Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhà thơ Triệu Từ Truyền với cuộc dấn thân văn chương nhiều va đập…

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Sinh ngày 9-4-1947, ngay từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, nhà thơ Triệu Từ Truyền (ảnh) đã xuất hiện trên văn đàn miền Nam với những vần thơ giàu chất suy tưởng, triết lý và cháy bỏng khát khao về một thế giới an bình. Thơ anh có được tố chất ấy, bởi anh dấn thân trong cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Anh không chỉ làm thơ, viết văn mà còn là một chiến sĩ xả thân sẵn sàng hy sinh xương máu cho hòa bình thống nhất đất nước. Sau 30-4-1975 đến 1983 nhà thơ Triệu Từ Truyền tham gia công tác chính quyền tại UBND quận 4 TP.HCM và từng giữ chức Phó chủ tịch phụ trách văn xã, khi mới ngoài 30 tuổi, là một cán bộ cấp quận trẻ nhất lúc bấy giờ.
PV: Qua tóm lược lý lịch trích ngang, tôi thấy cuộc đời anh quả là có quá nhiều sự va đập giữa hiện hữu, chứ không phải sự “Va đập hư không”. Có thể thấy rất rõ rằng, thực tế cuộc dấn thân tranh đấu vì hòa bình, trong phong trào học sinh, sinh viên miền Nam có dấu ấn rất đậm trong thơ anh. Được biết anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà giáo, anh đã đến với cách mạng trong hoàn cảnh nào?               
Nhà thơ Triệu Từ Truyền: Tôi được sinh ra ở vùng đất phù sa châu thổ, không bóng dáng núi đồi cao nguyên và sóng nước mặn mòi của biển cả. “Với đồng bằng với dòng sông/ Mẹ sinh anh với mênh mông nỗi buồn” (Nói với em). Sa Đéc quê tôi thời ấy là trung tâm của một tỉnh lớn trong lục tỉnh Nam kỳ. Trong năm 1946, má tôi là một cô giáo dạy trường nữ duy nhất ở đó (trường mà hồi đầu thế kỷ 20, hiệu trưởng là mẹ của nữ văn sĩ Magertte Dura tác giả tiểu thuyết Người tình đã được dựng thành phim rất nổi tiếng). Ba tôi bị thực dân Pháp bắt nhiều tháng trước đó, mãi 6 tháng sau tôi chào đời ông mới biết mặt con vào cuối năm 1947. Ông vốn là thầy giáo từ năm 1929 ở Cần Thơ, hoạt động cách mạng và tham gia khởi nghĩa. Nhờ một nghị sĩ cánh tả của Pháp sang Đông Dương can thiệp nên ba tôi không bị xử bắn và được ra tù, rồi vào vùng giải phóng. Năm tôi lên 2 tuổi, má tôi bế con thoát ly theo kháng chiến cùng với ba tôi vì bà bị mật thám theo dõi. Như vậy, từ thời điểm này tôi được đặt vào quỹ đạo cách mạng, theo cùng lý tưởng với đấng sinh thành. Dĩ nhiên đến năm 1960, tôi chính thức tham gia vào tổ chức cách mạng thuộc địa bàn Q4 Sài Gòn. Khi ấy tôi tròn 13 tuổi nên chỉ được chuyển thư liên lạc trong cấp ủy và thỉnh thoảng đi rải truyền đơn, treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng… Những năm tháng này, ba tôi trong cấp ủy lãnh đạo phong trào công nhân Cảng Sài Gòn (ông được phân công ở lại không tập kết ra Bắc). Tuy nhiên, phải đến năm 16 tuổi tôi mới trở thành nòng cốt trong phong trào học sinh TP, mới thật sự hoạt động cách mạng mộc cách chủ động. Tiếp tục hành động theo lý tưởng của mình suốt những năm 1963 đến 1969, tôi đã bị bắt và bị xử 4 năm tù vì tội danh phá rối trị an. Lúc đó tôi là Tổng thư ký Tổng đoàn Học sinh (1964-1965), hơn nữa lúc ở Khám Chí Hòa tôi chống chào cờ chế độ cũ và không chịu hô đả đảo cách mạng nên bị đày ra chuồng cọp ở Côn Đảo. Tháng 4-1969 tôi được trả tự do và tiếp tục tham gia cách mạng, Thành đoàn Sài Gòn – Gia Định phân công tôi là ủy viên thường vụ Đoàn ủy Học sinh kiêm Trưởng ban tuyên huấn, phụ trách tổ chức công khai: Tổng đoàn Học sinh thời kỳ này (do Lê Văn Nuôi làm Chủ tịch, Nguyễn Văn Vĩnh làm Tổng thư ký); cao trào văn nghệ, báo chí công khai, bán công khai của phong trào học sinh, sinh viên. Đến năm 1971, tôi lại bị bắt đày ra Côn Đảo lần thứ 2, mãi tới 1974 mới được trao trả về vùng giải phóng (Lộc Ninh); tiếp tục làm việc trong một cơ quan lãnh đạo Sài Gòn – Gia Định do ông Trần Ngọc Ban (Mười Hương) phụ trách. Với tôi dùng từ tham gia cách mạng là chưa chính xác, vì trong hoàn cảnh lịch sử ấy đương nhiên tôi thuộc về lực lượng cách mạng như đã kể trên.
“Tôi đi từ thuở trong nôi/ Tôi đi từ thuở giống nòi khai sinh/ Tôi đi suốt cuộc hành trình/ Chống xâm lược giữ quê mình như cha”. Đó là một phần trong số rất nhiều những câu thơ hào sảng, thấm đậm tinh thần tranh đấu của anh. Anh sáng tác văn học trước hay sau khi đến với cách mạng và vấn đề gì là cảm hứng chủ đạo, đặc trưng trong sáng tác của anh?
Nếu nói theo cách của Lương Định, ví mình như hòn đá lẻ thì tôi là một phân tử phù sa, một viên phù sa. Viên phù sa này có cấu trúc từ hạt bụi vũ trụ, từ cát bùn nham thạch, và không thể thiếu xương thịt mục rã của tiền nhân. Sự kết dính và lớn lên của viên phù sa này là do dòng năng lượng tâm linh, đó là nguyên khởi tạo ra đam mê thơ và nhiệt tình cách mạng cùng lúc trong tôi. “Em đứng đây và tôi sẽ xa/ Con tàu chầu chực đợi chiều tà/ Đày tôi di giữa miền hoang lạ/ Không có em và hết thuở qua” (Chia hai – Tình phượng 15). Đấy là những câu thơ non nớt thuở tập tễnh làm thơ của tôi, vậy mà cũng liều mạng gom lại xuất bản năm 1962 lúc tôi vừa 15 tuổi. Rất may nhiều bạn đọc còn nhớ và thích hai câu 6-8: “Thôi em nước mắt khoan về/ Ngày qua còn đó bóng hè chưa sâu”. Đến giữa năm 1963, tôi đã học lớp đệ tam (lớp 10), được học sinh toàn trường bầu làm trưởng đại diện học sinh (6.000 họcsinh cấp 2 – 3), có lẽ được tín nhiệm vì tôi đi đầu kêu gọi bãi khóa nhiều lần chống chế độ độc tài, đàn áp Phật giáo và làm báo tường, báo xuân in typo với nhiều bài hấp dẫn tuổi trẻ. Một lần sau đám tang Lê Văn Ngọc, học sinh đi biểu tình bị bắn chết. Tôi chạy thoát về chùa Ấn Quang đã nửa đêm. Tôi cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh một nữ sinh Trường Gia Long đã bị bắt và cảm xúc trào dâng, tôi viết: “Anh gắn lên môi điếu thuốc chưa đốt/ vì không hộp quẹt/ nhưng có dòng khói từ trong mũi bay ra/ đó là khói của trái đạn cay/ và giọt máu hồng/ trên đầu điếu thuốc của anh/ anh nghĩ đến em/ điếu thuốc đã tàn/ dù không hộp quẹt”. (25-11-1964). Hay những câu: “Nước mắt trên má/ cứng như song sắt/ tròn như chiếc còng/ trắng như tà áo/ thơm như mái tóc/ chảy như đấu tranh/ lăn như cách mạng…”. Và trong những ngày tháng trốn lệnh truy nã, tôi đã hoàn chỉnh tập thơ Đêm lên cơn dài, do Bộ Lạc Mới xuất bản 1965, Nguyễn Tôn Nhan trình bày bìa và chăm sóc.
Xin hỏi anh một câu ngoài văn chương rằng, trong thời gian anh hoạt động phong trào thanh niên sinh viên, học sinh anh có cảm nhận và ấn tượng như thế nào với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc bấy giờ là người anh cả của Thành đoàn, là Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định?
Vào cuối năm 1970, tại vùng biên giới giáp Campuchia, bên bờ sông Sở Thượng, tôi được chú Sáu gọi đến để báo cáo tình hình phong trào sinh viên nội thành Sài Gòn – Gia Định, năm ấy tôi ngoài 20 tuổi, còn chú Sáu đã gần 50. Tôi ngồi đợi chú Sáu trên một nhà sàn ven sông, anh bảo vệ cho biết chú Sáu đang tắm sông và bơi để luyện tập giữ sức khỏe. Khi chú vào nhà, tôi rất xúc động vì xa cách mấy năm do tôi bị bắt đày ra Côn Đảo, chú rất vui gọi nhà bếp nướng trui con cá lóc, tôi vừa ăn cơm tối vừa trả lời những câu thăm hỏi thân tình của chú Sáu. Cơm nước xong, chú Sáu nghe tôi báo cáo tình hình phong trào, chú luôn hỏi cặn kẽ và tỉ mỉ mọi việc. Ngay như những công đoạn làm báo của học sinh trong nhà trường chú cũng tìm hiểu. Chú đặc biệt lắng nghe dư luận vùng tạm chiếm, những ưu tư và tâm trạng của thanh niên học sinh trước thời cuộc. Nhân tiện, tôi báo cáo với chú về một trường hợp kết nạp Đảng mà tôi còn băn khoăn, học sinh ấy rất nhiệt tình cách mạng, lại là ngọn cờ hiệu triệu đám đông nhưng là con trong gia đình Công giáo nhiều đời… Chú Sáu cho rằng tôi quyết định kết nạp đúng với những phân tích sâu sắc về vô thần hữu thần, về đấu tranh giai cấp… để chống lại quan điểm thành phần chủ nghĩa. Từ đó tôi cảm nhận chú Sáu có tấm lòng rộng mở với chính nghĩa, có sức thuyết phục và bao dung được tất cả. Cho tới nay, ấn tượng ấy ngày càng củng cố trong tôi với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Xin cảm ơn anh.
Lương Định (thực hiện)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)