Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Nhà không gạo ăn, đỗ hai trường đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà nghèo, ba mẹ con hằng ngày chỉ trông vào vài chục nghìn tiền khâu nón, nhưng không vì thế mà Đặng Thị Thanh Huyền (SN 1995, thôn Tân Tiến, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) chịu khuất phục trước đói khổ.

Ngày đầu tiên đến trường của cô học trò nghèo. Ảnh: Thanh Hà.
Nhà tình thương, đồ đạc… tình nghĩa
Tôi tìm đường về thăm nữ sinh Đặng Thị Thanh Huyền vừa đỗ vào Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại học Nông nghiệp, dù hoàn cảnh gia đình vô cùng khốn khó.
Đi vào cuối con ngõ nhỏ, hỏi nhà bà Lê Thị Hải Yến (49 tuổi, mẹ Huyền), người dân chỉ vào căn nhà mới xây chưa quét vôi, mái lợp tôn đỏ, nằm lọt thỏm trong dãy nhà cao tầng kín tường cao cổng. Không có ai ở nhà. Đợi một lúc, bà Yến đi bộ về, rồi bảo khách lạ, hôm nay là ngày nhập trường của con gái.
Bà Yến bảo vì làm lẽ người ta, nên giờ chỉ có ba mẹ con chui ra chui vào trong căn nhà… toàn đồ cho, tặng. Hai đứa con bà, vì thế, cũng khổ hơn đám bạn, cả về vật chất lẫn tình thần.
Tiếp khách đến chơi trong căn nhà mới, bà Yến bảo, gian nhà dột nát của ba mẹ con ngày trước chỉ rộng bằng căn bếp bây giờ. Thấy hoàn cảnh ba mẹ con khó khăn, chính quyền địa phương hỗ trợ 15 triệu đồng, xây căn nhà nhỏ lợp mái tôn được hai năm nay.
Trong căn nhà chát xi măng lởm chởm ấy có chiếc tivi đặt trong chiếc tủ cũ và mấy tấm gỗ ghép lại làm chỗ ngồi tiếp khách. Phía trong là chỗ học của hai chị em Huyền. Bà Yến kể, chiếc bàn học cũ nát được chú Huyền làm cho từ hồi lớp 1. Giá sách chú làm cho năm học cấp 3. Nằm trong “danh sách đồ cho” còn có chiếc giường cũ của họ hàng mang đến tặng.
Nhà không có mái che hiên. Mỗi khi mưa, nước hắt hết vào trong, ướt sũng. Ba mẹ con phải lấy tấm bạt rách che tạm. Người mẹ, với khuôn mặt “nhàu như quả táo tàu” vì lam lũ, hằn bao nỗi khổ cực đan xen trên những vết nhăn, kể, năm ngoái, vẫn dùng nước mưa sinh hoạt hằng ngày. Thấy hoàn cảnh khó khăn, chính quyền địa phương lại hỗ trợ 500 nghìn đồng xây bể nước…
Thuộc diện hộ nghèo, lại không có ruộng, thấy người ta bỏ hoang, người mẹ lam lũ lại xin cấy để lấy gạo ăn. Nhiều vụ thất thu, không đủ gạo, ba mẹ con phải ăn mỳ tôm qua bữa. Để tránh cảnh đó tái diễn, những lúc rảnh, bà Yến khâu nón lá, kiếm thêm. Rồi, hễ ai gọi là bà đi nấu cơm, dọn dẹp, giặt giũ thuê, miễn có tiền nuôi hai con ăn học.
Thương con là thế, quyết tâm là vậy, nhưng căn bệnh rối loạn tiền đình thường xuyên khiến bà đau nhức, hàng tháng phải đi viện khám, như càng thử thách sự cố gắng của người mẹ nghèo. Và, từ quyết tâm của mẹ, cuối cùng đã kéo theo quyết tâm của con gái. Đó là…
Quyết tâm đại học
Biết tin con đỗ đại học, nước mắt người mẹ vùng quê lại lần nữa tuôn rơi. Bà khóc vì mừng cho mình, cho con gái nghị lực, đã không để cái nghèo đánh gục. Nước mắt của người mẹ nghèo còn rơi vì lo lắng nữa. Biết lấy đâu tiền cho con đến trường, khi sức bà đang ngày càng lao nhanh ở bên kìa sườn dốc?…
Rồi, sau bao đêm trắng vắt tay lên trán đắn đo, bà cũng đành nuốt nước mắt vào trong mà bảo với con, nhà mình nghèo, nên đi học nghề rồi tìm việc làm, mẹ không có tiền cho con đi học.
Thế nhưng, một lần nữa, nghị lực của cô gái mới lớn lại chiến thắng khó khăn vật chất đời thường. Huyền đã đi nhập trường với mấy bộ quần áo và chiếc xe đạp… sắp hỏng. Cô ở cùng người bạn gần nhà trong nhà trọ bình dân để giảm bớt chi phí.
Huyền bảo, đi học, sẽ mượn sách thư viện, chứ không có tiền mua sách. “Sắp tới, em sẽ xin làm gia sư để nộp tiền thuê nhà và sinh hoạt hằng ngày. Em phải học đại học để bao công sức của mẹ không theo những giọt mồ hôi đổ xuống đời một cách vô nghĩa…”, Huyền quyết tâm, nói.
Từ nhỏ, Huyền đã biết sửa nón lá, phụ mẹ kiếm thêm. Đến năm cấp 2, Huyền đã khâu thành thạo chiếc nón. Cấp 3, Huyền là học sinh khá của trường THPT Nguyễn Du (Thanh Oai).
Ở nhà, thời gian giành cho học bài từ 9h đêm đến 1h sáng hôm sau, vì chủ yếu phải giúp mẹ khâu nón. Có lẽ, cũng vì nhà khó, không đủ ăn, nên hai chị em Huyền đều gầy còm. Em trai Huyền năm nay học lớp 9, nặng 25 kg. Ngày chị nhận được giấy báo nhập học, em trai sốt virut, phải nằm viện.
“Hình ảnh mẹ thường xuyên phải đi khám bệnh và em trai nằm viện càng thôi thúc em hơn. Em phải làm điều gì đó để giúp mẹ và em bớt khổ. Và, em hiểu rằng, phải học thật giỏi mới giúp em làm được điều đó”, Huyền tâm sự.
Thanh Hà (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)