Sự kiện giáo dụcTin tức

Nhà sản xuất, nhập khẩu phải tham gia tái chế nhằm giảm chất thải nhựa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sáng 14-9 tại TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo tập huấn thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật bảo vệ môi trường.


Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, đại diện Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia đã giới thiệu các quy định chi tiết về EPR theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết. Đồng thời, tập huấn hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đăng ký, kê khai, báo cáo trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và kê khai trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải trên cổng thông tin điện tử EPR quốc gia.

Trách nhiệm mở rộng của EPR là cách tiếp cận của chính sách môi trường, trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu được yêu cầu có trách nhiệm đối với các tác động môi trường vòng đời sản phẩm. 

Ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường – cho biết, trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu đã được quy định tại Luật bảo vệ môi trường (điều 54 – 55). Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10-1-2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (chương VI) và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10-1-2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường (điều 78-79).  

Về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì quy định đối với 6 nhóm: Săm lốp; pin và ắc quy; dầu nhớt; các sản phẩm có bao bì (như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế); điện và điện tử; phương tiện giao thông.

Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc (tùy theo từng loại sản phẩm, bao bì cụ thể). Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tự tổ chức tái chế hoặc có thể đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế.

Nhà sản xuất, nhập khẩu săm lốp; pin và ắc quy; dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1-1-2024. Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện trác nhiệm tái chế từ ngày 1-1-2025 và đối với phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1-1-2027.


Đại biểu nhờ Bộ Tài nguyên và Môi trường giải đáp thắc mắc về các quy định

Về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải đối với 6 nhóm sản phẩm, bao bì gồm: thuốc bảo vệ thực vật; pin sử dụng một lần; tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su; thuốc lá; một số sản phẩm, hàng hóa chứa thành phần nhựa tổng hợp (như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giày dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nilong khó phân hủy kích thước nhỏ…). Nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1-1-2022.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định định mức chi phí tái chế đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì; chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu. Dự thảo dự kiến ban hành vào cuối năm nay.

Tại hội thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc cho các đại biểu đến từ các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, các đơn vị tái chế, xử lý chất thải tại khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận khu vực phía Nam.

Qua hội thảo lần này, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các nhà sản xuất, nhập khẩu hiểu và nắm bắt rõ hơn về các quy định pháp luật, thực hiện đúng trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải.

Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)