Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhà ở cho giáo viên: Giấc mơ còn xa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhiều khu nhà ở dành cho giáo viên đã quá cũ trong khi mức lương của họ không đủ để mua nhà trả góp.

Với đồng lương chỉ từ 2 đến 4 triệu đồng/tháng, thậm chí giáo viên (GV) mới vào nghề chỉ hơn triệu đồng. Với mức chuẩn nghèo mới của TP Hồ Chí Minh là 12 triệu đồng/người/năm thì với mức thu nhập trên sẽ có hàng chục nghìn GV sống dưới chuẩn nghèo của TP. Nói như thế để thấy rằng, việc có được một căn nhà để " an cư lạc nghiệp" của những GV ở đây là vô cùng khó khăn.

Mơ một căn nhà
Căn phòng thuê nhỏ, chật chội không quá 10m2 là "mái ấm" từ nhiều năm qua của vợ chồng thầy Nguyễn Cảnh Hiền, GV Trường THCS Tân Phú, quận 9. Hơn 30 năm gắn bó với nghề "gõ đầu trẻ" nhưng hiện tại mức lương của thầy Hiền chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, nhưng lại lo không biết bao nhiêu khoản chi phí cho cuộc sống gia đình. Thầy cho biết, mỗi tháng phải chi tiền thuê nhà, điện, nước mất 1 triệu đồng, tiền sữa cho con (2 tháng tuổi) 300 ngàn đồng, tiền ăn của 4 người hết 1,5 triệu đồng, tiền cho cháu lớn học đại học hơn 1 triệu đồng. Rồi tiền xăng xe máy, mua sắm đồ đạc trong gia đình… Vì vậy, tôi vẫn phải đi vay tiền để chi trả sinh hoạt phí trong gia đình, nói gì chuyện mua nhà, có mơ cũng không thấy.
Với quyết tâm có được căn nhà, thầy giáo Thanh Tùng – Trường Tiểu học Trần Quang Khải, quận 1 đã phải " chạy sô" liên tục, ngoài những tiết dạy chính thức, thầy còn tranh thủ dạy thêm buổi thứ 2, rồi hằng đêm đi làm gia sư cho các nhóm học thêm. Dạy không có thời gian ngừng nghỉ như thế, nhưng tổng cộng mỗi tháng thầy cũng chỉ kiếm được hơn 6 triệu đồng. Thầy phân trần: Với số tiền trên, lo chi phí cho bản thân, vợ cùng 2 đứa con và tiền thuê nhà, tháng nào cũng gần hết, nếu có dư cũng chỉ vài trăm nghìn đồng. Trong khi đó, nếu mua nhà trả góp thì mỗi tháng phải dư cỡ 5 triệu đồng để trả lãi, còn gốc chưa tính. Vấn đề của tôi bây giờ là cố gắng làm việc để nuôi hai đứa con ăn học nên người, còn nhà cửa thì… "quên nó đi" để bớt đau đầu.
Chưa biết đến khi nào
Số lượng giáo viên sống dưới chuẩn nghèo của TP hiện nay chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Ngay như một quận kề cận trung tâm TP là quận 4, có gần 30% số giáo viên có mức sống dưới chuẩn. Chính vì thế, theo ông Lưu Văn Thành, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo quận 4, toàn quận hiện có khoảng 20% số giáo viên chưa có nhà ở, trong đó có gần 30% thuộc diện khó khăn.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2008-2009 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2009-2010, ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP đã thay mặt hàng chục ngàn GV chưa "an cư" kiến nghị UBND TP cần quan tâm đến vấn đề nhà ở cho đội ngũ thầy, cô giáo. Và đây không phải là lần đầu tiên Sở kiến nghị. Song, từ năm này qua năm khác, kiến nghị vẫn chỉ là… kiến nghị! Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình bộc bạch: "Trên địa bàn quận có rất nhiều GV, thậm chí cả hiệu trưởng, hiệu phó cũng phải đi thuê nhà để ở. Chúng tôi biết nhưng không giúp gì được ngoài việc kiến nghị lên cấp trên. Để giải quyết chỗ ở cho các thầy, cô chỉ có cấp thành phố mới làm được, còn ngành giáo dục quận thì… "bó tay".
Theo Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, trước đây chủ trương của huyện là những giáo viên nội thành về huyện công tác được hỗ trợ mỗi tháng 200.000 đồng. Tuy nhiên, hiện nay với số tiền đó chỉ những giáo viên có nhà cửa còn chấp nhận được, đối với giáo viên phải thuê nhà thì làm sao đủ tiền mà thuê. Do đó, Phòng GD-ĐT đã trình lên UBND huyện đầu tư quỹ nhà ở cho GV, UBND huyện có thể xây nhà rồi cho GV thuê hoặc bán giá rẻ. Song, lãnh đạo huyện đã từ chối vì… "huyện làm không nổi, cái này thuộc về thành phố".
Cũng chính vì thế, công tác giáo dục ở huyện Bình Chánh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đội ngũ GV thiếu trầm trọng. Có năm Sở GD-ĐT phân về cho huyện cả trăm GV nhưng số người tới trình diện nhiệm sở chỉ chiếm 60-70%, đến khi về trường giảm xuống còn 40-50%. Dân gian có câu "An cư mới lạc nghiệp", nếu cứ phải sống cảnh nay mướn nhà chỗ này, mai thuê phòng chỗ khác thì làm sao mà "lạc nghiệp". Sống mãi cảnh không nhà, một số giáo viên dẫu rất yêu nghề vẫn phải bỏ trường, xa lớp. Những người ở lại, lúc nào cũng đau đáu một ước nguyện là có được căn nhà riêng để sống cho ra sống…
Hồ Văn (hà Nội mới)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)