Chia sẻ tại Hội thảo Smart Tech for Smart Living – Tech Talk, trong khuôn khổ Chương trình bình chọn sản phẩm công nghệ xuất sắc Tech Awards 2018, ông Vũ Thanh Thắng – Phó Chủ tịch Bkav – cho biết nhà thông minh cách đây hơn chục năm là khái niệm xa lạ với nhiều người nhưng bây giờ dần xuất hiện trong các gia đình.
Một giải pháp thông minh tổng thể cho ngôi nhà có thể điều khiển hầu hết các thiết bị theo cách liên kết với nhau theo kịch bản. “Không ít người đầu tư đèn, điều hòa lên đến hàng tỷ đồng nhưng chỉ dùng khoảng 20-30% vì có quá nhiều thiết bị”, ông Thắng nói. “Hệ thống thông minh sẽ kết nối toàn bộ, bấm một nút sẽ hoạt động đồng thời”.
Đại diện Bkav lấy ví dụ chỉ riêng việc bật đèn cửa, phòng khách, đèn chùm, mở nhạc, kéo rèm khiến ta phải chạy khắp nhà. Nhưng nếu dùng smart home thì chỉ cần một nút bấm, hệ thống đem lại sự ưu việt và giúp khai thác hết tính năng, đồng thời tiết kiệm năng lượng và cũng bảo vệ sức khỏe.
Một điểm nổi bật khác của ngôi nhà thông minh, theo ông Thắng là khả năng kiểm soát môi trường, thông qua các cảm biến nhiệt độ, độ ẩm. Chẳng hạn miền Bắc có thời tiết trời nồm, ẩm cao, nhà ẩm ướt và smart home có thể phát hiện điều này để giảm độ ẩm, đem lại sự thoải mái cho gia chủ đồng thời bảo vệ các đồ trong ngôi nhà.
Với giao diện 3D trực quan và khả năng điều khiển bằng giọng nói, ông Thắng cho rằng người già hay trẻ em không am hiểu nhiều về công nghệ cũng hoàn toàn có thể sử dụng nhà thông minh. Điều quan trọng nữa là giá thành của hệ thống ngày càng rẻ. “Các căn hộ cao cấp có giá 3-5 tỷ đồng hoàn toàn có thể đầu tư thêm 50-100 triệu đồng làm hệ thống nhà thông minh”, Phó Chủ tịch Bkav nhận xét. “Không ít dự án tại Việt Nam hiện nay triển khai sẵn smart home cho khách hàng”.
Năm 2022, thế giới sẽ có 45 tỷ camera
Ông Nguyễn Minh Thảo, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Umbala Network, đã chia sẻ chủ đề “Nền kinh tế eye vision computing 4.0” trong khuôn khổ hội thảo công nghệ Smart Tech for Smart Living – Công nghệ thông minh cho cuộc sống thông minh. Với 8 năm xây dựng những ứng dụng liên quan đến nền tảng trực tuyến cho camera, ông Thảo đưa ra bức tranh toàn cảnh lẫn các dự đoán về tương lai của thị giác máy tính. “Đến năm 2022, thế giới sẽ tồn tại 45 tỷ chiếc camera, tương đương mỗi cư dân trên thế giới sẽ được hơn bốn camera thu lại hình ảnh”, ông cho biết.
Công nghệ camera gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế. Cụ thể, thời kỳ đầu tiên là khi con người bắt đầu có điện thoại thông minh. Họ làm quen với thao tác chụp hình và lưu trữ. Tiếp theo là thời kỳ của ảnh selfie, tạo nhu cầu đăng tải ảnh và từ đó các mạng xã hội như Facebook, Instagram ra đời, trở thành những công ty khổng lồ trên thế giới.
CES 2019: Công nghệ đột phá giúp thay đổi cuộc sống
Sự kiện công nghệ lớn và có ảnh hưởng nhất thế giới này quy tụ khoảng 4.500 công ty công nghệ, bao gồm hơn 1.200 công ty khởi nghiệp với hơn 20.000 sản phẩm ra mắt được tổ chức bởi Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng Mỹ (CTA).
Ông Gary Shapiro – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng Mỹ (CTA) cho biết “CES thể hiện tinh thần đổi mới trong ngành công nghiệp công nghệ tiêu dùng với các sản phẩm và dịch vụ ra mắt trong khuôn khổ sự kiện sẽ giúp người tiêu dùng tự tin hơn khi bước vào kỉ nguyên công nghệ mới, và giúp cuộc sống thay đổi tích cực hơn. Toàn bộ hệ sinh thái công nghệ sẽ được quy tụ tại CES 2019, như công nghệ 5G tân tiến nhất, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và thực tế tăng cường, đô thị thông minh, công nghệ thể thao, công nghệ video 8K, robot và nhiều hơn thế nữa. Với sự góp mặt của tất cả các ngành dịch vụ chủ chốt và đang phát triển, CES 2019 thực sự là một trung tâm toàn cầu về sự đổi mới”.
Chủ tịch, Giám đốc công nghệ thông tin của LG Electronics là tiến sĩ I.P.Park mở đầu bài phát biểu đầu tiên của CES 2019 với tham vọng tạo ra một thế giới kết nối, mong muốn các công nghệ hỗ trợ AI trực quan có thể vận hành thông suốt, chặt chẽ để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm chưa từng có trên mọi khía cạnh cuộc sống.
N.Đ (tổng hợp)
Bình luận (0)