Những vận động viên Olympic phải rèn luyện không ngừng nghỉ để có thể vượt qua các giới hạn, chạm tới những điều phi thường. Các nhà khởi nghiệp đang tìm kiếm thành công có thể học hỏi nhiều điều từ những nhà vô địch Olympic.
Những nhà vô địch Olympic phá bỏ những giới hạn với sức mạnh và sự quyết tâm không tưởng. Những điều đó phi thường đến mức, người xem ít nhiều đã tự hỏi liệu các vận động viên này có được sinh ra với cấu tạo khác người bình thường hay không.
Sự bền bỉ
Michael Phelps đã rèn luyện không ngừng nghỉ để có thể đạt được những điều phi thường – Ảnh: Reuters
Khi làm điều gì đó khó khăn, như chính thức cho ra mắt một sản phẩm mới, hay bắt đầu một khoản đầu tư mạo hiểm nào đó, hãy luôn nghĩ trong đầu rằng: “Thời gian tạo ra thành quả”.
Kình ngư vừa xô đổ mọi kỷ lục của thế giới, Michael Phelps, tập luyện trung bình sáu tiếng mỗi ngày. Anh tập luyện đều đặn hằng ngày, kể cả trong các ngày nghỉ lễ. Những vận động viên như Michael Phelps thi đấu hết cuộc đua này đến cuộc đua khác. Những tấm huy chương mà anh đã đạt được không phải là phép màu từ trên trời rơi xuống. Mỗi cú nhảy, mỗi cái sải tay, mỗi đường bơi mà anh thực hiện trước hàng triệu người xem đều đã được anh luyện tập hàng triệu lần trước đó. Đó là khoảng thời gian và những sự đau đớn mà anh không thu về được bất kỳ một sự ghi nhận hay một vinh quang nào. Chỉ có anh và những người sát cánh tập luyện cùng kình ngư này mới biết được.
Tương tự, một nhà khởi nghiệp cần một sự bền bỉ to lớn. Bạn sẽ gặp phải vô số ngõ cụt, bạn sẽ bị nhiều người mỉa mai rằng ý tưởng của bạn là điên rồ. Hãy nhớ rằng mọi nhà khởi nghiệp thành công đều đã phải nghe những điều tương tự. Họ thành công vì họ tiếp tục đi trên con đường đã chọn, bỏ thời gian để theo đuổi mục tiêu đã đề ra thay vì bỏ cuộc.
Tập trung
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh phải có sự tập trung không tưởng mới có thể thực hiện phát đạn quyết định, mang về huy chương vàng lịch sử cho thể thao Việt Nam – Ảnh: AFP
Trong thời đại công nghệ hiện nay, việc phát triển khả năng tập trung, bỏ hết những công việc gây xao nhãng, có lẽ là thách thức khó khăn nhất.
Hãy thử tưởng tượng: Bạn đang viết một email cho khách hàng hoặc nhà đầu tư tiềm năng, thế rồi điện thoại bạn rung lên, bạn có tin nhắn. Khi đang bấm trả lời thì Facebook thông báo người yêu bạn vừa đăng tải một điều gì đó. Ngay sau đó, tài khoản Twitter hay Tumblr của bạn thông báo ai đó vừa chia sẻ một bài viết của bạn. Vòng xoáy công nghệ thông tin khiến việc tập trung trở nên gần như bất khả thi.
Khi những nhà vô địch Olympic thi đấu, họ không quan tâm đến bất kỳ điều gì ngoài mục tiêu giành chiến thắng. Khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ngắm bắn phát súng cuối cùng tại phần thi 10m súng bắn hơi nam, anh dành gần 10 giây ngắm bắn, tập trung cao độ, không để ý đến đối thủ hay đám đông cổ động viên. Chính sự tập trung đó mang về cho anh huy chương vàng lịch sử.
Là một nhà khởi nghiệp, sự mất tập trung cũng dễ dàng xảy ra vì bạn phải làm quá nhiều việc. Một số người phải vừa gầy dựng startup, vừa làm một công việc khác để kiếm tiền “nuôi lớn” startup của mình. Những nhà khởi nghiệp thành công nhất đều là những người vô cùng kỷ luật trong quản lý thời gian và điều phối nguồn lực. Đó là vì họ đã rèn luyện được khả năng tập trung cao độ, không đoái hoài đến những điều gây xao nhãng trong khung giờ làm việc hiệu quả nhất của họ.
Học từ sai lầm của mình
Ai cũng có thể phạm sai lầm. Chính khả năng học từ sai lầm mới tạo nên sự khác biệt giữa người chiến thắng và kẻ thất bại.
Olympic London 2012, kình ngư người Nam Phi Chad le Clos đánh bại Michael Phelps ở phần thi 200m bơi bướm, với cách biệt chỉ 0,05 giây. Người ta bắt đầu đồn đoán Phelps đã “hết thời” và đường đua xanh đã có một vị vua mới. Thế nhưng Phelps không bỏ cuộc, anh đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng những sai lầm của mình từ các thước phim tài liệu. Đến Olympic Rio 2016, anh hạ gục Chad le Clos và kết thúc sự nghiệp với kỷ lục 23 huy chương vàng Olympic.
Điều quý báu đối với các nhà khởi nghiệp không phải là thành công chóng vánh, mà chính là “thất bại sớm và thường xuyên”. Khi đó, bạn có thể học được nhanh chóng từ những sai lầm của mình. Hãy cùng những người cộng sự rà soát lại các sai lầm hàng tuần để xem bạn đã học được những gì, lên kế hoạch cải thiện cách hoạt động. Mỗi trải nghiệm là một cơ hội học hỏi. Những bài học đắt giá nhất đến từ những thất bại lớn nhất.
Thiên Kim (TNO)
Bình luận (0)