Mỗi năm TPHCM lại tiếp nhận thêm hàng ngàn người trẻ đổ về để học tập và làm việc, cộng với lượng sinh viên từ những năm trước trụ lại, khiến nhu cầu nhà ở luôn rất “nóng”.
Chi phí ở thành thị đắt đỏ, nhưng những năm trở lại đây, người trẻ đang có xu hướng tìm thuê các căn hộ nhỏ, khang trang và an toàn vì tính tiện dụng của nó. Từ đó chung cư mini cũng “lên ngôi”.
Tìm nơi ở an toàn
“Đến thời điểm này, tiêu chí đầu tiên để tìm nhà trọ của em là văn minh, sạch sẽ, an toàn rồi mới đến giá cả. Đó là kinh nghiệm em rút ra từ 3 năm đi trọ ở 7 nơi khác nhau”, Bùi Lan Chi (sinh viên năm 3, Đại học Sư phạm TPHCM) cho biết. “Quận 5, 8, 11 em đã từng ở hết rồi. Nơi được phòng ốc rộng rãi lại hay mất trộm vặt, rồi hàng xóm nhậu nhẹt, hát hò ầm ĩ, nơi yên tĩnh thì 2-3 phòng dùng chung 1 nhà vệ sinh, nơi thiếu chỗ để xe, mỗi lần dắt xe ra vào vô cùng khó khăn… Nói chung “tiền nào của nấy”, ở những nơi như vậy em không muốn về nhà, hết giờ học là xách xe chạy lang thang ngoài đường. Vì vậy, sau này em và 2 người bạn quyết định tìm thuê phòng khang trang một chút, chấp nhận giá “chát” hơn nhưng đổi lại, nơi ở sạch sẽ, an toàn, là nơi mình muốn về sau giờ học, giờ làm”, kể.
Chung cư mini trên đường Trần Trọng Cung (quận 7) trong chuỗi Ben House của Xuân Dịu
Đinh Thị Hồng Nhâm, 28 tuổi, nhân viên văn phòng tại quận 1 cho rằng, ngày trước mô hình nhà trọ khá đơn điệu, hầu hết là dãy nhà trọ cấp 4 hoặc nhà phố ngăn phòng cho sinh viên, nhân viên văn phòng thuê nên sự lựa chọn cũng không nhiều, ai kỹ tính thì đi tìm nhà trọ mới xây cho sạch sẽ, còn không thì đành chấp nhận ở tạm. Từ khi có nhà trọ kiểu mới như chung cư mini, giới trẻ đã dần bắt kịp xu hướng và đầu tư hơn cho nơi ở. “Nếu bỏ ra một khoản tiền lớn để ở trọ thì lãng phí, nhưng mình nghĩ, nơi ở có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bản thân, nên khi có xu hướng nhà trọ kiểu mới – dạng căn hộ nhỏ trong các chung cư hoặc phòng trọ trong chung cư mini, giá thuê từ 2,2-4 triệu đồng như hiện nay là mình tiếp cận ngay”, Hồng Nhâm cho biết.
Khởi nghiệp từ chung cư mini
Chính xuất phát từ nhu cầu của giới trẻ và những điểm trừ của phòng trọ bình dân, nhiều mô hình kinh doanh nhà trọ mới mở ra khá được lòng giới trẻ. Nhìn lại thời điểm khoảng năm 2006, thị trường nhà trọ TPHCM nổi lên mô hình thuê nhà nguyên căn, chung cư mini có diện tích phòng từ 18-30m2, có thang máy và bảo vệ 24/24 giờ. Tuy nhiên, thời điểm đó nhiều bạn trẻ còn khá dè dặt, chưa dám tiếp cận mô hình này, phần vì vẫn còn nặng suy nghĩ, nhà trọ chỉ là nơi ở tạm, phần vì ngại chi phí sinh hoạt bị đội lên cao.
Đến khoảng năm 2010, cơn sốt nhà trọ kiểu chung cư mini thực sự bùng nổ. Giới sinh viên, nhân viên văn phòng ngán cảnh ở nhà trọ lụp xụp, không vệ sinh và thiếu an toàn, họ quyết định chi một khoản tiền cao hơn, từ 1,5-2 lần so với nhà trọ bình dân để được sống trong môi trường an toàn hơn, phòng ốc sạch sẽ và tiện nghi hơn. Lúc này, mô hình Big Land, bao thầu nguyên chung cư mini rồi cho khách thuê trọ từng phòng của Võ Phi Nhật Huy được nhiều người biết đến. Nhiều bạn trẻ cũng khởi nghiệp từ mô hình này như Mai Vũ Quốc An với chung cư mini Mai An trên đường Lê Văn Sĩ (quận 3); Kim với Bakista trên đường Ngô Bệ (quận Tân Bình)…
Dù mãi năm 2014 mới lấn sân sang kinh doanh nhà trọ nhưng chuỗi chung cư mini Ben House của Xuân Dịu, 31 tuổi (ngụ quận 7) nhanh chóng thu hút khách hàng trẻ. Khởi nghiệp từ căn nhà có 6 phòng trọ ở quận Tân Phú, chỉ trong vòng hơn 1 năm, Dịu mạnh dạn thuê thêm 2 chung cư mini ở đường Nguyễn Văn Quỳ và Trần Trọng Cung (quận 7) với tổng số gần 70 phòng trọ và cho thuê lại. Theo Dịu, khi mới bắt tay vào làm, cô gặp khá nhiều khó khăn, nhất là phải tìm được khách thuê kín phòng để không bị lỗ.
Dịu được đánh giá là một chủ nhà trọ có tâm, cô luôn tư vấn cho khách hàng cặn kẽ khi khách tìm đến thuê chung cư mini của cô. Là người bị từ chối khi tìm tới thuê trọ, Phạm Thị Hồng Ngọc (sinh viên năm 3, Đại học Kỹ thuật Công nghệ TPHCM) kể: “Vì nhà trọ cách trường em xa quá, chị Dịu sợ em đi học vất vả, nên khuyên em về gần trường thuê nhà ở cho tiện. Nhưng ở đây sạch, đẹp, có thang máy mà quản lý lại tốt bụng nên xa mấy em cũng ưng”.
Xuân Dịu tâm sự: “Trong kinh doanh, yếu tố kinh tế phải đặt lên hàng đầu nhưng không phải là tất cả, tôi nghĩ, sống với nhau trong một nhà thì trước hết phải quan tâm nhau để người trọ coi đây là nhà chứ không đơn thuần chỉ là nơi ở trọ. Mình lấy tấm chân tình để níu giữ khách hàng…”. Chính vì cách kinh doanh rất riêng ấy nên Ben House của Dịu luôn kín phòng.
THU HƯỜNG/SGGP
Bình luận (0)