Đơn khiếu nại của ông Hoàng Bá Ninh gửi đến Tòa soạn Báo Giáo dục TP.HCM |
Vừa qua, Báo Giáo dục TP.HCM có nhận được đơn thư khiếu nại của ông Hoàng Bá Ninh – nguyên là giảng viên của Trường CĐ bán công Công nghệ và quản trị doanh nghiệp TP.HCM (CTIM) về việc liên quan đến bằng cấp của giảng viên trong trường.
Tốt nghiệp ĐH nhưng khai thạc sĩ?
Theo ông Hoàng Bá Ninh, ông Trương Quốc Thạch hiện là giảng viên của CTIM vốn có bằng tốt nghiệp cử nhân tại một trường ĐH ở nước ngoài nhưng lại khai trong hồ sơ lý lịch là học vị thạc sĩ dù chưa học qua lớp cao học nào. Trong đơn, ông Ninh viết: “Tôi có phát hiện ra hai bằng cấp: Một của ông Phan Quốc S. (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) và một của ông Trương Quốc Thạch (giảng viên CTIM). Hai ông cùng học bên Hungari, trong đó ông S. học toán ở ĐH Tổng hợp Budapest còn ông Thạch học toán lý ở ĐH Szeget (một trường ĐH địa phương), thời gian học của hai ông cùng 5 năm. Bằng tốt nghiệp của hai ông cùng dịch từ tiếng Hungari sang tiếng Pháp với phôi bằng dịch giống nhau. Vậy mà bằng của ông S. là ĐH, còn bằng của ông Thạch là thạc sĩ toán lý!? Tôi có đưa thắc mắc này hỏi Tổ chức CTIM thì được trả lời bằng dịch của ông Thạch có công chứng xác nhận dịch từ bằng gốc thạc sĩ”.
Tuy nhiên, ông Ninh không đồng ý với câu trả lời của tổ chức trường. Cũng theo ông Ninh thì ông chỉ có thắc mắc 3 vấn đề: Một nếu bằng dịch ra tiếng Pháp (Diplome) của ông Thạch được dịch từ bằng gốc thạc sĩ (tiếng Hungari) thì ông Thạch học thạc sĩ hệ 5 năm? Hai là bằng gốc tiếng Hungari đã là thạc sĩ thì việc dịch sang ngoại ngữ khác có cần thiết không? Tại sao không dịch ngay từ tiếng Hungari sang tiếng Việt? Ba là tại sao hai bằng dịch cùng một mẫu phôi, bằng thì thạc sĩ bằng thì ĐH?
Ông Thạch không gian lận
Trước những thắc mắc của ông Hoàng Bá Ninh, phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM đã trao đổi với ông Trần Văn Nghĩa – Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT. Sau khi kiểm định hồ sơ theo đúng quy trình, ông Nghĩa cho biết, ông Trương Quốc Thạch không gian lận bằng cấp với các lý do: Trước hết, bằng của ông Thạch ở các nước như Hungari, Cộng hòa Séc hay Ba Lan coi như bằng thạc sĩ hoặc tương đương nhưng ở Việt Nam lại không công nhận bằng này là thạc sĩ vì hai hệ thống giáo dục giữa hai nước vênh nhau. Khác với các nước Đông Âu, Việt Nam chưa có cơ sở để công nhận. Theo ông Nghĩa, nếu nói ông Thạch gian lận thì không đúng. Vì bằng của ông Thạch ở bên Hungari đúng là thạc sĩ. Còn ở Việt Nam thì nước ta chưa công nhận mà chỉ có thể khẳng định: Với bằng đó, ông Thạch có thể học thẳng lên tiến sĩ mà không cần học qua thạc sĩ.
Dẫn giải thêm về vấn đề này, ông Nghĩa cho hay đối với hệ thống giáo dục Việt Nam, học 5 năm mới chỉ là cử nhân tốt nghiệp ĐH. Do đó, không có chuyện công nhận học 5 năm là có học vị thạc sĩ như một vài quốc gia khác. Ở nước Nga có hệ thống giáo dục tương đương với Việt Nam học 5 năm cũng mới chỉ là chuyên gia. Muốn có bằng thạc sĩ họ phải học thêm một năm nữa. Nhưng với bằng chuyên gia, họ có thể học thẳng lên tiến sĩ mà không cần phải có bằng thạc sĩ.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Nghĩa cũng cho rằng, nếu như CTIM sử dụng ông Thạch ở Việt Nam mà coi ông ấy là thạc sĩ thì là sai. Vì tấm bằng đó của ông Thạch ở Việt Nam chỉ mới tốt nghiệp ĐH chưa được công nhận là thạc sĩ. Rõ ràng cách sử dụng bằng cấp như Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là đúng hơn cả và đây là điều mà Ban giám hiệu cùng với Phòng Tổ chức CTIM nên xem xét lại.
Nhóm PV
Bình luận (0)