Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhà thơ bán thơ – chuyện vốn phải bình thường

Tạp Chí Giáo Dục

“Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam mở chiến dịch rao bán thơ”, “Chủ tịch Hội Nhà văn lần đầu quyết định bán thơ”… là thông tin được chính Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đưa công khai trên trang cá nhân Facebook, khiến cộng đồng những người yêu nghệ thuật xôn xao.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều. Nguồn: VOV

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều. Nguồn: VOV

Trần tình về quyết định mở cái gọi là “chiến dịch đặc biệt” bán thơ của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thẳng thắn giãi bày: “Tôi in thơ hầu như chưa bao giờ bán mà chỉ tặng. Bây giờ nghĩ lại có chút ân hận, vì có người không đọc mà mình cứ tặng… Vì thế, bán thơ là một cách chống lại sự làm phiền của mình với người khác. Họ quan tâm thì họ mới mua… Chứ tặng mà họ vứt vào góc nhà thì tội nghiệp. Khi nghe tôi chuẩn bị mở “chiến dịch” bán thơ, một ông bạn khuyên: “Thời nay, ai còn nghĩ đến thơ ca hò vè mà ông bán. Khổ thân”. Nhưng tôi đã quyết, dù thất bại ê chề vẫn làm…”.

Thực tế, đã có một thời gian dài nhiều nhà sách từ chối phát hành thơ, nhiều đơn vị xuất bản coi việc in tập thơ chỉ là thỏa đam mê. Khi ấy, tác giả thơ thường phải tự bỏ tiền công in ấn và tự mua lại toàn bộ số thơ của mình in ra để “biếu” bạn bè, người thân. Cũng bởi vậy, trong giới sáng tác đã lưu truyền câu giễu rằng “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ… ”.

Cũng chính bởi vậy, việc ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam quyết định sẽ rao bán thơ, quyết định thay đổi thói quen cho tặng thơ bao năm bằng hành động quyết liệt là bán thơ, cho thấy một sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động với mong muốn đưa thơ đến với người cần, người mong muốn đọc thơ. Đó cũng là một “phép thử” đối với người làm thơ xem những sáng tạo ngôn từ, cảm xúc của người sáng tác thời điểm này còn chạm được vào trái tim của bạn đọc không, có khiến họ đưa ra quyết định tự bỏ tiền ra mua ấn phẩm thơ, thay vì chờ đợi biếu, tặng…

Thực ra, việc nhà thơ tự đi bán thơ của mình cũng không phải là quá lạ. Từ nhiều năm trước, các nhà thơ trẻ cũng đã miệt mài làm thơ, in thơ và tự mình bán. Trong đó có thể kể đến như Nguyễn Phong Việt với kỷ lục bán được cả trăm ngàn tập thơ; như Nồng Nàn Phố, Hồ Huy Sơn… cũng miệt mài bán thơ. Song cái thông báo quyết định bán thơ của người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam, của người người đã nhiều năm thuận theo “guồng” làm thơ để tặng…, là dấu hiệu tích cực với những người cầm bút theo nghiệp văn thơ. Vẫn biết tiền không phải là thước đo sáng tạo văn chương, nhưng đó lại là “bộ lọc” để đưa tác phẩm đến với những người yêu và cảm nhận được nó.
Theo Mai An/SGGPO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)