Ngoài việc phải oằn lưng trả những khoản phí vô lý, sinh viên còn phải đối diện với cách hành xử o ép của chủ nhà trọ.
Mỗi lần nấu cơm trả 2.000 đồng và chỉ được nấu một lần trong ngày, sạc điện thoại trả 1.000 đồng/lần, dùng máy tính trả 30.000 đồng/tháng… Đó là những khoản thu “có một không hai” tại một nhà trọ trên đường Trần Quang Diệu, quận 3.
Thu tiền điện “quái gở”
Vừa ở được một tháng tại nhà trọ trên, T., sinh viên (SV) ĐH Mở TP.HCM, phải bỏ luôn một tháng tiền cọc 350.000 đồng để dọn đi nơi khác vì không chịu nổi cách tính tiền lạ lùng của chủ nhà. T. cho biết phòng ở của T. chỉ là một cái giường cho hai người với giá 700.000 đồng/tháng. Ngoài tiền phòng và tiền nước sinh hoạt, mỗi tháng T. phải đóng 20.000 đồng tiền bóng điện (bóng chữ U ngay giường và điện nhà vệ sinh), 30.000 đồng/laptop, 20.000 đồng tiền quạt, 30.000 đồng/nồi cơm điện, 1.000 đồng/lần sạc điện thoại… “Khi mới tiếp xúc, bà chủ chỉ cho xem chỗ ở và nói tiền điện là 3.500 đồng/kWh, nước chia theo đầu người và được nấu ăn. Đến lúc ký hợp đồng, trong đó mới ghi rõ “xài điện cái nào đóng tiền cái đó”. Chưa hết, 23 giờ đêm SV còn thức học bài thì chủ nhà bắt tắt đèn. Tất cả ổ điện bà chủ bọc rất kín và kiểm tra thường xuyên để người khác không xài lén được. Tính ra mọi sinh hoạt như ăn, ngủ, học, tiếp khách… chỉ gói gọn trong “nửa cái giường” mà tất cả các khoản nộp là hơn 500.000 đồng/người/tháng” – T. cho biết.
Các ổ điện trong phòng trọ đều bị bao kín như thế này và trên đó có dòng chữ “cấm mở, vi phạm phạt 100.000 đồng”. Ảnh: HA
Cùng ở nhà trọ này, CV – SV năm ba ĐH Sài Gòn cũng bức xúc: “Bà chủ giữ nồi cơm điện vì không cho nấu ăn trong phòng riêng. Mỗi ngày tụi em chỉ được cắm điện nấu cơm một lần nhưng cũng không được nấu quá nhiều gạo vì tốn điện. Hễ sạc pin điện thoại và laptop thì phải mang xuống chỗ của bà chủ, khi nào xong mới được đem lên xài. Những thứ như bàn ủi, bình cắm nước, laptop, điện thoại… dùng thường xuyên mà quy định như thế gây bất tiện quá”.
Đòi nhà lúc nửa đêm
Cũng từ chuyện đóng tiền nhà trọ mà TĐ (SV Trường ĐH KHTN TP.HCM) ở nhà trọ trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 1) gặp hoàn cảnh hết sức “éo le” khi bị chủ nhà đuổi ra khỏi phòng trọ vào lúc nửa đêm.
Đ. cho biết căn nhà này vốn được chủ nhà trọ thuê lại của người khác để kinh doanh. Mỗi SV thuê nhà phải trả 550.000 đồng/tháng kèm một tháng tiền đặt cọc. Thời gian gần đây, nhà trọ có nhiều bất ổn nên Đ. quyết định ở hết tháng 11 sẽ dọn đi. Đ. báo với chủ nhà và xin lấy tiền đặt cọc bù vào tiền nhà khi hết hạn.
Thế nhưng, chủ nhà không những không đồng ý mà buộc Đ. phải dọn đồ và rời khỏi phòng trọ ngay. Cảm thấy cách giải quyết trên không hợp lý, vả lại chưa thể tìm được chỗ ở mới nên tối hôm đó Đ. vẫn về phòng ngủ bình thường. Không ngờ nửa đêm, chủ nhà lên quát mắng, yêu cầu Đ. phải lập tức dọn đi. “Chủ nhà dọa nếu em không đi ngay trong đêm sẽ mang đồ đạc của em vứt ra ngoài” – Đ. kể.
Một nhóm SV ĐH Văn Lang từng ở nhà trọ này cũng cho biết theo hợp đồng, muốn dọn đi phải báo cho chủ nhà trước một tháng để chủ nhà trả lại tiền cọc. Tuy nhiên, nhóm SV này dọn đi đã gần hai tháng mà vẫn chưa nhận được tiền đặt cọc. “Tụi em không biết chủ nhà trọ và người chủ của ngôi nhà có tranh chấp thế nào. Nhưng thỉnh thoảng chủ nhà lại kéo người thân và côn đồ lên đe dọa, ép SV phải chuyển nhà. Trước khi dọn đi (đầu tháng 10), tụi em đã báo trước nhưng đến nay, chủ nhà trọ vẫn chưa thanh toán cho tụi em số tiền cọc gần 4 triệu đồng” – L., một SV năm ba, nói.
Để gây áp lực với một số SV chưa kịp đóng tiền nhà, chủ nhà trọ thường dùng chiêu cúp nước khiến toàn bộ các phòng đều không có nước xài. Ngày 30-10, chủ cho thuê trọ và chủ của ngôi nhà cãi vã nhau, nhà trọ bị đốt khiến các SV ở trọ phải một phen hú hồn.
Sẽ phạt chủ nhà tính tiền điện giá đắt
Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai quy định về giá điện mới và yêu cầu các hộ kinh doanh nhà trọ trên địa bàn không được phép tăng giá điện vượt quá quy định. Phường sẽ xác minh xem nhà trọ nêu trên có đăng ký kinh doanh hay chỉ cho thuê tự do. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với bên điện lực xuống kiểm tra, nếu chủ nhà trọ tính tiền điện quá giá thì xử phạt. Nếu có những thắc mắc về việc ở trọ, SV có thể liên hệ trực tiếp với UBND phường để chúng tôi hướng dẫn giải quyết.
Bà HUỲNH THỊ CẨM TÚ, Phó Chủ tịch UBND phường 14, quận 3
Còn hơn 1.000 chỗ trọ cho SV
Nếu may mắn, SV tìm được chỗ trọ tốt, gia chủ tử tế thì hoàn toàn an tâm, thoải mái tập trung học hành. Nhưng cũng có không ít bạn không lựa chọn kỹ, gặp những kiểu nhà trọ khốn khổ như trên để rồi phải thường xuyên cất công đi tìm nhà khác, vừa mất tiền, mất thời gian, lại ảnh hưởng đến chuyện học hành.
Hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM còn gần 1.000 chỗ trọ. Với những chỗ trọ này, chúng tôi đều cử người đến khảo sát, nếu nhà trọ đảm bảo yêu cầu an toàn, phù hợp mới giới thiệu cho SV. Các bạn có thể gọi điện thoại để được tư vấn hoặc trực tiếp đến trung tâm (33 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 hoặc Khu Dịch vụ cộng đồng SV, phường Linh Trung, Thủ Đức) để được giới thiệu nhà trọ phù hợp.
Anh NGUYỄN TRỌNG HOÀNG, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống SV, Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM
|
Theo HÀ AN – SONG HỒ
(phapluattp)
Bình luận (0)