Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhà quản lý chưa ý thức về hậu quả thảm họa môi trường

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là phát biểu của nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ tại buổi tọa đàm “Chất thải công nghiệp: hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách” do Trung tâm Con người và thiên nhiên tổ chức sáng 10-5.

Nhà quản lý chưa ý thức về hậu quả thảm họa môi trường
Ông Nguyễn Xuân Sinh phát biểu tại tọa đàm – Ảnh: X.Long

Tại sao chúng ta không có hệ thống kiểm soát mà bất kỳ ai, bất kỳ một cơ quan, kể cả cảnh sát môi trường hay người dân đều có thể phát hiện ra nước thải đó thải mức độ như thế nào

Ông Nguyễn Xuân Sinh (phó cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công thương)

Dẫn chứng câu chuyện cá chết ở miền Trung, ông Võ cho rằng những vi phạm về môi trường ở VN lâu nay rất nhiều nhưng gần như các cơ quan quản lý chưa ý thức được hậu quả của thảm họa môi trường. “Việc giám sát, kiểm tra, thanh tra môi trường là lĩnh vực còn yếu.

Như chuyện của Formosa, yêu cầu kết nối hệ thống quan trắc tự động của Formosa với Sở TN-MT Hà Tĩnh bây giờ mới được nhắc đến. Liệu trước đây họ xả cái gì chúng ta có biết?” – ông Võ nói.

Cũng theo ông Võ, từ thực tế một số khu kinh tế ven biển, vẫn còn hiện tượng thiên về yếu tố phát triển kinh tế. Cụ thể, nhà máy lọc dầu, công nghiệp thép, công nghiệp nhiệt điện đều để ở ven biển, những nơi mà nguồn xả thải có thể ảnh hưởng đến môi trường biển, điều này về quy hoạch mới cân nhắc về lợi thế kinh tế chứ chưa cân nhắc đến các giải pháp môi trường.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Sinh – phó cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương), có thực tế báo cáo đánh giá tác động môi trường yêu cầu rất cao nhưng để vận hành đúng là cả một câu chuyện rất khó khăn: “Thời gian qua chúng ta đã thấy rất nhiều thông tin những nhà máy ximăng trước đây, ban ngày họ vận hành, đêm lại xả trộm. Khi kiểm tra thì vận hành rất tốt, sau kiểm tra lại đâu vào đấy”.

Từ thực tế này, ông Sinh cho rằng công cụ kiểm soát, năng lực kiểm soát phải điều chỉnh: “Qua câu chuyện nước thải của Formosa ở Hà Tĩnh, tôi có theo dõi thông tin và có suy nghĩ tại sao chúng ta không có hệ thống kiểm soát mà bất kỳ ai, bất kỳ một cơ quan, kể cả cảnh sát môi trường hay người dân đều có thể phát hiện ra nước thải đó thải mức độ như thế nào.

Có những thông số vật lý có thể nhìn thấy được như độ đục, màu, mùi, có thể yêu cầu doanh nghiệp thải ra kênh hở khoảng vài trăm mét để kiểm soát, sau đó mới cho thải ngầm ra biển”.

Khẳng định việc kiểm soát ô nhiễm còn bất cập, ông Trần Thế Loãn, nguyên phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN-MT), cho rằng bất cập chính là năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước chưa đáp ứng được nên mới có “chuyện này, chuyện kia”.

Ông Loãn dẫn chứng từ năm 2008 đã có quy định về quan trắc tự động, liên tục đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung ở những khu công nghiệp.

“Khi đó có 10% hệ thống xử lý nước thải tập trung có quan trắc tự động, đến nay mới đạt khoảng 50%… Có thực tế doanh nghiệp nào có kinh tế, làm ăn tốt thì đầu tư hoặc địa phương nào mà cơ quan môi trường tích cực ép thì doanh nghiệp đầu tư. Còn lại cứ chờ, cứ kêu, đó là do các cơ quan quản lý không kiên quyết” – ông Loãn nói.

Formosa chưa được thẩm định kế hoạch về sự cố hóa chất

Ông Nguyễn Xuân Sinh cho biết Formosa đã lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất và đã trình Bộ Công thương.

Tuy nhiên kế hoạch này chưa được thẩm định. “Bộ và Cục Hóa chất chưa thẩm định và đã trả lại kế hoạch nói trên kèm theo yêu cầu Formosa chỉnh sửa cho đúng các quy định của Bộ Công thương” – ông Sinh cho hay.

XUÂN LONG/ TTO

 

Bình luận (0)