Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Nhà thờ Con Gà – Ước mơ 30 năm “đứt gánh” giữa đường của triệu phú “lập dị”

Tạp Chí Giáo Dục

Nằm sâu trong rừng già nơi ít người qua lại là một công trình rất kỳ lạ với hình dáng giống một con gà khổng lồ. Nhưng nơi này chưa kịp hoàn thành đã bị bỏ hoang.
Dự án đầy tham vọng hình thành từ giấc mơ kỳ lạ
Nằm sâu trong rừng già trên đồi Magelang ở tỉnh miền trung Java, Indonesia, là một công trình bằng đá hình con gà khổng lồ. Người dân địa phương gọi nơi này là Gereja Ayam, hay "Nhà thờ Con Gà".
Ý tưởng tạo ra công trình là của vị triệu phú người Indonesia, ông Daniel Alamsjah. Một đêm nọ, người đàn ông 67 tuổi mơ thấy việc được yêu cầu xây dựng nhà thờ trên ngọn đồi lớn. Đó là một nhà thờ đặc biệt, chưa từng ai thấy trước kia.
Công trình nằm giữa rừng già ở đảo Java, Indonesia
Giấc mơ được lặp lại cho tới năm 1988 khi ông tới Candi Borobudur – ngôi chùa Phật giáo hình thành vào thế kỷ thứ 9 ở Magelang, Indonesia. Tại đây, ông được đưa tới một ngôi làng nhỏ và rất sửng sốt khi thấy ngọn đồi như trong giấc mơ của mình.
Trong vòng nửa năm, người dân địa phương đồng ý bán cho ông 3.000m2 trên đồi. Trong quá trình khảo sát, ông nhận thấy ngọn đồi Magelang là nơi có ánh sáng chiếu vào vị trí đặc biệt nhất nên quyết định trả hết số tiền mua đất và bắt tay xây dựng dự án trong mơ từ năm 1992.
Ý tưởng ban đầu của công trình hình chim bồ câu, biểu tượng của hòa bình, nhưng sau lại đổi thành con gà
Ban đầu, ông Daniel thường xuyên di chuyển từ Jakarta tới Magelang – nơi cách nhà khoảng 400 km để giám sát công trình. "Cứ mỗi tối thứ 6 sau giờ làm việc, ông lại tới Magelang bằng tàu hỏa. Việc này diễn ra suốt nhiều năm liền", anh Wenas, con trai ông Daniel, chia sẻ. Sau cùng, ông và gia đình quyết định chuyển hẳn tới đây sinh sống để thuận tiện việc xây dựng.
Ước mơ còn dang dở
Theo kế hoạch ban đầu, ông Daniel muốn xây dựng công trình tôn giáo với hình ảnh chim bồ câu, một biểu tượng của hòa bình. Đây là một dự án đầy tham vọng, gồm 7 tầng với mỗi tầng theo một chủ đề khác nhau, chẳng hạn như hành trình tâm linh, ý nghĩa của lời cầu nguyện, sự hoàn hảo của Chúa hay trí tuệ địa phương. Mỗi chủ đề được thể hiện thông qua các tác phẩm nghệ thuật khác nhau.
Cảnh quan bên trong một trong số các nhà nguyện
Mục đích ban đầu của vị triệu phú này mong muốn thúc đẩy sự đa dạng tôn giáo và lòng khoan dung ở Indonesia. Công trình được thiết kế 15 phòng cầu nguyện phục vụ cho hầu hết các tôn giáo chính thức tại "xứ sở vạn đảo", gồm cả nơi dành cho người theo đạo Thiên chúa, phòng khác dành cho tín đồ theo đạo Hồi.
Cũng theo ý tưởng ban đầu, bên cạnh việc thờ cúng, chào đón tín đồ theo đạo tới hành hương, ông Daniel muốn thiết kế thêm không gian làm trung tâm cai nghiện ma túy, có chỗ ở cho trẻ em khuyết tật và người gặp vấn đề tâm thần cần phục hồi sức khỏe.
Rất nhiều hạng mục bên trong công trình còn đang dang dở 
Thế nhưng, ước nguyện của vị triệu phú này bị đứt gánh giữa đường. Sau khi xây dựng một thời gian, không chỉ ý tưởng công trình bị thay đổi, tới năm 2000, do chi phí tăng cao, có những nhà nguyện phải đóng cửa. Tầng 2 và tầng 3 của công trình chưa xây xong. Một nửa trong số 12 gian nhà nguyện dưới lòng đất mới chỉ được đào lỗ. Cuối cùng, vì vấn đề tài chính và một vài lý do khác, nơi này phải ngừng xây dựng và bỏ hoang cho tới ngày nay.
Địa điểm này hiện đã bị bỏ hoang
Ở thời điểm hiện tại, công trình bị xuống cấp, đổ nát và rong rêu phủ kín. Nằm giữa rừng già tĩnh mịch nhưng nhà thờ Con Gà lại trở thành điểm hút khách du lịch và những tín đồ hành hương. Những khu vực lân cận cũng được hưởng lợi phát triển du lịch. Giờ đây, nơi này lại trở thành một trong những điểm đến rùng rợn hút khách ở "xứ sở vạn đảo".
Bên ngoài nhà thờ, cỏ dại và cây cối phủ kín trong khi công trình đang bị xuống cấp theo thời gian
Kể từ đó, nhà thờ Con Gà thành địa điểm nổi tiếng với khách địa phương, thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội Instagram với hashtag #chickenchurch. 
NN (theo dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)