Trong một lần viết bài cho một tạp chí của Trung ương, tôi tình cờ gặp anh Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đoàn trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM lúc đó đang bận rộn để hoàn tất luận văn thạc sĩ vật lý điện tử. Với khuôn mặt chân chất, giọng nói thanh thoát, anh sôi nổi kể về các phong trào và kết quả hoạt động Đoàn của trường…
PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu (ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) làm việc và trao đổi hợp tác tại Đại học Quốc gia Trung tâm (NCU) Đài Loan năm 2016 |
Lửa nhiệt tình trong anh Hiếu, bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ làm cho người đối thoại hào hứng hẳn lên. Chàng thanh niên 28 tuổi lúc ấy, vừa làm trợ giảng ở bộ môn điện tử (Khoa Vật lý), vừa giữ trọng trách “thủ lĩnh” Đoàn trường trong hai nhiệm kỳ. Hàng ngày, Hiếu cùng BCH Đoàn trường thiết kế và triển khai các hoạt động phong trào, nắm bắt tình hình, lo toan cho cuộc sống sinh hoạt, học hành của sinh viên, và các hoạt động chính trị – tư tưởng…
Lửa nhiệt huyết đưa anh đến hoạt động Đoàn
Anh Hiếu tâm sự, truyền thống gia đình, ngọn lửa thanh niên đưa anh đến với hoạt động Đoàn lúc còn là sinh viên Khoa Vật lý (1990-1994). Là “thủ lĩnh” thanh niên tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM từ 1996-2000, cuộc sống gia đình anh lúc ấy rất vất vả, khó khăn nhưng anh vẫn cố gắng vượt qua để đóng góp công sức, tạo ra sức mạnh cho Đoàn trường.
Lãnh đạo Đảng ủy – Ban Giám hiệu lúc ấy là cố GS.TS Nguyễn Văn Đến, ông cùng các thầy cô khác đã hết lòng lo cho thế hệ trẻ, giúp sức cho anh trên bước đường hoạt động Đoàn và giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Nét nổi bật về thành quả của Đoàn trường thời điểm mà anh Hiếu tâm đắc nhất là Chương trình nghiên cứu khoa học sinh viên với Giải thưởng “Quả táo vàng Newton” – giải thưởng này do Đoàn trường đề xuất để tạo chất men kích thích sinh viên nghiên cứu khoa học ứng dụng. Sự ra đời của Quả táo vàng Newton đã thu hút hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đăng ký hàng năm trên 7 lĩnh vực khoa học tự nhiên và ứng dụng của trường. Ban Giám hiệu nhà trường đã đồng ý hỗ trợ kinh phí tổ chức và trao thưởng. Tuy giá trị giải thưởng không cao nhưng Quả táo vàng Newton đã được xem là “đòn bẩy” cho sự say mê nghiên cứu khoa học của sinh viên. Đến nay chương trình nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM vẫn luôn đi đầu với hàng trăm đề tài tham gia gửi đến Thành đoàn hằng năm.
Trở thành nhà nghiên cứu khoa học
Anh Hiếu bây giờ đã là PGS.TS – Phó Bí thư Đảng ủy trường, Trưởng bộ môn vật lý điện tử, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế – Quản lý dự án của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Anh nhận bằng tiến sĩ vật lý tại ĐH Osaka (Nhật Bản) năm 2007 và được phong phó giáo sư năm 2011; anh đã có hơn 30 công bố khoa học, gần 15 báo cáo mới, xuất bản 3 sách giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành vật lý điện tử.
Con đường nghiên cứu khoa học của anh Hiếu được tiếp sức bằng chương trình học bổng ngân sách Nhà nước – đó là chương trình 322 của Bộ GD-ĐT và hỗ trợ từ chương trình COE của ĐH Osaka. Anh được lãnh đạo trường đồng ý cho đi du học, làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Nhật Bản từ 2003 đến 2007… Chương trình nghiên cứu sinh 4 năm nhưng anh đã hoàn tất trong thời gian 3 năm rưỡi. “Luận án tiến sĩ của tôi có độ khó nhất định. Ý thức về điều này, tôi đã lo chuẩn bị nghiên cứu trước những khối lượng kiến thức và những phần việc mà thầy giáo người Nhật chưa giao cho mình. Tôi đã nghiên cứu gấp đôi phần việc thầy giáo giao. Giáo sư hướng dẫn tôi tại ĐH Osaka giao những phần công việc khác khi vừa nộp quyển luận án viết xong thì tôi lặng lẽ mở tủ giao những “sản phẩm công nghệ” mình đã nghiên cứu và thực nghiệm làm trước đó từ lâu. Thầy hài lòng cho hoàn tất luận án tiến sĩ trước 6 tháng. Đó là những kỷ niệm vui buồn của cuộc sống nghiên cứu khoa học – chặng đường nghiên cứu ở Nhật Bản với tôi không bao giờ quên”, anh Hiếu chia sẻ.
Tư duy nhà khoa học bao giờ cũng đi trước một bước, phải luôn đón đầu cuộc sống, phải năng động sáng tạo. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành ĐH nghiên cứu hàng đầu trong cả nước hay khu vực Đông Nam Á. Bộ môn vật lý điện tử mà anh Hiếu đang phụ trách cũng phải hòa vào dòng chảy ào ạt của nhà trường.
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM đã hợp tác chặt chẽ với các phòng thí nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu triển khai (SHTP) qua việc cùng sử dụng chung các phòng thí nghiệm: công nghệ bán dẫn, công nghệ nano và cơ khí chính xác. Nhà trường đã cử hơn 200 lượt sinh viên các ngành liên quan đến tham quan và thực hành, làm luận văn tốt nghiệp, đo đạc; trong đó có hơn 40 sinh viên ngành vật lý điện tử. Hiện tại, anh Hiếu đang làm chủ nhiệm dự án phát triển công nghệ cao (Bộ KH-CN): “Hoàn thiện công nghệ chế tạo LED phát xạ bước sóng cực tím cho ứng dụng khử trùng và đo nồng độ ozone trong không khí”. Nhóm nghiên cứu linh kiện bán dẫn của anh đã thiết kế, mô phỏng và phối hợp với ĐH Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc) chế tạo thành công chip UVLED. Hiện nay, nhóm đang cùng Công ty TNHH Thái Dương triển khai ứng dụng cho khử trùng nước và đo nồng độ ozone trong không khí. Dự án hứa hẹn nhiều triển vọng cho ứng dụng công nghệ cao vào đời sống.
Khoa học công nghệ luôn làm thay đổi cuộc sống. Từ khám phá của các nhà bác học như: Acsimet, Newton, Edison, Darwin, Albert Einstein, Mendeleev, Pitago, Louis Pasteur, Marie Curie…, nhân loại đã chuyển mình văn minh tiến bộ. Ở Việt Nam cũng tự hào mấy trăm năm trước có nhà bác học Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh… và thế kỷ 21 này có GS. Ngô Bảo Châu… “Làm sao cởi trói về tài chính cho các nhà khoa học. Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng đặt vấn đề rằng làm sao để các nhà khoa học đừng vất vả với thủ tục tài chính. Như vậy thì đất nước mới có một chuyển động tích cực về khoa học công nghệ”, anh Hiếu trải lòng.
Chúng tôi gặp lại anh Hiếu trong buổi lễ khởi công xây dựng không gian truyền thống – Tượng đài phong trào học sinh – sinh viên tại khuôn viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM ngày 8-1-2017. Phong cách nhanh nhẹn, cởi mở như những năm tháng anh còn làm Bí thư Đoàn trường thuở nào. Dẫu bây giờ, anh lo công tác chuyên môn giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhưng ngọn lửa của tuổi trẻ ngày ấy vẫn âm ỉ cháy mãi. Thật tự hào thời thanh niên nhiệt huyết, cống hiến hết mình cho mọi người, cho đất nước như biết bao các nhà khoa học và thầy cô khác. Anh vẫn xông xáo và truyền kinh nghiệm, bồi dưỡng thế hệ trẻ cho các hoạt động Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên trường vì những lợi ích của đất nước. Nói ít, làm nhiều – anh Nguyễn Văn Hiếu là như vậy. Từ cán bộ Đoàn, nay anh đã trở thành giảng viên – nhà khoa học.
Thành Ngọc
Bình luận (0)