Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhà lưu niệm cụ Vương: Chuyện trên giấy?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo di chúc để lại, cụ Vương hiến ngôi nhà 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, P.14, Q. Bình Thạnh-TPHCM và toàn bộ tài sản của mình trong ngôi nhà này cho Nhà nước với ước muốn được sử dụng làm nhà lưu niệm Vương Hồng Sển. Thế nhưng từ khi cụ qua đời đến nay, ước nguyện đó của cụ vẫn chưa thành hiện thực.

Sân căn nhà cụ Vương bị chiếm dụng dựng lều chứa hàng hóa và vật dụng sinh hoạt. Ảnh: TH.HIỆP

6 năm vô chủ, 7 năm bỏ hoang

Khi cụ Vương nằm xuống, các đơn vị chức năng tiếp quản các di sản bất động sản của cụ như sách quý, cổ vật quý hiếm… chuyển về bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM và Thư viện Khoa học Tổng hợp. Riêng ngôi nhà, do có tranh chấp quyền thừa kế, nên Nhà nước chưa thể trưng dụng theo ý nguyện của cụ ngay lúc đó. Từ đó, ngôi nhà này trở thành vô chủ.

Cho đến ngày 12-9-2002, UBND TPHCM có văn bản 3106/UB-ĐT xác định căn nhà 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, P.14, Q. Bình Thạnh do ông Vương Hồng Sển tạo lập năm 1952, trước khi kết hôn với bà Nguyễn Kim Chung. Vì vậy, ngôi nhà là tài sản riêng của ông Vương Hồng Sển. UBND TP.HCM giao cho Sở Địa chính – Nhà đất và UBND quận Bình Thạnh lập các thủ tục và dự thảo văn bản trình UBND TP.HCM xét ký quyết định thu hồi và bãi bỏ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với căn nhà 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, P.14, Q. Bình Thạnh cho ông Vương Hồng Sển và bà Nguyễn Kim Chung (qua đời năm 1988) đứng tên sở hữu; xác lập sở hữu Nhà nước và nghiên cứu đề xuất cụ thể xử lý các trường hợp cư ngụ trái phép tại căn nhà này để thu hồi nhà trống, giao cho Sở VHTT TPHCM quản lý.

Nhưng từ đó đến nay đã gần 7 năm, ngôi nhà này vẫn như vô chủ. Lý do Nhà nước chưa tiếp quản được ngôi nhà này, theo ông Phan Trọng Hiền, Phó Phòng Quản lý di sản văn hóa Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TPHCM (Sở VHTT TPHCM trước đây) là vướng 3 người cháu nội của cụ Vương, người con dâu và một số người là em ruột của vợ Vương Hồng Bảo (con trai cụ Vương đã qua đời) đang sinh sống tại đó.

Sở VHTT TPHCM trước đây đã đề nghị TP tìm chỗ ở mới cho các cháu nội của cụ Vương để giao nhà trống cho đơn vị chức năng tiến hành trùng tu và khai thác, đúng như tâm nguyện của cụ. UBND TPHCM đã có quyết định giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở VHTT TPHCM và UBND quận Bình Thạnh tập hợp hồ sơ, giải quyết chỗ ở cho các cháu nội cụ Vương để thu hồi căn nhà 9/1 Nguyễn Thiện Thuật.

Hai cháu nội cụ Vương được bố trí một căn hộ chung cư 57 m2 nằm bên cạnh đình Minh Phụng, quận 6 – TP.HCM nhưng mẹ của các cháu không đồng ý vì ở đó các cháu đi học quá xa. Mới đây, UBND quận Bình Thạnh đã bố trí cho các cháu một ngôi nhà trên đường Vạn Kiếp. Nhưng đến nay ngôi nhà cụ Vương vẫn chưa được bàn giao cho Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TPHCM quản lý để tiến hành trùng tu, đưa vào sử dụng, dù đã quá muộn.

Chờ đến bao giờ?

Theo ông Phạm Thành Nam, chuyên viên Phòng Quản lý di sản văn hóa TP.HCM, về việc xác lập quyền sở hữu Nhà nước thì UBND TP.HCM chưa giao Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP.HCM quản lý ngôi nhà này. Hiện nay, ngôi nhà vẫn thuộc quyền quản lý của Phòng Quản lý nhà, Sở Xây dựng TPHCM.

“Chúng tôi cũng rất sốt ruột trước thực trạng ngôi nhà xuống cấp, mặc dù Ban Quản lý dự án xây dựng công trình văn hóa Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP.HCM đã lập dự án tu bổ và tôn tạo” – ông Nam nói.

Cây đòn dông của gian nhà chính đã biến mất từ lâu

Được biết, việc tranh chấp quyền thừa kế của 2 con riêng bà Nguyễn Kim Chung chỉ liên quan đến dãy nhà trệt phía sau ngôi nhà cổ, do cụ Vương Hồng Sển mua miếng đất kế cận rồi xây thêm sau khi chung sống với bà Chung, dù đứng tên bà Nguyễn Kim Chung nhưng do cụ Vương trả tiền (theo tờ di ngôn cụ Vương viết ngày 13-5-1991). Như vậy, việc tranh chấp quyền thừa kế nằm ngoài ngôi nhà cổ. Tại sao cơ quan chức năng không tách phần tranh chấp ra để sớm tiếp nhận, quản lý phần nhà cổ của cụ ngay từ đầu?

Có thể các cơ quan chức năng liên quan có lý do để biện minh. Nhưng việc để một di sản vô giá như ngôi nhà cổ của cụ Vương bị con người và thiên nhiên tàn phá như thế thì khó có thể chấp nhận. Điều đáng nói là gần 13 năm qua, các cơ quan chức năng gần như bỏ phế công trình kiến trúc cổ này.

Hơn 6 năm trước, bà Vương Việt Hoa, cháu cụ Vương Hồng Sển, phải làm đơn gửi UBND TPHCM khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng đến khảo sát và có biện pháp cứu nguy ngôi nhà. Nhưng suốt thời gian qua, không có cơ quan nào quan tâm giữ gìn, tu bổ, dù thực trạng ngôi nhà ngày càng xuống cấp nghiêm trọng và bị con người tàn phá không thương tiếc.

Báo chí cũng đã phản ánh tình trạng xuống cấp của ngôi nhà từ 7-8 năm trước (Báo NLĐ đã phản ánh qua bài viết “Ngôi nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển kêu cứu”, số ra ngày 3-10-2002) nhưng tình hình vẫn không biến chuyển.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho rằng: “Khi hiến tặng cho Nhà nước, mong muốn của cụ Vương là ngôi nhà và sản vật trong đó được bảo quản để xây dựng thành nhà lưu niệm Vương Hồng Sển. Chậm tiếp quản để đưa vào khai thác sử dụng, nhất là để hiện trạng ngôi nhà cổ xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng như hiện nay, chúng ta có lỗi với cụ Vương và thế hệ mai sau”.

Phải được trân trọng

Cụ Vương là người tiên phong trong việc hiến tặng cổ vật, sách quý để hình thành bảo tàng tư nhân. Ở Trung Quốc, Nhật Bản, có rất nhiều nhà sưu tập đã hiến tặng những bảo tàng mang tính chủ đề, giúp cho ngành du lịch các nước này phát triển.

Nhà lưu niệm Vương Hồng Sển sẽ góp phần khai sáng cho hoạt động đó ở nước ta, nếu nhà lưu niệm đó sống thì những nhà sưu tập, trong đó có tôi, sẽ hiến tặng cho Nhà nước, sau khi mình qua đời. Chúng tôi mong muốn nhà lưu niệm, bảo tàng tư nhân sẽ nằm trong hệ thống bảo tàng quốc gia, được gìn giữ, được trân trọng sau khi hiến tặng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu

Theo HỮU THÂN – THANH HIỆP
Người Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)