Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhà thơ Kiên Giang: Hoa trắng thôi cài trên áo tím…

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà thơ Kiên Giang (ảnh chụp năm 2012)
Nhà thơ Kiên Giang (Hà Huy Hà), tác giả bài thơ nổi tiếng Hoa trắng thôi cài trên áo tím (nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc) đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng 31-10.
Ông còn được biết đến là soạn giả tên tuổi với nhiều vở cải lương nổi tiếng như: Người đẹp bán tơ, Ngưu Lang Chức Nữ, Lưu Bình Dương Lễ, Áo cưới trước cổng chùa… Ông cũng là người góp phần đưa tên tuổi đôi bạn tri kỷ Hà Triều (tức Đặng Ngươn Chút) – Hoa Phượng (Lương Kế Nghiệp) đến với công chúng.
Bài thơ và mối tình đầu
Năm 27 tuổi, ông lên Sài Gòn sửa bài cho Báo Tiếng Chuông và tham gia viết bài lên án ngoại lai được ông thể hiện bằng ngòi bút sắc bén, lấy tên là Hà Huy Hà (cái tên có từ thời gian ở chiến khu). Ông cũng là cây bút địch vận nổi tiếng trên nhiều tờ báo trước đó. Từ đó về sau, ông mạnh dạn lấy bút danh là Hà Huy Hà, viết nhiều bài phê phán nặng ký đăng trên Báo Tia Sáng.
Những năm 50-60, dù không có “lò” cổ nhạc nhưng Kiên Giang nhiệt tình tuyển chọn những người trẻ có năng khiếu, mê đờn ca để đào tạo và gửi đi thi Khôi nguyên vọng cổ. Người đạt giải nhất Khôi nguyên vọng cổ năm 1964 là Minh Dưng, tức NSƯT Minh Vương ngày nay. Và những gương mặt tên tuổi trưởng thành từ cuộc thi này như Diệp Lang, cố nghệ  sĩ Thanh Nga, Bạch Tuyết…
Năm học đệ nhị (lớp 11 bây giờ) tại Trường tư thục Nam Hưng, ông được trường giao thực hiện tờ báo Ngày Xanh của trường. Nhờ năng khiếu vẽ, ông đảm nhận việc vẽ minh họa. Người cùng thực hiện lúc đó là cô bạn học Nguyễn Thị Nhiều. Nhiều viết chữ đẹp nên được chọn viết những bài báo. Vào mỗi cuối tuần, Kiên Giang và cô Nhiều lại gặp nhau dưới tán cây sân trường để cùng làm. Nhiều đẹp và duyên dáng với mái tóc xõa ngang vai. Ông để ý Nhiều nhưng không dám nói một câu, kể cả trong những câu thơ viết vội tặng Nhiều để “thay lời muốn nói” nhưng cũng chỉ lấp lửng, nửa chừng. Năm 1945, cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, việc học bị gián đoạn. Ông tham gia kháng chiến. Hành trang ông mang theo vào Khu 8 là hình bóng Nhiều, kỷ niệm và cả những lời chưa kịp gửi trao. Từ đó họ bặt tin nhau.
Nhiều vẫn âm thầm chờ tin ông. Kháng chiến chống Pháp kết thúc, Nhiều quyết gặp ông lần cuối rồi mới đi lấy chồng nhưng vô vọng. Năm 1977, ông và bà có dịp gặp nhau sau hơn 30 năm xa cách. Cả hai dù phải cố kiềm chế cảm xúc nhưng kỷ niệm thuở thơ thơ thẩn thẩn bên giáo đường, những cái liếc nhìn e thẹn… cứ ùa về khi mái tóc đã nhuốm màu thời gian.
Bài thơ Hoa trắng thôi cài lên áo tím được Kiên Giang viết vào năm 1958 tại Bến Tre. Nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành bài hát cùng tên đã chiếm tình cảm của người yêu nhạc lẫn thơ. Những năm sau đó, hay tin bà Nhiều đau nặng ông thường về thăm. Bà qua đời năm 1998 vì bệnh tật. Lúc này mới thật sự: Ba năm sau, chiếc xe hoa cũ/ Chở áo tím về giữa áo quan/ Chuông đạo ngân vang hồi tiễn biệt/ Khi anh ngồi kết vòng hoa tang”.
Lấy tên nhân vậtđặt tên con
Nhà thơ Kiên Giang có một người vợ tên Dương Thị Bạch Tuyết, thường gọi là Cẩm Vân. Ông bà có với nhau một đứa con gái, nay cũng gần 30 tuổi. Hiện bà Tuyết sống ở Q.8, TP.HCM với tuổi già bệnh tật. Ngoài hai người vợ có hôn thú hẳn hoi là Nguyễn Thị Ngọc Sương và Dương Thị Bạch Tuyết, nhà thơ Kiên Giang còn có người vợ khác tên Mai Thị Thoa. Tuy nhiên cuộc tình giữa hai người cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Bà Thoa là thợ may, nổi tiếng may đẹp, đặc biệt là áo bà ba ở khu Cầu Muối.
Ông từng chia sẻ: Lên Sài Gòn, bà đã tích cóp mua cho tôi một cái bàn để tôi viết lách. Chiếc bàn này với tôi là kỷ vật. Dù phải liên tục thay đổi chỗ ở, tôi vẫn mang theo suốt hơn 60 năm. Những năm khó khăn, tôi bán căn nhà ở đường Trần Bình Trọng, Q.5 để về quê. Đêm tôi chèo xuồng đi dạy học. Còn bà nằm giữa đồng để trông coi đàn vịt”. Đó là những dòng ông nói về bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, người vợ đầu của ông. Ông và bà Sương có với nhau 4 người con: Trương Thị Ngọc Thùy, Trương Huy Ngọc (là bác sĩ, mắc bệnh tâm thần), Trương Hà Châu. Trước Hà Châu, ông còn có một người con nữa là Nguyễn Ngân Hà. Sở dĩ Ngân Hà mang họ mẹ là vì tháng ngày loạn lạc, ông phải trốn cảnh bắt bớ. Ngân Hà còn được ông đặt cho cái tên khác là Phà Ca. Lúc bấy giờ, cố soạn giả cải lương Quy Sắc (tức Nguyễn Phú Quý) có viết kịch bản cải lương Đời sơn nữ. Kịch bản này được Kiên Giang xem và sửa lại theo yêu cầu của Quy Sắc và đổi tên thành Người vợ không bao giờ cưới, hay còn gọi là Sơn nữ Phà Ca. Kịch bản viết xong ký tên là Phúc Nguyên – Kiên Giang (Phúc Nguyên là tên con gái đầu của Quy Sắc). Con trai đầu của Quy Sắc là Mộng Long nên Kiên Giang đặt tên con gái Ngân Hà là Phà Ca. (Mộng Long và Phà Ca là hai nhân vật trong Người vợ không bao giờ cưới). Soạn giả Kiên Giang và Quy Sắc còn hứa gả con cho nhau.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Hôm nay (3-11), bạn bè văn nghệ sĩ, học trò, người mến mộ đưa tiễn nhà thơ, soạn giả tài hoa Kiên Giang về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhà thơ Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sinh 1926 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, Rạch Giá, Kiên Giang. Sau mấy mươi năm lang bạt kỳ hồ, ông trở về sống với người con gái đầu tại An Giang – quê ngoại ông – khoảng năm nay. Sau cơn đột quỵ, cấp cứu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, mặc dù được bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng vì bệnh nặng ông đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng 31-10, hưởng thọ 88 tuổi. Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương (Chánh Phú Hòa, Bến Cát, Bình Dương) là nơi an nghỉ cuối cùng theo di nguyện. 
 

Bình luận (0)