Y tế - Văn hóaThư giãn

Nhà thơ Tế Hanh qua đời

Tạp Chí Giáo Dục

 

12h ngày 16/7, nhà thơ Tế Hanh trút hơi thở cuối cùng để về với "sông nước của quê hương", sau hơn 10 năm nằm liệt giường vì căn bệnh xuất huyết não. Ông hưởng thọ 89 tuổi.
Nhà thơ Tế Hanh. Ảnh tư liệu.
Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, sinh ngày 20/6/1921 trong một gia đình nhà Nho nghèo ở thôn Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông học ở trường làng, trường huyện. Đến tuổi 15, nhà thơ tương lai ra Huế học trung học. Chính nơi đây, ông bắt đầu gặp gỡ, giao lưu với các tác giả của phong trào Thơ Mới và dần dà trở thành một trong những cây bút từng làm nên một thời đại hoàng kim cho thi ca Việt Nam.
Được biết đến với bài thơ đầu tiên Những ngày nghỉ học từ năm 17 tuổi (1938), Tế Hanh ghi dấu ấn trên thi đàn bằng những cảm xúc trong sáng, vẩn vơ, buồn buồn của tuổi học trò. Những sáng tác đầu tay của ông sau đó được tập hợp trong tập Hoa niên – tập thơ được Tự lực văn đoàn khen tặng (dưới tên Nghẹn ngào).
Thời kỳ Cách mạng tháng Tám, Tế Hanh tham gia cách mạng ở Huế. Hòa bình lập lại, ông tập kết ra Bắc, làm việc ở Hội Văn nghệ, sau đó là Hội Nhà văn Việt Nam.
Những năm cuối đời, nhà thơ ốm nặng. Ảnh: ANTG.
Sau 1954, vượt qua những thành công đầu tiên của mình, Tế Hanh khẳng định sức bền của ngòi bút qua một loạt tập thơ như Lòng miền Nam (1956), Gửi miền Bắc (1958), Tiếng sóng (1960), Hai nửa yêu thương (1963), Con đường và dòng sông (1980), Em chờ anh (1994)… Chủ đề quen thuộc thời kỳ này của ông là tình cảm với miền Nam quê hương, ý chí đấu tranh, khát vọng thống nhất Tổ quốc. Tác giả có những vần thơ thiết tha về quê hương đã đi vào lòng người với những sáng tác tiêu biểu như Quê hương, Nhớ con sông quê hương, Mặt quê hương... Với những đóng góp nổi bật đó, ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996.
Vào những năm 80, Tế Hanh bị đau mắt, rồi ông mù dần. Hơn 10 năm trước, nhà thơ ngã bệnh nặng và nằm liệt giường, lúc mê lúc tỉnh. Những lúc tỉnh táo, ông vẫn nghe thơ, đón bạn bè đến thăm. Nhưng mấy năm gần đây, nhà thơ gần như sống thực vật.
Nhà văn Đào Thắng, chánh văn phòng Hội Nhà văn cho biết, hiện tại, Hội Nhà văn đang bàn bạc với gia đình nhà thơ để tổ chức chu đáo cho ông về nơi yên nghỉ cuối cùng.
Hà Linh (VnExpress)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)