Vùng cực nam của Mặt trăng có nhiều miệng núi lửa và địa hình cực kỳ gồ ghề, rất khác với những vùng dung nham nguội, tương đối bằng phẳng mà các phi hành gia Apollo đã khám phá vào những năm 1970. Nhưng các miệng hố sâu xung quanh cực có lẽ nắm giữ "chìa khóa" cho việc xây dựng những căn cứ Mặt trăng tự cung tự cấp, đó chính là nước đóng băng ở tầng bị che khuất của các miện hố sâu nhất.
Theo báo cáo do NASA công bố, NASA Artemis 3 sẽ được phóng lên Mặt trăng vào năm 2025, điều này có thể giúp nhà khoa học hành tinh NASA Prabal Saxena xác minh phỏng đoán điên rồ của mình. Ông tin rằng các vi sinh vật được mang đến từ Trái đất trong các chuyến bay vào vũ trụ trước đây có khả năng tồn tại trong các miệng hố cực lạnh, bị che khuất vĩnh viễn ở cực nam của Mặt trăng.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, giới khoa học cho rằng Mặt trăng không có sự sống và không có một số đặc điểm có thể sinh sống được như các hành tinh khác, nhưng Saxena tin rằng phía xa của Mặt trăng là khu vực có khả năng sinh sống được và hoàn toàn có thể cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho đời sống vi sinh vật. Về việc những vi sinh vật này đến từ đâu, Saxena tin rằng những vi sinh vật này không phải là loài bản địa mà thay vào đó, chúng được mang tới và đã sống sót sau nhiều lần con người khám phá Mặt trăng.
Sự sống vi sinh vật có thể có trên Mặt trăng này có thể đã được vận chuyển lên Mặt trăng bởi nhiều tàu đổ bộ Mặt trăng khác nhau, vì vậy Artemis 3, sẽ tập trung vào việc khám phá phía xa của Mặt trăng.
Artemis 3 là sứ mệnh mấu chốt trong Chương trình Artemis thế kỷ 21 của NASA với khát vọng đưa người tái đổ bộ Mặt trăng. Khác với những lần đổ bộ Mặt trăng những năm 1960, 1970 của thế kỷ 20, lần đổ bộ này, NASA mong muốn con người sẽ khám phá vệ tinh tự nhiên của Trái đất kỹ hơn, quy mô lớn hơn, nhằm biến Mặt trăng thành nơi nghiên cứu của các nhà khoa học và là "trạm trung chuyển" để thẳng tiến sao Hỏa.
Là khu vực trên Mặt trăng mà con người chưa từng đặt chân tới, chúng ta biết rằng có băng ở phía sau Mặt trăng, một số nhà nghiên cứu tin rằng lớp băng này có thể được sử dụng để làm nước và những thứ khác có thể giúp thúc đẩy việc xây dựng của các căn cứ Mặt trăng. Hoàn toàn có khả năng những lớp băng này đóng vai trò là nơi trú ẩn an toàn cho vi sinh vật vì bức xạ có hại của Mặt trời không bao giờ đến được những khu vực này.
Saxena rất tự tin vào suy đoán của mình, tuy nhiên ông cũng khá thận trọng và tin rằng cho dù phát hiện phía sau Mặt trăng không có vi sinh vật, cũng không có nghĩa là về sau sẽ không có! Chỉ cần con người tiếp tục khám phá Mặt trăng, vi sinh vật có thể tìm được chỗ đứng vững chắc, sau khi sống sót và thích nghi với môi trường Mặt trăng, chúng có thể bắt đầu phát triển và sinh sản.
Các chuyên gia tin rằng nếu các vi sinh vật tồn tại trên Mặt trăng, chúng có thể đã đến được đó thông qua thiên thạch ngoài không gian. Tuy nhiên, cũng có khả năng các vi sinh vật có nguồn gốc từ Trái đất, chúng có sức sống bền bỉ, chịu được các điều kiện khắc nghiệt, và đã đi theo tàu đổ bộ Mặt trăng Apollo 11 năm 1969.
Trên thực tế, tuyên bố của nhà khoa học hành tinh NASA Prabal Saxena thực ra chỉ là một phỏng đoán chưa hoàn chỉnh, thậm chí còn không có một chút bằng chứng nào. So với những nhà khoa học được coi là lạc quan như ông, nhiều nhà khoa học vẫn chú ý đến bằng chứng hơn, chẳng hạn như Heather Graham, nhà địa hóa học hữu cơ thuộc Trung tâm du hành vũ trụ Goddard (NASA).
Graham nói với Space: "Chúng tôi coi người Trái đất là sứ giả (của vi sinh vật) có khả năng nhất đưa sự sống lên Mặt trăng. Tất nhiên, điều này có căn cứ, dựa trên dữ liệu phong phú mà chúng tôi có về lịch sử khám phá và hồ sơ tác động của con người trên Mặt trăng hồi thế kỷ 20".
Ngay cả khi các vi sinh vật hiện không tồn tại trên Mặt trăng, chúng – những vi sinh vật có khả năng kháng bức xạ như gấu nước Tardigrades (tên khoa học: Macrobiotus sapiens) hay vi khuẩn Deinococcus radiodurans – có thể sẽ thông qua hoạt động khám phá Mặt trăng trong Chương trình Artemis mà sinh sôi.
Heather Graham tin rằng, những vi sinh vật đó không chỉ có thể sống sót sau chuyến đi mà còn có khả năng phát triển mạnh ở Mặt trăng.
Đây quả thực là một ý tưởng rất thời sự và thú vị, nhưng xét cho cùng, nếu không có dữ liệu đáng tin cậy thì nó chỉ có thể được coi là những phỏng đoán.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)