Liên quan đến việc nhiều trường đại học, cao đẳng đóng cửa ngành học vì không tuyển đủ sinh viên, đặc biệt có trường đại học phải “dẹp” đến 17 ngành như trường đại học Đồng Tháp, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Đệ, hiệu trưởng trường đại học Đồng Tháp để cung cấp thêm thông tin về thực tế bất thường này. Ông Đệ cho biết:
Việc tuyền sinh, đào tạo cần gắn chặt chẽ với nhu cầu xã hội (ảnh minh hoạ). Ảnh: Trung Dũng
|
Có một sự nhầm lẫn, cách đây khoảng hơn một tuần lễ sau khi khi trường chuẩn bị để đón tiếp sinh viên năm thứ nhất có xem xét lại hồ sơ đăng ký nguyện vọng hai. Khi đó một số ngành hồ sơ đăng kí rất ít, nên nhà trường có định hướng nếu hết nguyện vọng ba mà vẫn ít (sinh viên đăng kí học – PV) sẽ phải đóng cửa một số ngành và chuyển một số ngành phù hợp với nguyện vọng của các em. Chưa thể quyết định được vì chưa hết đăng ký nguyện vọng hai và chưa hết đăng ký nguyện vọng ba.
Thưa ông, như vậy số lượng thí sinh đăng ký vào những ngành học, cụ thể là 17 ngành học mà trường dự kiến phải đóng cửa, đến nay ra sao?
Bây giờ thì chưa thể biết được, ngày 15 tới mới biết được. Nếu mọi việc diễn ra đúng như dự đoán thì mình sẽ có hướng để xem xét lại các ngành đó, nếu ít quá có thể gộp các em sang ngành khác. Nhưng do thông tin đó (đóng cửa 17 ngành học – PV) trong cuộc họp nội bộ, mấy em bên quản trị mạng không biết lại đưa lên internet đâu khoảng 24 tiếng đồng hồ nên báo căn cứ vào thông tin đưa lên mạng mới nói như thế. Mình đâu tự ý đóng cửa 17 ngành được.
Vậy một ngành học cần có bao nhiêu sinh viên thì mới tổ chức đào tạo?
Khoảng 25 em trở lên thì mình mới mở được. Tất nhiên cũng có những ngành thì 20 hoặc 17 em vẫn mở nhưng cái này phải chờ đến giờ cuối mới quyết định. Hay có những ngành đặc thù thì 15 em mình vẫn mở. Những ngành nhu cầu đang cần thiết nhưng các em lại không thích học. Như ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp thường hàng năm các em không thi vào nhưng nhu cầu xã hội lại đang lớn, đào tạo giáo viên dạy nghề cho các trường nghề thì mình vẫn có thể mở.
Mọi năm, việc tuyển sinh những ngành này có gặp khó khăn như năm nay?
Có, năm nào cũng khó cả. Năm ngoái ngành sư phạm kỹ thuật nông nghiệp cũng không có em nào đăng ký cả nên phải đóng cửa.
Như vậy khó khăn trong tuyển sinh những ngành này đã kéo dài nhiều năm rồi, tại sao trường không có biện pháp điều chỉnh?
Vì những ngành đó vẫn cần cho phổ thông. Phổ thông hiện nay vẫn đang thiếu những ngành đó, học ra có thể người ta sử dụng hết rồi. Như năm nay ra trường ba mươi mấy em thì người ta tuyển dụng hết nhưng người học lại không thích đi dạy môn đó.
Với những ngành liên tiếp những năm qua kén thí sinh thì trường có biện pháp điều chỉnh gì?
Theo tôi đối với ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp mình có thể kết nối với một ngành gì đó. Tất nhiên ở đại học khó ở chỗ là không thể đào tạo hai ngành. Ở cao đẳng có thể đào tạo hai ngành, chẳng hạn vật lý kỹ thuật công nghiệp, nông nghiệp trong khi đại học chưa có đặc thù như thế. Tuy nhiên tôi nghĩ phải có một phương án nào đó mà mình tích hợp trong việc đào tạo như đào tạo lý sau đó dạy kỹ thuật công nghiệp hay sinh dạy kỹ thuật nông nghiệp. Khi ra trường các em có thể hành nghề bằng cách dạy lý nhưng có thể dạy kỹ thuật công nghiệp hay dạy môn sinh nhưng có thể dạy được nông nghiệp thì có thể hợp lý hơn. Nếu đào tạo ra dạy kỹ thuật nông nghiệp không, về mặt tâm lý các em có thể ngại chọn môn này như một nghề trong tương lai. Phải bàn căn cơ hơn vì nó liên quan đến chương trình, kế hoạch đào tạo, bằng cấp… Nếu đại học cấp một bằng mà có hai ngành thì chưa có mô hình như thế.
Việc trường mở ngành học ra nhưng tuyển sinh không đủ lại phải đóng cửa, thí sinh tốn tiền của và số thí sinh lỡ đăng ký học không thực hiện được ước mơ, lỗi này thuộc về ai?
Tất nhiên là nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm về lỗi đó. Còn khi đào tạo, tại thời điểm mở ngành đó là nhu cầu cần. Khi xác định chỉ tiêu trường không làm tốt thì phải có trách nhiệm với xã hội!
Trung Dũng (thực hiện)
Theo SGTT.VN
Bình luận (0)