Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Nhà trẻ” cho người già

Tạp Chí Giáo Dục

Viện dưỡng lão là nơi chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các cụ khi tuổi đã xế chiều. Thế nhưng đây vẫn còn là bài toán nan giải cho nhiều gia đình bởi có còn nhiều ý kiến trái chiều khi con cái đưa cha mẹ vào đây với mong muốn cha mẹ được chăm sóc và nuôi dưỡng tốt hơn.

Nhân viên y tế đang khám bệnh cho người già tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc

Đã có quan niệm cho rằng nếu ai đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão thì đó là những đứa con bất hiếu vì phó mặc tuổi già của thân sinh cho xã hội.

“Bến đỗ” của cuộc đời?

Sau khi người bạn đời 75 tuổi mất do căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt, cuộc sống của bà Nguyễn Thị Trang, ngụ P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức rất buồn tẻ. Nếu trước đây, sáng chiều ông bà cầm tay nhau tản bộ thể dục hay ăn cơm chung thì bây giờ, người phụ nữ 70 tuổi cứ vào ra thui thủi một mình. Tháng trước, cô con gái út từ nước ngoài về thăm mẹ được 3 tuần, căn nhà 3 lầu đỡ hiu quạnh hơn. Thế nhưng, kể từ ngày đứa cháu ngoại cùng mẹ lên máy bay trở về nước thì sự trống vắng trong nhà lại tăng thêm. Được con gái chu cấp và nhờ có khoản tiền lương hưu 4 triệu, bà quyết định đi vào Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè, Q.Bình Thạnh. Bà Trang chia sẻ: “ Thực ra tôi có kế hoạch từ trước khi ông nhà mất nhưng mãi đến bây giờ tôi mới xong thủ tục hồ sơ để được vào trung tâm”. Quyết định đó không chỉ làm cho con cháu trong gia đình bà bất ngờ mà đến những người hàng xóm và bà con ở xa cũng không tin được. Anh Chương – người cháu có họ hàng xa với bà Trang trăn trở: “Chẳng thà không có con cháu như người khác nhưng cô tôi trai gái đầy đủ mà lại đi vào viện dưỡng lão. Cha mẹ tôi ở quê nghe tin cũng quá bất ngờ”.

Đó cũng là hoàn cảnh của ông Lê Văn Thái, ngụ ở P.27, Q.Bình Thạnh khi vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, Q.12 cách đây 4 năm. Mặc dù có con có cháu nhưng hoàn cảnh ai cũng nghèo nên ông Thái phải sống một mình. Bà H. một hàng xóm của ông Thái cho biết: “Do công việc làm ăn đứa nào cũng lo cho gia đình riêng của tụi nó, hơn nữa không phải đứa con nào cũng có trách nhiệm với cha mẹ khi tuổi đã già nên ông Thái vào trung tâm còn sung sướng hơn ở nhà”. Có vào đây mới thấy được “bức tranh tươi đẹp” của những tháng ngày cuối đời của người cao tuổi khi được bàn tay và tấm lòng thương yêu các y BS của trung tâm chăm sóc tận tình, giống như một “nhà trẻ” cho người già. Ông Trần Minh Tâm – Phó Giám đốc trung tâm cho biết trong số hơn 300 người già đang được bảo trợ ở đây, bên cạnh những mảnh đời thất cơ lỡ vận không nơi nương tựa vẫn có những cụ ông cụ bà bị con cái bỏ rơi và ruồng rẫy. Thế nhưng, không “mặc cảm” với hoàn cảnh người già, nhân viên y tế, BS nơi đây luôn coi họ là người thân của mình nên sự cần mẫn, chu đáo ân tình không bao giờ thiếu trong việc chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh hàng ngày của các cụ. Thế nên, nhiều cụ vào đây lúc đầu chưa quen, sau mới thấy đây chính là “bến đỗ” sau cùng của cuộc đời mình. Không chỉ thanh thản tâm hồn mà các cụ còn thấy tự do hơn không phải phiền hà đến con cái.

“Mỗi cây mỗi hoa”

Vào được Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè dù số tiền hàng tháng trên 3 triệu đồng nhưng bà Minh thật sự mãn nguyện khi ở trong một phòng riêng rộng hơn 20 mét vuông có đủ tiện nghi sinh hoạt như một khách sạn mi-ni. Không phải đi chợ, không phải giặt giũ ngày 2 buổi cơm bưng nước rót tận phòng nên bà cảm thấy mình không là người thừa thãi trong mắt con cháu. Thời gian đi dạo, đọc báo, xem ti vi không bị ai quấy rầy đã biến nơi đây thành thiên đường giữa lòng TP mà không cần phải đi đâu xa. Bà Minh chia sẻ: “Tôi là người rất may mắn vì bạn bè tôi cũng có vài người đang tìm đến các trung tâm dưỡng lão để sống nốt trong quãng đời còn lại một cách yên bình nhưng không được nên phải sống buồn bã ở nhà”.

“Nhiều cụ vào đây lúc đầu chưa quen, sau mới thấy đây chính là “bến đỗ” sau cùng của cuộc đời mình. Không chỉ thanh thản tâm hồn mà các cụ còn thấy tự do hơn không phải phiền hà đến con cái”.

Tuy nhiên, cũng có những cụ đã từng quen sống ở nhà nên khi vào trung tâm dưỡng lão thì bị “dội” do cách biệt về nếp sống, nếp sinh hoạt đã từng định hình từ hàng chục năm nay. Vốn hay ăn vặt nên cơm ngày 2 bữa đối với bà Minh vô cùng tẻ nhạt. Không ăn được nhiều nhưng một chiếc bánh ít, một dĩa bánh bò hay vài ba củ đậu phộng đã trở thành người bạn mỗi ngày cho bà cụ gần 80 tuổi.

Hai mươi năm nay quen với vòi tắm nước nóng nên mỗi ngày đến giờ đi tắm là bà Trang lại thở dài: “Mỗi lần tắm là phải chờ đợi xếp hàng, dù được nhân viên ở đây kỳ cọ nhưng tôi thấy không thoải mái. Không quen tắm lạnh nên tôi phải nấu nước pha thêm nhưng mỗi lần như vậy rất phiền hà”. Trước đây, đi chợ đi chơi là tùy hứng thì bây giờ ra khỏi cổng là phải làm đơn xin phép. Đây chính là nỗi khó chịu của không ít cụ sống như cảnh “cá chậu chim lồng”.

Bệnh tật đau ốm phải nhắn con cháu lên điều trị tại BV theo thẻ bảo hiểm y tế cá nhân chứ không có ai chăm sóc tại chỗ. Vì thế, sau khi ở được 2 tháng, nghe theo lời khuyên của 3 người con, bà Trang đành trở về sống chung với cậu con trai lớn trong gia đình. Theo anh Dũng – con trai bà Trang, nhiều người cho rằng để cho cha mẹ già vào viện dưỡng lão là bất hiếu nhưng ai ở trong hoàn cảnh mới hiểu hết vì “mỗi nhà mỗi cảnh”. Ban đầu anh cũng không muốn cho mẹ phải xa con cháu để vào viện dưỡng lão nhưng vì chiều mẹ và đứa em gái. “Nếu mẹ tôi sống chung với con cháu mà không có hạnh phúc do không đáp ứng được yêu cầu của người già thì thà cho cụ vào trung tâm dưỡng lão để được hưởng chế độ chăm sóc y tế phù hợp, môi trường trong lành với thiết bị hiện đại đặc biệt là được tham gia các hoạt động văn hóa tinh thần do sự chăm sóc tận tâm của các nhân viên thì vẫn hơn sống ở nhà mà không thoải mái” – anh Dũng trải lòng.

Bài ảnh: Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)