Người lao động khó tiếp cận với nhà ở xã hội (NƠXH) là do giá còn quá cao so với điều kiện. Hơn nữa, doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào các dự án bởi khó thu hồi vốn, thậm chí lỗ nặng…
Một dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM. Ảnh: T.An |
45 năm mới có thể mua được NƠXH
Kết quả nghiên cứu tổ chức không gian NƠXH tại TP.HCM (do TS.KTS Ngô Lê Minh, Trường ĐH Tôn Đức Thắng làm chủ nhiệm) công bố mới đây tại Sở KH-CN TP.HCM cho thấy, giá bán NƠXH hiện nay là chưa hợp lý. Theo đó, có 21,1% số phiếu trả lời chưa phù hợp với khả năng chi trả của người lao động; 13,3% trả lời còn đắt so với khả năng thực tế; 6,7% trả lời giá đất cao nên giá nhà cao…
Giá bán NƠXH trên thực tế thấp nhất là 8 triệu đồng/m2 và cao nhất là 14 triệu đồng/m2. Với diện tích từ 60-80m2 thì phải mất từ 480-640 triệu đồng và cao nhất là 840 triệu đến 1,12 tỷ đồng. Trong khi đó, mỗi gia đình chỉ tích lũy được 25.000.000 đồng/ năm thì thời gian mua được NƠXH thấp nhất là 19-25 năm, cao nhất là 33-45 năm. Nếu người mua được ngân hàng hỗ trợ 70% thì mất từ 6-8 năm, thậm chí lên tới 14 năm.
Chỉ có 13% người mong muốn diện tích NƠXH dưới 30m2, 40% người muốn từ 30-45m2, 47% muốn từ 45 đến 60m2. Cũng theo kết quả này, có đến 73,3% ý kiến cho rằng, NƠXH hiện nay chưa phù hợp với đặc điểm văn hóa, lối sống của công nhân và cần có những thiết kế quan tâm hơn đến đặc điểm của người sử dụng. Tiêu chí NƠXH mà nghiên cứu này thu thập được là: Đảm bảo đầy đủ các mặt chất lượng, quản lý và tổ chức sử dụng; gần KCX-KCN, trường học, bệnh viện, ngân hàng, khu mua sắm; Có khu vui chơi thể thao, giải trí ngay trong khuôn viên nhà ở; Hàng xóm thân thiện; Có đội ngũ nhân viên đảm bảo an ninh trật tự…
Ông Minh thông tin, qua nghiên cứu, nhu cầu NƠXH của người dân đang rất cao nhưng thị trường chưa đáp ứng được. Nguyên nhân cơ bản được xác định là do giá thành NƠXH hiện nay vẫn còn rất cao so với khả năng chi trả của người lao động, thủ tục đăng ký mua NƠXH còn phức tạp; diện tích chưa hợp lý, thiếu cơ chế chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư…
Trong khi đó, loại hình nhà ở cho công nhân do doanh nghiệp xây dựng cũng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ. Cụ thể, khu lưu trú công nhân KCN Vĩnh Lộc với diện tích hơn 12.000m2, với 3 block chung cư 9 tầng, giải quyết trên 3.500 công nhân; Khu nhà lưu trú công nhân KCN Hiệp Phước đưa vào sử dụng từ năm 2009 với 50 phòng, cũng chỉ đáp ứng 540 chỗ…
TP.HCM có đến 96,4% số lượng chỗ ở cho công nhân tại các KCX-KCN do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng cho thuê. Theo đó, có 19.500 hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà trọ với diện tích sàn xây dựng là 1,2 triệu m2, đáp ứng 420.800 chỗ ở, tập trung tại các quận 2, 9, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè… Tuy nhiên, những vấn đề gặp phải của nhà thuê bên ngoài là thiếu không gian, ô nhiễm môi trường, tình trạng mất điện, cúp nước thường xuyên, an ninh trật tự chưa đảm bảo.
Cần có luật “yểm trợ” doanh nghiệp
TS. Nguyễn Minh Hòa (Trưởng bộ môn đô thị học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) nhận xét: Tổng hợp hiện trạng cảnh quan kiến trúc nhà ở cho công nhân tại KCX-KCN hiện nay còn hạn chế, đặc biệt là thiết kế không phù hợp với điều kiện văn hóa, lối sống của công nhân, mức độ tiện nghi chưa đáp ứng yêu cầu. NƠXH phải tạo được một tổ hợp không gian hoàn thiện, trong đó phải có nhà trẻ, chợ, siêu thị, đồn công an, ngân hàng…
Ông Nguyễn Văn Đực (Công ty Địa ốc Đất Lành) nhìn nhận: NƠXH tại TP.HCM không phát triển được là do quản lý còn yếu kém. Trước hết phải nói đến công tác quy hoạch, cụ thể các cụm KCX-KCN không có nhà ở cho công nhân. Nói đến NƠXH, TP.HCM chỉ có thách thức chứ không có cơ hội.
Để giải quyết bài toán NƠXH, ông Đực cho rằng, TP.HCM nên thành lập ban NƠXH để tập trung nghiên cứu, tham mưu cho UBND TP.HCM trong việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút tư nhân đầu tư dự án.
“Lâu nay, thành phố không có ưu tiên gì cho doanh nghiệp đầu tư NƠXH mà áp dụng chính sách như đầu tư nhà ở thương mại. Tiền thì vay ngân hàng, thời gian thu hồi vốn lâu, trả lãi ngân hàng từ 10-11%/ năm thì doanh nghiệp chỉ có lỗ chứ không lãi. Trong khi đó, ý thức công nhân thấp, nhà ở mau hỏng nhưng không có quy định chế tài nào để xử lý. Phải có luật nhà cho thuê để bảo vệ doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới dám làm NƠXH”, ông Đực nói.
Đồng thời, ông Đực cũng kiến nghị TP.HCM cần có những khu NƠXH tập trung, không manh mún, lẻ tẻ và diện tích mỗi căn chỉ từ 20-30m2.
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái cho biết, tại các nước Mỹ, Canada có luật “yểm trợ” doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho người lao động, còn Việt Nam thì chưa có. Đây là trở ngại lớn trong thu hút xã hội hóa. “Phải giải quyết tận gốc là xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên để doanh nghiệp dám bỏ tiền làm nhà ở cho công nhân là thành công lớn”, ông Thái nói.
Tuy An
Bình luận (0)