Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ thuộc dự án “Thoát nước và xử lý nước thải Cần Thơ”, có tổng mức đầu tư hơn 19 triệu euro (hơn 494 tỉ đồng); trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) hơn 10,4 triệu euro, còn lại là vốn đối ứng của TP.Cần Thơ. Nhà máy xây dựng tại Q.Ninh Kiều và Q.Cái Răng, công suất xử lý 30.000 m
3/ngày đêm, do Công ty CP cấp thoát nước Cần Thơ làm chủ đầu tư, liên doanh nhà thầu Warotec (Đức) và Haweicco (VN) thi công.
Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ chưa hoạt động nhưng công nghệ đã không đáp ứng được quy định về môi trường Ảnh: Đình Tuyển
Dự án được phê duyệt năm 2003, khởi công năm 2007 và dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Thế nhưng, trong đợt kiểm tra đầu tháng 11.2016 về tiến độ dự án và giải quyết một số vướng mắc quá trình đầu tư nhà máy, đại diện KfW đánh giá dự án quá chậm so với tiến độ đặt ra và “ì ạch hơn rất nhiều so với các dự án do KfW hỗ trợ vốn vay tại các tỉnh thành khác”. Lý giải sự trì trệ trên, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, nhìn nhận dự án được nghiên cứu từ những năm 1990, so với bối cảnh và yêu cầu thực tế hiện nay đã lộ nhiều hạn chế; thời gian thi công kéo dài, vật giá tăng cao, dự án phải điều chỉnh giá trị xây lắp trong khi nhà tài trợ không bổ sung thêm kinh phí khiến địa phương gặp nhiều khó khăn…
Đại diện chủ đầu tư dự án, ông Nguyễn Hữu Lộc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP cấp thoát nước Cần Thơ, phân trần: “Năm 2014 nhà thầu quốc tế Warotec (liên danh cùng Haweicco) tuyên bố phá sản và ngừng thực hiện dự án, từ đó chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để xử lý và kết thúc hợp đồng”. Sự ì ạch của dự án đã khiến tổng vốn đầu tư bị “đội” lên mức trên 494 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi mức phê duyệt ban đầu. Đến nay, dự án mới nghiệm thu được 2 tuyến cống bắc và nam Cần Thơ.
Chưa biết bao giờ có thể hoạt động
Điều đáng nói, dù nhà máy có hoàn thành cũng không thể đưa vào hoạt động chính thức, bởi theo công nghệ thiết kế nước thải của nhà máy sau khi được xử lý thải ra sông Hậu chỉ đạt tiêu chuẩn cột B, TCVN 5945-1995 (tiêu chuẩn VN về nước thải công nghiệp – giới hạn ô nhiễm cho phép), trong khi theo tiêu chí mới về môi trường thì phải đạt cột A mới được xả ra môi trường.
Hiện tại, nhà máy đang hoạt động thử nghiệm với hình thức lọc tuần hoàn chứ không thải ra môi trường. “Trước mắt, ngày 15.11 sẽ chính thức chạy thử. Sau 3 tháng, chúng tôi sẽ nghiệm thu xem công nghệ xử lý đã đạt tiêu chuẩn cột B như thiết kế ban đầu hay chưa. Sau khi đạt các tiêu chuẩn cột B rồi, lúc đó mới tính đến chuyện đầu tư nâng cấp, cải tiến nhà máy đạt tiêu chuẩn cột A theo quy định hiện hành”, ông Nguyễn Hữu Lộc nói.
Cũng theo ông Lộc, ngày 8.11 Thành ủy Cần Thơ đã làm việc với Sở TN-MT, Công ty CP cấp thoát nước Cần Thơ cùng các bên liên quan. “Thành ủy đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ của nhà máy, Sở TN-MT sẽ hỗ trợ chủ đầu tư trong giám sát chất lượng nước thải… Riêng nguồn vốn để nâng cấp công nghệ từ xử lý nước thải lên tiêu chuẩn cột A sẽ cấp từ ngân sách địa phương. Còn mốc thời gian dự án chính thức hoạt động thì chưa thể biết được”, ông Lộc cho biết.
Chưa hoạt động đã thu của dân trên 100 tỉ đồng
Dù chưa đi vào hoạt động nhưng nhiều năm qua, Công ty cấp thoát nước Cần Thơ đã thu của người dân nằm trong vùng dự án trên 100 tỉ đồng phí xử lý nước thải, khiến nhiều người dân đặt dấu hỏi. Cụ thể, mỗi mét khối nước sinh hoạt, người dân phải trả thêm 500 đồng tiền xử lý nước thải. Giải thích về khoản thu này, ông Nguyễn Hữu Lộc nói: “Việc thu phí trước là thực hiện theo thỏa thuận với KfW và chủ trương của UBND TP.Cần Thơ, nhằm mục đích phục vụ cho giai đoạn đầu vận hành nhà máy. Sau đó, TP.Cần Thơ sẽ có lộ trình tăng dần phí xử lý nước bởi hiện nay chi phí xử lý nước thải khá cao. Ước tính chi phí xử lý nước thải đạt cột A ở mức 2.000 – 5.000 đồng/m3”. Trả lời câu hỏi nhà máy chưa đi vào hoạt động thì số tiền thu được chi vào việc gì, ông Lộc nói: “Toàn bộ số tiền trên 100 tỉ đồng thu của người dân vẫn nằm trong ngân hàng, chưa sử dụng vào việc gì”
|
Đình Tuyển (TNO)
Bình luận (0)