“Khi có nhu cầu rất cao mà nguồn cung ban đầu còn ít thì chúng ta chưa thể tránh được cơ chế xin – cho. Người ta chỉ có thể giải quyết vấn đề này khi đáp ứng được dồi dào nhu cầu” – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định.
Tiết kiệm hàng chục tỷ đồng một toà nhà
Trước yêu cầu giá thành phải phù hợp nhưng chất lượng không giảm, các nhà đầu tư nhà ở xã hội buộc phải tính toán tới việc ứng dụng những công nghệ trong vật liệu và thi công, nhằm giảm thiểu chi phí cũng như thời gian.
Xây dựng nhà ở xã hội không chỉ có giá thấp mà phải đảm bảo cả chất lượng sống cho người dân (ảnh: Lan Hương)
Đây chính là lý do Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo bàn về các giải pháp tối ưu, sử dụng các vật liệu, công nghệ mới cho những dự án xây dựng nhà ở xã hội chuẩn bị được triển khai rộng khắp trên cả nước, ngày 16/7.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: Việc áp dụng công nghệ sản xuất bê tông đúc dự ứng lực để xây dựng khối nhà ở giá thấp cho công nhân tại thị trấn Xuân Mai, Hà Nội vừa qua là một mô hình cần nghiên cứu, xem xét để nhân rộng trên toàn quốc.
Ông Đặng Hoàng Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai (thuộc Vinaconex), đơn vị xây dựng công trình này cho biết: Công nghệ mới giúp chủ đầu tư tiết kiệm được nhiều chi phí, thậm chí có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng khi xây một toà nhà so với công nghệ truyền thống. Chính điều này sẽ làm giá thành của nhà ở xã hội giảm xuống, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng công trình.
Hơn nữa, việc thi công bằng công nghệ mới còn giúp giảm thời gian thi công từ 25 – 50%, đồng thời sử dụng được những vật liệu sẵn có, rẻ và nhẹ, làm cho ngôi nhà có kết cấu vững chắc không kém nhà được xây dựng bằng phương pháp truyền thống.
Bên cạnh kết cấu, chất lượng thì thiết kế cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng trong xây dựng. Đặc biệt, đối với nhà ở xã hội, nhiều người lo ngại rằng, nếu chỉ là nhà có chi phí xây dựng thấp thì điều này càng ít được quan tâm.
GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu cho biết: Thiết kế nhà ở xã hội không chỉ là việc thiết kế một căn nhà, một toà nhà chung cư mà quan trọng hơn phải là kiến tạo một môi trường sống chất lượng cho người thu nhập thấp.
“Bởi vậy, để có tác phẩm kiến trúc nhà ở chất lượng, cần có nghiên cứu tổng hợp liên tục. Trong đó, cần quan tâm đến các khía cạnh về xã hội, tâm lý, nhu cầu, đặc trưng nghề và lao động, cơ cấu và quy mô gia đình nhà ở…” – KTS Châu gợi ý.
Cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nếu…
Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia xây dựng nhà ở xã hội, tuy nhiên cho đến thời điểm này, không ít doanh nghiệp vẫn lo ngại rằng liệu họ có được quyết định giá cho sản phẩm mà mình đã làm không?
Thứ trưởng Nam khẳng định: Giá là doanh nghiệp tự đề xuất và UBND tỉnh sẽ thẩm định. Không trao quyền rà soát xem đâu là chi phí hợp lý hay bất hợp lý cho địa phương. Nói cách khác, quản lý nhà nước không được phép “hoạnh” doanh nghiệp phải loại bỏ những chi phí không được nhà nước hỗ trợ khi thực hiện dự án.
Hiện nay, do quan điểm của Bộ Xây dựng là khuyến khích mọi thành phần tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Vấn đề là nắm bắt được thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của các đối tượng chính sách.
Vì vậy, trước nhu cầu thực tế đã và đang có nhiều người dân xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp thuê. Trong số đó, không ít trường hợp người dân đã sử dụng đất ruộng, đất ao, vườn để làm nhà ở cho thuê mặc dù chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Về việc này, ông Nam khẳng định sẽ cho phép họ được chuyển mục đích sử dụng đất nhằm khuyến khích phát triển nguồn cung cho thị trường.
Một vấn đề khác, theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) thì, Chính phủ không quy định doanh nghiệp phải xây dựng theo tỷ lệ bao nhiêu % là nhà ở cho thuê, bao nhiêu cho thuê – mua hay mua. Điều này để doanh nghiệp quyết định dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương cũng như trong việc tính toán thu hồi vốn của doanh nghiệp.
Theo cách giải thích của ông Ninh, đã có ý kiến lo ngại rằng các doanh nghiệp sẽ chỉ tập trung xây dựng vào nhà ở để bán chứ không cho thuê. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng: Với tốc độ đô thị hoá nhanh, tư duy thay đổi, người ta có thể thường xuyên dịch chuyển công việc cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống thì việc thay đổi tư duy từ mua nhà sang thuê nhà là cần thiết, phù hợp với xu thế thế giới.
Lan Hương (dantri)
Bình luận (0)