Nhằm mang lại hiệu quả cao trong lĩnh vực gia công chính xác, Đoàn Lê Công Khang (cựu HS Trường THPT Phan Châu Trinh – Quảng Nam, hiện là SV năm 1 Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) đã sáng chế ra “Máy khắc laser tích hợp chức năng vẽ sử dụng công nghệ CNC”. Sản phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia ở lĩnh vực kỹ thuật.
Đoàn Lê Công Khang bên sản phẩm máy laser công nghệ CNC |
Khang cho biết, công nghệ khắc laser tích hợp chức năng vẽ sử dụng công nghệ CNC (CNC là hệ thống máy tiện cơ khí điều khiển bằng máy tính) còn khá mới mẻ ở nước ta. “Ý tưởng xuất hiện khi em lang thang đến các cơ sở sản xuất, gia công những mặt hàng liên quan đến cắt, khắc, vẽ, khoan… Em thấy phần lớn các cơ sở đều có quy mô nhỏ, lao động ít, thiết bị đơn giản nên hiệu quả mang lại không cao, sản phẩm không đẹp. Trong khi đó, các mặt hàng lưu niệm được sản xuất thủ công từ cơ sở nhỏ lẻ đó đưa đến giới thiệu ở các điểm du lịch đều có mẫu mã không đẹp, không đa dạng nên khó cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. Chính vì thế em đã nghĩ ra ý tưởng sáng chế “Máy khắc laser tích hợp chức năng vẽ sử dụng công nghệ CNC” để giúp người thợ thủ công có đủ máy móc làm ra sản phẩm chất lượng hơn”, Khang cho hay.
Sau nhiều tháng miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm, Khang đã cho ra đời máy khắc laser công nghệ CNC hiện đại và tiện lợi. Kết cấu gồm khung máy bằng sắt ống vuông, các mối ghép chính của khung máy là mối ghép hàn và bulông – đai ốc. Khang dùng mắt đọc đĩa DVD từ ổ đĩa máy tính, đầu đĩa để làm laser cùng với động cơ bước 1 pha chạy bằng xung điện, loại chuyên dụng trong máy photo, máy in… Máy này được kết nối với máy tính và máy in. Nguyên lí hoạt động là khi muốn in hoặc khắc hay vẽ một sản phẩm nào đó thì hình ảnh ban đầu được đưa vào phần mềm Art//Cam xử lí và xuất mã Gcode trên máy tính. Mã Gcode được load vào phần mềm điều khiển Mach3 có sẵn trong máy tính. Phần mềm chạy tín hiệu sẽ xuất ra cổng máy in (LPT) thông qua cáp tín hiệu. Tín hiệu sau đó được đưa vào mạch điều khiển động cơ và mạch driver của laser sẽ đưa ra sản phẩm có độ chính xác gần như tuyệt đối.
Khang cho biết máy có giá thành rẻ, được thiết kế tự động hoàn toàn nên người dùng dễ dàng sử dụng, chỉ cần vài thao tác trên máy tính. Ưu điểm là dùng được với nhiều mục đích như cắt, khắc laser trên bề mặt giấy, bìa cứng hoặc gỗ (gia công được nhiều hình dạng phức tạp, khắc được hình ảnh lên bìa hoặc gỗ; vẽ, viết lên vải, giấy, gỗ). Một chiếc máy có thể thay thế được 3 nhân công lao động. Ngoài chức năng khắc laser, máy còn được tích hợp thêm trục có thể vẽ các bản vẽ kỹ thuật, đánh dấu và có cả chức năng khoan. “Qua thử nghiệm ở một vài cơ sở sản xuất những mặt hàng liên quan cho thấy máy thực hiện tốt, chính xác gần như tuyệt đối, có thể sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau, dễ sử dụng, gọn nhẹ, nhiều chức năng”, Khang nói thêm.
Không chỉ thành công ở máy cắt laser công nghệ CNC, trước đó Khang còn được biết đến là cậu học trò có nhiều sáng chế đáng nể. Năm lớp 8, em tham dự cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên với đề tài Robot vận chuyển hàng kết hợp cứu hỏa. Năm lớp 9, em cho ra đời robot phá bom điện tử và khóa chống trộm mật mã thông minh. Năm lớp 10, em làm robot quân sự. Năm lớp 11 em lại cho ra đời sản phẩm xe điện thông minh và lớp 12 là máy khắc laser công nghệ CNC. Kết quả, em đạt 1 giải đặc biệt, 1 giải nhất và 3 giải nhì cấp tỉnh; 1 giải nhất cấp quốc gia.
Khang cho biết: “Em đam mê sáng tạo từ nhỏ, năm lớp 6 đã tạo ra những đồ chơi cho riêng mình. Có một động lực nữa giúp em say mê sáng tạo là những năm học THPT, thầy Phạm Hữu Thức (Hiệu trưởng nhà trường) luôn quan tâm động viên, khuyến khích và tạo điều kiện tối đa để em thể hiện niềm đam mê sáng tạo của mình. Bên cạnh đó, thầy Nguyễn Tấn Thắng dạy tin học cũng tận tình hướng dẫn thêm”. Nói về ước mơ của mình, Khang cho hay: “Em đang nỗ lực hết sức, vượt qua chính mình để chinh phục đam mê mà em nuôi dưỡng từ nhỏ”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)