Y tế - Văn hóaThư giãn

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Trả vương miện không phải là hiện tượng hiếm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Chỉ trong một thời gian ngắn, dư luận không ngừng nổi sóng bởi những vụ việc lùm xùm xung quanh các người đẹp mang vương miện hoa hậu. Từ vụ nói dối về việc kết hôn của hoa hậu Diễm Hương tới những tranh cãi không ngừng quanh thông tin xin từ bỏ danh hiệu Hoa hậu các dân tộc Việt Nam của người đẹp Triệu Thị Hà… Nhà thơ Dương Kỳ Anh, người gắn bó với rất nhiều cuộc thi hoa hậu Việt Nam, đã có buổi trao đổi với báo giới về những vướng mắc quanh các cuộc thi sắc đẹp.
– Phóng viên: Khi mà các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp ngày càng nhiều thì hình như các cơ quan quản lý cũng càng tỏ ra lúng túng khi đối mặt với các sự cố?
>> Nhà thơ DƯƠNG KỲ ANH: Quy chế tổ chức thi sắc đẹp hiện nay chặt chẽ hơn nhiều so với quy chế năm 1989 do Báo Tiền Phong lập ra, song theo tôi, quy chế này có điểm quá chặt chẽ, trong khi đó nhiều điểm lại khó trong định lượng. Ví dụ như tại sao lại quy định chặt chẽ việc 1 năm chỉ có 1 hoặc 2 cuộc thi hoa hậu?
Cơ quan quản lý không nên quy định cứng nhắc như vậy mà tùy vào thời điểm, hoàn cảnh mà quyết định nên có bao nhiêu cuộc thi sắc đẹp trong năm ấy. Nếu thời điểm thuận lợi, mọi điều kiện đều sẵn sàng thì hà cớ gì mà không cho phép tổ chức 2 hay 3 cuộc thi hoa hậu một năm. Thêm nữa, thay vì hạn chế cấp giấy phép cho các cơ quan tổ chức hoa hậu thì nên siết chặt các tiêu chí như chỉ cấp cho đơn vị có tiền, có kinh nghiệm tổ chức và phải là một cơ quan văn hóa.
– Vừa qua, báo chí tốn khá nhiều giấy mực, còn cơ quan quản lý lại vô cùng lúng túng về việc hoa hậu làm đơn xin trả vương miện. Theo ông nên ứng xử với việc này như thế nào?
Trả vương miện không phải là hiện tượng hiếm trong các cuộc thi sắc đẹp thế giới nên theo tôi ứng xử với việc này cũng không quá khó khăn, không cần viện dẫn tới cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều người cho rằng hoa hậu hết nhiệm kỳ thì đương nhiên không còn vương miện nữa nhưng danh hiệu thì lại theo họ cả đời vì thế hoàn toàn có thể xảy ra việc tước danh hiệu.
Tùy theo quy định của các nước mà việc tước vương miện, tước danh hiệu, hay trả vương miện được giao cho bộ phận nào, tuy nhiên, hợp lý hơn cả là ban tổ chức nào trao vương miện, danh hiệu thì nơi đó sẽ có toàn quyền với các quyết định đó. Ngay cả việc xin trả lại danh hiệu cũng tương tự. Nếu ban tổ chức thấy lý do đưa ra là hợp tình, hợp lý, có thể giải quyết cho thỏa đáng.
– Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn tới việc xin trả lại vương miện vừa qua cũng một phần do hợp đồng của ban tổ chức ràng buộc quá nặng nề đối với các người đẹp?
Với các cuộc thi sắc đẹp khác thì tôi không tìm hiểu rõ lắm nhưng trong các cuộc thi hoa hậu tôi từng tham gia trong ban tổ chức thì hợp đồng ký kết với các người đẹp phải dựa trên sự tôn trọng pháp luật Việt Nam. Trong đó không có chuyện cấm đoán được hay không được tham gia đóng quảng cáo, đóng phim hay tham gia hoạt động nọ kia nhưng hợp đồng cũng có điều khoản rằng buộc cụ thể.
Như nghĩa vụ phải tham gia các hoạt động từ thiện, hay khi tham gia các hoạt động xã hội với danh nghĩa hoa hậu thì phải trao đổi với ban tổ chức… Tôi nghĩ đây cũng là điều khoản hợp lý vì phần lớn các em còn quá trẻ, không có nhiều kinh nghiệm nên việc trao đổi với ban tổ chức sẽ định hướng, giúp các em có các quyết định đúng.
– Mối quan hệ giữa các nhà tài trợ với ban tổ chức cùng các thí sinh được cho là khá tế nhị. Song gần đây, có một số thông tin rò rỉ từ các cuộc thi cho rằng các thí sinh đã bị “lợi dụng” để tiếp khách, nhằm mục đích tư lợi cho một số cá nhân. Trong suốt nhiều năm tham gia tổ chức thi hoa hậu, đã bao giờ ông gặp phải những tình huống khó xử, gây hiểu nhầm?
Chúng tôi gặp nhiều tình huống khó xử nhưng để gây hiểu nhầm thì chưa. Có trường hợp đơn vị tài trợ cho mình, rồi họ mời hoa hậu, á hậu đi để dự tiệc, uống rượu… Quan điểm của chúng tôi là tham dự tiệc, góp vui, uống rượu cùng nhau thì được nhưng nếu chụp hình đưa lên báo, nhằm quảng cáo thì không được, vì quảng cáo rượu là vi phạm pháp luật.
Tiền đối với các cuộc thi hoa hậu là rất quan trọng song uy tín của cuộc thi, của ban tổ chức còn quan trọng hơn. Vì thế, khi ký hợp đồng với các nhà quảng cáo chúng tôi luôn cân nhắc tới các điều khoản để không bị rơi vào những trường hợp khó xử.
– Việc đặt câu hỏi ứng xử luôn là một phần quan trọng trong các cuộc thi sắc đẹp. Thực tế, trong phần thi này, nhiều câu hỏi được xử lý chưa tốt sẽ biến các các người đẹp thành ngô nghê và ngược lại. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Ở thế giới cũng như Việt Nam, câu hỏi với các người đẹp luôn là câu hỏi mở và không mang tính đánh đố. Những câu hỏi đưa ra không mang nặng kiểm tra kiến thức mà chỉ nhằm xem cách ứng xử của người đó có sắc sảo, thông minh hay không. Những câu hỏi mang tính đánh đố sẽ làm khổ cho các thí sinh và làm khổ cả ban tổ chức, gây phản cảm.
Theo SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)