Tòa soạnThư đi – tin lại

Nhà Kiều học Lê Xuân Lít đã về với tác giả Truyện Kiều

Tạp Chí Giáo Dục

Cuốn 200 năm nghiên cứu và bàn luận Truyện Kiều – một tác phẩm kì công của ông Lê Xuân Lít
Sáng 6-3-2015, nhà Kiều học Lê Xuân Lít đã trút hơi thở cuối cùng tại tư gia (Q.Gò Vấp, TP.HCM) sau một thời gian bệnh nặng, hưởng thọ 80 tuổi. Ông mất đi để lại nhiều thương tiếc cho người thân, bạn bè và đặc biệt là những người yêu mến Truyện Kiều.
Ông Lê Xuân Lít sinh năm 1936 tại xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.  Ông là cháu nội của cụ Lê Khiết, một vị quan của triều Nguyễn – về sau treo ấn từ quan, theo phong trào Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh, rồi trở thành một trong những nhà lãnh đạo của phong trào này. Đến năm 1908, cụ Lê Khiết bị Pháp bắt và bị xử chém. Còn cha ông là nhà Nho yêu nước Lê Tiềm, vốn là Tri huyện, sau cũng treo ấn từ quan về nhà dạy học.
Ông Lê Xuân Lít được giới nghiên cứu về Kiều mệnh danh là người rất am hiểu về Truyện Kiều, tuy bản thân ông chưa một lần thừa nhận danh hiệu này. Trước khi nghiên cứu về Kiều, ông vốn là một thầy giáo dạy văn ở quê nhà (năm 1954, ông tập kết ra Bắc và được cử đi học Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Do thừa hưởng niềm say mê Truyện Kiều từ người cha nên ngay từ khi còn học phổ thông, ông đã rất hào hứng trong những giờ giảng văn về Kiều. Có thể nói Truyện Kiều đối với ông như một định mệnh và niềm say mê ấy cứ theo ông đi suốt cuộc đời. Bởi càng hiểu Truyện Kiều bao nhiêu ông lại càng thấy nhiều cái hay, cái đẹp cũng như còn nhiều cái bí ẩn cần phải giải mã. Có một điều mà ít ai biết là khi nghiên cứu về Truyện Kiều, ông phải để thêm cuốn Kim Vân Kiều truyện nguyên tác của Trung Quốc bên cạnh để tìm hiểu, so sánh Nguyễn Du và Thanh Tâm Tài Nhân giống nhau và khác nhau ở điểm nào; vì sao Nguyễn Du lại lựa chọn tình huống, câu chữ đó để thay thế Thanh Tâm Tài Nhân…

Nhà Kiều học Lê Xuân Lít
Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, ông đã biên soạn hàng chục đầu sách về Kiều. Đầu tiên là cuốn Tìm hiểu từ ngữ Truyện Kiều in năm 2001, góp phần làm sáng tỏ thêm hàng ngàn từ ngữ khó hiểu trong Truyện Kiều, làm cho việc đọc Truyện Kiều thêm phần thú vị; Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện (Truyện Kiều của Tản Đà – viết lời bình và giới thiệu); Từ Kim Vân Kiều truyện đến Truyện Kiều: So sánh và làm rõ 2 bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du, chỗ nào thì Nguyễn Du sáng tạo, chỗ nào thì mượn từ sách gốc của Trung Quốc; Dạy và học Truyện Kiều, những điều cần bàn; Truyện Kiều cho học sinh tiểu học, THCS, THPT và ĐH… Đặc biệt, cuốn 200 năm nghiên cứu và bàn luận Truyện Kiều được ông viết tay dày 5.000 trang và nặng 12,5kg hoàn thành năm 2004. Cuốn sách này sau đó được ông mang trình UBND tỉnh Hà Tĩnh nhân dịp kỉ niệm 240 năm ngày sinh của cụ Nguyễn Du.
Trên Báo Giáo dục TP.HCM, từ 2010 đến 2011, ông Lê Xuân Lít đã cộng tác, phụ trách chuyên mục “Cảo thơm lần giở” với hàng chục bài viết phân tích sâu sắc về Truyện Kiều nói chung và cuộc đời đầy truân chuyên của Thúy Kiều nói riêng. Có thể nói những bài viết của ông đã giúp cho giáo viên phổ thông bổ sung thêm vào bài giảng của mình nhiều thông tin mới lạ khi dạy về Truyện Kiều.
Ít ai biết từ hàng chục năm nay, cứ đến ngày 16-9 là ông làm đám giỗ đại thi hào Nguyễn Du ngay tại nhà mình, mời một số bạn bè trong giới văn chương cũng như những người yêu Truyện Kiều đến dự. Năm 2010, ông cùng với nhiều nhà nghiên cứu Truyện Kiều khác đứng ra vận động thành lập Hội Kiều học Việt Nam. Ngày 3-11-2011, Hội Kiều học Việt Nam được thành lập với gần 400 hội viên, ông giữ vai trò Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội.
Có thể nói, với sự kì công của mình, ông Lê Xuân Lít đã khiến nhiều nhà nghiên cứu Truyện Kiều khác phải giật mình, kính phục.
P.V
 
Chia buồn
Được tin Nhà giáo, nhà báo Lê Xuân Lít, sinh năm 1936 tại xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, là cộng tác viên Báo Giáo dục TP.HCM (giai đoạn 2010-2011) từ trần lúc 5 giờ sáng ngày 6-3-2015, hưởng thọ 80 tuổi.
Ban Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM xin chia buồn cùng gia quyến Nhà giáo, nhà báo Lê Xuân Lít.
Giáo dục TP.HCM
 
 

Bình luận (0)