Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhà ở cho giáo viên: Khi nào có?

Tạp Chí Giáo Dục

LTS: Trong khi chất lượng giáo dục ở TP.HCM năm nào cũng đứng nhất nhì trên bình diện cả nước thì đời sống của đội ngũ giáo viên lại… “quá tệ”, nhất là vấn đề nhà ở. Thực tế không ít giáo viên cả đời đứng trên bục giảng cống hiến cho sự nghiệp trồng người, nhưng đến lúc mất cũng không có được một chỗ để… đặt bàn thờ. Thực trạng này sẽ tồn tại đến bao giờ?

Kỳ I:  Hành trình ở nhà thuê

Hết lòng vì sự nghiệp giáo dục của thành phố nhưng nhiều giáo viên phải sống “cảnh không nhà”

Ghi nhận của chúng tôi tại các trường ở nhiều quận, huyện cho thấy tỷ lệ giáo viên không có nhà ở chiếm khoảng 50 – 60%. Trong đó có nhiều giáo viên phải sống cảnh nhà trọ từ năm này sang năm khác, từ quận này sang quận khác. Nhiều giáo viên đi thuê nhà trọ đã thừa nhận: “Phải nhìn mặt chủ nhà để… sống và phải chấp nhận cảnh rày đây mai đó thuê nhà. Thật ra đời giáo viên chẳng khác nào dân du mục!”.
Chuyển nhà như… thay áo
Với mức lương 3 – 4 triệu đồng/tháng, để sở hữu một căn nhà có chỗ “chui ra chui vào” đối với đại bộ phận giáo viên là điều không tưởng. Nếu có thì chỉ còn cách là nhịn ăn, nhịn mặc. Vì không thể nhịn ăn cũng như nhịn mặc nên nhiều giáo viên đã phải chọn giải pháp thuê nhà.
Năm 2000, thầy Hoa Thành Tường – giáo viên Trường Tiểu học Trần Quang Khải, Q.1 lập gia đình. Do nhà nội chỉ 40m2 mà có cả chục người vừa lớn vừa nhỏ ở nên vợ chồng thầy Tường phải ra ngoài thuê nhà. “Lúc đầu hai vợ chồng thuê nhà ở Q.Phú Nhuận, sau đó chủ nhà đòi lại nên chuyển về Hóc Môn (nhà ngoại) ở. Từ Hóc Môn lên Q.1 quá xa, ngày nào tôi cũng phải đi từ 5giờ30 sáng cho kịp giờ lên lớp cũng như giờ học của con gái. Ở được 3 tháng thấy oải quá nên thuê nhà ở Q.Bình Thạnh. Hiện tại cả nhà tôi (4 người – 2 người lớn, 2 trẻ em) đang sinh hoạt trong một căn phòng rộng khoảng 15m2. Cả bếp, nhà vệ sinh đều ở trong đấy…”, thầy Tường cho biết.
Tại Trường Tiểu học Trần Quang Khải còn có cô Hồ Thị Bạch Tuyết, dù đã có hơn 20 năm gắn bó với ngành giáo dục nhưng đến nay vẫn phải ở nhà thuê. Thầy Lê Công Minh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hoàn cảnh của cô Tuyết khó khăn lắm, khó khăn từ nhà ở cho đến tiền học cho con. Có những lúc cô Tuyết phải vào trường vay tiền đóng học phí cho con. Do vậy để có đủ một cục tiền mua nhà không phải là chuyện đơn giản”…
Thầy Nguyễn Thanh Hải – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình cũng thừa nhận: “Hiện nay trên địa bàn quận vẫn còn rất nhiều giáo viên phải ở nhà thuê. Thậm chí có người là hiệu trưởng, hiệu phó cũng không có nhà riêng để ở”…
Ngoài việc thuê nhà, cũng có không ít giáo viên chọn giải pháp sống chung với gia đình và chấp nhận một cuộc sống chật chội, “mất tự do”…
Sau khi có con, cô Nguyễn Ngọc Trinh – giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 cùng chồng con chuyển từ nhà mẹ chồng về nhà mẹ đẻ ở chung cư Lý Văn Phức (Q.1) sinh sống. Nhà chỉ có hơn 40m2 nhưng có tới 7 người thuộc 3 thế hệ sinh sống. Cô Trinh kể lại: “Nhà chật lại đông người nên không dám mua giường, tối đến cả đại gia đình trải chiếu ngủ dưới đất. Thậm chí có hôm còn phải nằm cả trong bếp. Còn chuyện tình cảm vợ chồng thì… không dám, hơn 10 năm nay vợ chồng tôi đành phải chịu khó… nhịn”.
Hai thế hệ nhà giáo sống “cảnh không nhà”






Normal
0


false
false
false







MicrosoftInternetExplorer4










Normal
0


false
false
false







MicrosoftInternetExplorer4




Hơn 30 năm đứng trên bục giảng nhưng thầy Nguyễn Cảnh (GV Trường THCS Tăng Nhơn Phú, Q.9) vẫn phải ở nhà thuê

Được tiếp xúc với những giáo viên đang phải sống “cảnh không nhà”, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng và xúc động trước hoàn cảnh của các thầy, các cô. Thì ra đằng sau những huân, huy chương của ngành giáo dục, đằng sau những học sinh thành đạt là cuộc sống khốn khó của các thầy, cô. Sự khốn khó đó thậm chí còn kéo dài từ đời cha mẹ sang đời con cái…
Cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 tâm tư: “Hoàn cảnh của thầy Phạm Thanh Tâm tội lắm. Cả nhà đều là giáo viên, ba mẹ công tác tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, anh trai là giáo viên Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1), em gái là giáo viên Trường Tiểu học Kết Đoàn (Q.1) nhưng hiện tại đều đang phải ở nhà trọ”…
Trước đây, gia đình thầy Tâm sống chen chúc với nhau trong một căn phòng nhỏ xíu gần Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Sau đó căn phòng này bị giải tỏa, Nhà nước đền bù cho gia đình thầy Tâm một số tiền nho nhỏ. Số tiền này đủ để mua một miếng đất ở Q.7 giáp với Nhà Bè. Khổ nỗi lại mua phải miếng đất bằng giấy tay nên chính quyền địa phương không cho cất nhà. Thế là miếng đất này đành trở thành vườn trồng rau, còn cả nhà (gồm 4 gia đình, 3 thế hệ) phải thuê một căn nhà cấp 4 gần đấy để ở. Năm ngoái, ba của thầy Tâm bệnh nặng. Trước khi nhắm mắt từ giã cõi đời, ông chỉ có một ước nguyện duy nhất là có một chỗ để đặt bàn thờ. Mấy anh em thầy Tâm đã đến chính quyền năn nỉ cho xây tạm một căn nhà cấp 4 trên vườn rau nhưng địa phương không chịu. Và người thầy đã cống hiến cả cuộc đời cho ngành giáo dục (cụ thể là Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) đành phải ra đi và đem theo mong mỏi có một căn nhà riêng cho vợ con sinh sống cũng như cho bản thân có một chỗ để con cháu hương khói.
“Ba mất, chúng tôi đã phải nói khéo với chủ nhà để họ đồng ý cho đặt hòm. Cũng may họ không từ chối nên đám tang của ba được diễn ra suôn sẻ”, thầy Tâm nhớ lại. Tuy vậy, chừng nào chưa có nhà thì gia đình thầy Tâm vẫn còn lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên. Bởi, “Hiện nay bàn thờ của ba đang đặt ở nhà trọ, mai mốt người ta lấy lại nhà thì phải rước bàn thờ đi”, thầy Tâm tâm tư.
Còn riêng bản thân thầy Tâm, sau khi lập gia đình (năm 2002) đến nay đã cùng vợ ra ngoài thuê nhà ở riêng. Mới 7 năm nhưng vợ chồng thầy phải chuyển nhà tới 4 lần. “Ở nhà trọ bất tiện lắm, cứ phải nhìn sắc mặt của chủ nhà để sống. Không bao giờ dám nói hay làm gì khiến chủ nhà phật ý. Bởi chỉ cần chủ nhà phật ý là ngày mai có thể phải dọn đi chỗ khác”, thầy Tâm chua chát.
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)