Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhà ở cho giáo viên: Lương chưa đủ ăn, làm sao mua nhà?

Tạp Chí Giáo Dục

Với đồng lương ít ỏi, việc lo chi phí sinh hoạt hàng ngày, học hành của con cái đã khó, phấn đấu để mua được một căn nhà tại TP.HCM là điều không thể đối với phần lớn các thầy, cô giáo, nhất là những thầy, cô mới đi dạy…

Cô Lê Hồng Mỹ Linh tại phòng trọ. Ảnh: T.Anh

Thầy Lê Phước Hậu, Hiệu trưởng Trường TH Lê Lợi, huyện Nhà Bè chia sẻ: “Với đồng lương hệ số của giáo viên mới ra trường thì việc thuê nhà để ở cũng đã chật vật, làm sao dám mơ đến một căn nhà”. 

Giáo viên vật vã ở nhà trọ

Nhắc chuyện nhà cửa hiện tại, cô Lê Hồng Mỹ Linh (giáo viên Trường THCS Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) nói: “Nhà cha mẹ chật hẹp, đứa em trai lập gia đình thêm thành viên mới nên vợ chồng tôi phải ra riêng”.

Ra riêng ở đây được hiểu là ra ngoài thuê trọ. Căn phòng mà hai vợ chồng cô Linh thuê tròm trèm 12m2 nằm trong xóm lao động nghèo trên đường Trương Phước Phan (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân). Với giá thuê 1.500.000 đồng, cộng với tiền điện nước đã ngốn đến 2.000.000 đồng/ tháng. Đó là chưa kể khoản tiền 4.000.000 đồng/ tháng mà cô Linh phải chạy thận để kéo dài sự sống. Trong khi đó, đồng lương giáo viên còm cõi của cô và ít tiền lãi bữa có bữa không từ gánh súp của chồng thì một căn nhà nhỏ với vợ chồng cô là điều không tưởng. Cô Linh chia sẻ: “Đây là căn phòng trọ mà hai vợ chồng dọn tới từ 5 tháng trước. Tủi thân lắm, có chủ nhà biết chồng thất nghiệp, vợ thì bệnh nặng sợ không có tiền trả nên không cho thuê”.

Theo quan sát của chúng tôi, đây được xem là căn phòng trọ tươm tất, vệ sinh và đặc biệt là an ninh nhất xóm lao động nghèo. Chiếc cầu thang dã chiến để lên gác cũng chỉ sử dụng lúc chuyển đồ đạc đến rồi thôi, móc cố định ở đó. Cô Linh bệnh không thể di chuyển lên cao, chiếc giường phải đặt ở dưới khiến không gian chật hẹp lại càng chật hẹp hơn. Mọi thứ đặt san sát nhau, chỗ ngủ cách một bước chân là bếp, bước nữa là đến nhà vệ sinh. Mặc dù tiết trời cuối năm khá mát mẻ nhưng cái nóng hầm hập vẫn bao trùm căn phòng nhỏ lúc nấu nướng.

Một thầy giáo trẻ đang dạy tại một trường THCS ở Q.7 nhẩm tính: “Mỗi tháng phải trả hơn 1 triệu tiền nhà, trong khi đó lương thì chỉ ngoài 3 triệu đồng. Đó là ở ghép chứ không dám thuê riêng phòng”. Thu nhập có bấy nhiêu, giáo viên chỉ có thể thuê phòng ở trong xóm lao động nhập cư thiếu an ninh và môi trường ẩm thấp, ô nhiễm. Thầy giáo này ngậm ngùi: “Nhiều lúc học trò hỏi thăm, muốn đến nhà thầy chơi nhưng vì nhà chật chội đành tìm cách từ chối, hẹn khi khác”.

Không tốn tiền nhà, nhưng…

May mắn hơn các đồng nghiệp nói trên của mình, hàng tháng vợ chồng cô Dương Ngọc Trang và thầy Chu Huỳnh Lâm (đều là giáo viên Trường THPT Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM) không phải trích từ đồng lương ít ỏi của mình để trả tiền nhà nhưng họ cũng chưa có một chỗ ở tươm tất. Theo đó, con trai thầy cô cũng đã chào đời ở căn phòng số 8, diện tích chừng 15m2 thuộc ký túc xá học sinh của trường. Căn phòng cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng, từng mảng tường loang lổ, vằn vện do thấm nước sau bao mùa mưa. Chiếc tủ cũ làm vách ngăn, phía sau đặt chiếc nệm, bên phải là chiếc bàn nhỏ để thầy cô soạn giáo án cũng đã choán hết phòng.

Dù ở ngoại thành nhưng để sở hữu một căn nhà là cả một chuyện lớn trong thời buổi giá bất động sản tăng chóng mặt. Cũng như nhiều gia đình giáo viên khác, thu nhập của hai vợ chồng cô Trang không có gì khác ngoài lương và phụ cấp. Bản thân cô Trang lại mắc bệnh suyễn mãn tính, hàng tháng phải chi một khoản tiền để điều trị bệnh. Thêm vào đó, bố mẹ cô đã lớn tuổi nay yếu mai đau.

Ở nhà công vụ cũng… khổ

Một ngày giữa tháng 12-2016, chúng tôi đến nhà công vụ giáo viên thuộc xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè khi các cô giáo trẻ đang tất tả tát nước, lau chùi nhà cửa sau đợt triều cường cho kịp giờ lên lớp.

Đây là khối nhà cấp 4 có dấu hiệu rệu rã, xuống cấp nặng, không chỉ bị lún mà trần nhà cũng bong tróc, từng tấm la phông như chực chờ đổ xuống. Sân nhà bùn đất lầy lội sau mưa, triều cường lại ập vào khiến lớp bùn dày hơn, tìm lối khô ráo để vào các phòng không dễ. Nền nhà công vụ thấp hơn mặt đường hẻm xấp xỉ 1m khiến không chỉ sân mà cả trong nhà cũng là nơi chứa nước mưa và triều cường. Để ngăn nước bẩn vào nhà, các cô tự bỏ tiền xây tường gạch dã chiến phía trước nhưng chắn chỗ này thì nước vào chỗ khác. Cô Lê Mai Hằng Nga (giáo viên Trường THCS Hai Bà Trưng, huyện Nhà Bè) cho biết: “Những đợt triều cường lên cao, nước dâng lên đến mép giường. Sáng nước rút đi là dọn dẹp mất ít nhất 1,5 tiếng, chiều tối nước lên lại phải làm nữa. Trước đây, khu vực này ngập nhưng cũng không đến nỗi nhưng từ ngày địa phương cho nâng hẻm, nhà dân cũng nâng lên theo, còn nhà công vụ thì chịu trận”.

Những mái ấm nghĩa tình

Công đoàn ngành GD-ĐT huyện Cần Giờ cho biết, tại huyện có 2 nhà công vụ dành riêng cho giáo viên tại hai xã Lý Nhơn và Thạnh An. Theo đó, sức chứa tối đa của mỗi nơi chỉ khoảng 30 người. Ngoài ra, huyện còn có một nhà công vụ tại xã Bình Khánh, được xây từ vốn đối ứng của huyện và Công đoàn ngành GD-ĐT TP.HCM hỗ trợ.

Ngoài ra, Công đoàn Giáo dục TP.HCM vừa bàn giao nhà công vụ cho giáo viên Trường TH Thạnh An. Công trình gồm 2 phòng khép kín, giải quyết chỗ ở cho 9 giáo viên nữ.

Công đoàn Giáo dục TP.HCM và Công đoàn Giáo dục huyện Cần Giờ cũng đã bàn giao Nhà mái ấm công đoàn cho cô Phạm Thị Kim Lài (nhân viên Trường THCS Lý Nhơn); thầy Nguyễn Văn Tuấn (Trường THCS Tam Thôn Hiệp); cô Trần Thị Thúy (giáo viên Trường THCS Doi Lầu)…

Công tác tại trường từ năm 2008, trước đó cô Nga cùng đồng nghiệp ở nhà tập thể của xã Long Thới. Khi trường chuyển về Nhơn Đức, cô Nga lại chuyển về đây. Nhà công vụ này gồm 3 phòng (1 phòng nam và 2 phòng nữ) liền kề với 9 giáo viên, trong đó có 7 giáo viên nữ đang ở. 

“Ở đây chỉ chi trả tiền điện nước nhưng không phải ai cũng có thể chịu được cảnh tát nước mỗi tuần nên một số đồng nghiệp đã chuyển ra ngoài thuê nhà. Tuy nhiên mỗi người một cảnh, không phải ai cũng có điều kiện để ra ngoài”, cô Nga cho biết thêm.

Ở chung phòng với cô Nga, cô Vũ Thị Dinh (giáo viên Trường TH Lê Lợi, huyện Nhà Bè) công tác được hai năm là ngần ấy thời gian cô gắn bó với nhà công vụ. Quê cô Dinh ở Nam Định, tìm được một nơi công tác tại TP.HCM đã là may mắn lắm rồi nên dù gặp không ít vất vả khi ở nhà công vụ nhưng “cũng quen rồi”, cô Dinh nói.

Trần Anh

Bình luận (0)