Ngay từ đầu tháng 2, các trường THPT đã nhận được thông báo về việc phải đảm bảo dạy đúng, dạy đủ chương trình trước kỳ thi tốt nghiệp, tuy nhiên nhiều trường cho rằng sát đến ngày thi mà học sinh vẫn phải học tin học, thể dục… là không hợp lý.
Nhiều trường đã sớm lo cho học sinh thi thử đại học
thay vì thụ động chờ môn thi tốt nghiệp THPT
Cho đến thời điểm này, hầu hết các trường đều đã chuẩn bị cho học sinh lớp 12 làm quen với những yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ đầu tháng 2-2012, 4 tháng trước khi diễn ra kỳ thi này, Sở GD – ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 theo hướng phải đảm bảo hoàn thành chương trình theo đúng thời gian quy định, học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng dự thi. Thực hiện dạy đúng, dạy đủ chương trình, bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng, chú ý dạy đủ các tiết thực hành.
Tuy nhiên, phản ánh từ phía nhà trường, bất cập phát sinh ở chỗ, sau khi Bộ GD – ĐT công bố môn thi tốt nghiệp, học sinh chỉ có khoảng 2 tháng để tập trung ôn thi cả tốt nghiệp THPT lẫn thi ĐH, CĐ. Vào thời điểm này, dù nhà trường vẫn bố trí theo đúng thời khóa biểu từ đầu học kỳ nhưng những môn không thi chắc chắn sẽ bị học sinh bỏ tiết hoặc ngồi trong lớp nhưng làm bài tập môn khác. “Sát thời điểm thi mà học sinh vẫn phải học tin học, thể dục mỗi môn 2 tiết/tuần là không phù hợp thực tế, bắt buộc các trường phải điều chỉnh” – đại diện ban giám hiệu một trường THPT ở Hà Nội cho biết.
Thực tế, trong khi các trường công lập loay hoay với bài toán thực hiện đúng quy định của cơ quan quản lý với thực tế nhu cầu giảng dạy học tập ở trường thì khối ngoài công lập lại khá tự chủ. Theo GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh, đến thời điểm này học sinh lớp 12 đã hoàn thành tất cả các môn thi ĐH. Học sinh khối tự nhiên đã được tổ chức thi thử ĐH các môn Toán, Lý, Hóa, tương tự với ban khoa học xã hội sẽ thi các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ. “Các môn học bình thường đến giữa tháng 5 là kết thúc theo lịch chung” – GS Văn Như Cương cho biết. Cũng theo GS Văn Như Cương, để bắt buộc các trường cũng như học sinh phải học đầy đủ các môn theo đúng quy định về thời gian thì tốt nhất cuối tháng 4 Bộ mới công bố môn thi tốt nghiệp.
Nên điều chỉnh theo thực tế
Bàn về quy định của cơ quan quản lý trong việc không được thay đổi thời khóa biểu, dồn tiết… GS Văn Như Cương cho rằng nếu sở xuống kiểm tra sẽ thấy các trường khó mà đảm bảo yêu cầu này vì không phù hợp thực tế. “Các trường không phải cắt bớt chương trình mà là dạy lấn lên trước để vẫn đảm bảo đủ nội dung. Trước đây, bộ và sở cứ bắt ngày 5-9 mới được khai giảng nhưng các trường dân lập như trường Lương Thế Vinh thì học sinh đã đi học từ tháng 7, sớm trước lịch của bộ gần 2 tháng nên ngay trong chương trình lớp 11 học sinh đã được học một phần chương trình lớp 12. Học sinh học sớm thì được kết thúc sớm để tập trung vào ôn thi. Thực tế, Sở GD – ĐT cũng thấy là cần cho các trường học từ 15-8” – GS Văn Như Cương phân tích.
Không chỉ những trường ngoài công lập, nhiều trường công lập cũng khởi động sớm kế hoạch ôn tập. Trường THPT Tây Hồ đã tổ chức lớp học 5 môn Toán, Lý, Hóa, Văn và tiếng Anh cho học sinh yếu kém với thời lượng 3 buổi/tuần. Phương pháp “chia để dạy” đối với nhóm học sinh có sức học trung bình trở xuống còn được nhiều trường trên địa bàn Hà Nội như THPT Trần Hưng Đạo, THPT Phan Huy Chú, THPT Nguyễn Gia Thiều… đồng loạt áp dụng.
Bà Bùi Thị Minh Nga, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường THPT Trần Phú cho biết, trong khi chờ Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp thì các giáo viên chủ nhiệm đã được ban giám hiệu phổ biến về yêu cầu tập trung cho kỳ thi. Với các môn nằm trong nhóm có khả năng thi, trường yêu cầu tăng cường kiểm tra ngay trong các tiết học để học sinh nắm vững yêu cầu bài học, tránh học dồn sau này. “Không thể thiếu sự phối hợp của phụ huynh trong việc hỗ trợ, giúp đỡ học sinh lớp 12 ôn thi nên trường THPT Trần Phú sẽ phổ biến công tác chuẩn bị thi cho phụ huynh và sơ kết nửa học kỳ II vào ngày 1-4, ngay sau khi có môn thi để phụ huynh nắm được yêu cầu cũng như thực lực của con em mình” – bà Bùi Thị Minh Nga cho biết. Việc hoàn thành sớm các môn phụ để có thời gian cho học sinh, giáo viên tập trung ôn thi cũng được bà Nga đề xuất với các cấp quản lý trong thời gian tới.
Bình luận (0)