- 1 Nhà trường “đặt hàng” học sinh xây dựng trường học hạnh phúc
“Lắng nghe học sinh nói – Nói học sinh nghe” là thông điệp của Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) khi xây dựng trường học hạnh phúc. Ở đó, mọi ý kiến, hiến kế của học sinh được tôn trọng, ghi nhận.

Học sinh được bày tỏ mong muốn cá nhân
Dậy thì bối rối, làm sao để vượt qua sự sợ hãi đó? Nhiều bạn yêu đương nhưng chưa phù hợp, em muốn giúp các bạn tập trung vào việc học tập tốt hơn?; Khi người lớn không tôn trọng ý kiến của trẻ em, trẻ em có thể làm gì để bảo vệ quyền được bày tỏ ý kiến của mình?; Bạo lực đối với trẻ em gồm những hình thức nào? Trẻ em cần làm gì để được bảo vệ khỏi bạo lực và xâm hại?… Đây là những câu hỏi được chính học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo thẳng thắn, mạnh dạn đặt ra với Ban Giám hiệu tại diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói trẻ thơ” do nhà trường tổ chức mới đây. Theo đó, trong suốt 3 giờ, diễn đàn đã tiếp nhận 130 câu hỏi nêu những ý kiến của học sinh. Bên cạnh những băn khoăn, thắc mắc, các em còn mạnh dạn đưa ra những đề xuất để xây dựng nhà trường: “Em ước phía sau trường sẽ xây dựng 1 hồ bơi có mái che để học sinh chúng em có thể tham gia học bơi và có thêm 1 câu lạc bộ bơi lội tại trường”; “Chúng em có thể đề xuất ý tưởng để thay hình ảnh mới cho bìa cuốn vở được không? Em mong muốn được giới thiệu thêm món ăn mới, địa điểm trải nghiệm mới cho các bạn”; “Em mong nhà trường tổ chức thêm hoạt động trải nghiệm về những nghề nghiệp”; “Chúng em rất háo hức và hạnh phúc khi được xem chương trình biểu diễn nghệ thuật xiếc, hát bội, múa rối nước tại trường. Nếu có thể, em mong trong học kỳ này, chúng em cũng sẽ có cơ hội được thưởng thức thêm các chương trình nghệ thuật khác nữa ạ; “Em mong muốn nhà trường tiếp tục có thêm nhiều hoạt động để gặp gỡ và giao lưu với các bạn trường khác”…
Cô Lê Thanh Hương (Hiệu trưởng nhà trường) đánh giá, học sinh nhà trường đã đề cập đến nhiều chủ đề quan trọng như quyền trẻ em, cách bảo vệ bản thân trước nguy cơ bạo lực học đường và xâm hại, an toàn trên không gian mạng; cơ sở vật chất, môi trường học tập; các hoạt động ngoại khóa yêu thích; chương trình biểu diễn nghệ thuật và định hướng nghề nghiệp; lịch sử và sự phát triển của trường; các câu lạc bộ và đội tuyển thể thao; thực đơn bán trú; giao lưu học tập với các trường bạn trong quận; chuẩn bị cho cấp học mới; tâm lý lứa tuổi; văn hóa và nội quy trường học… Điều này thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm và quan sát của các em đối với chính những hoạt động giáo dục, rèn luyện tại trường. Tất cả những câu hỏi, nguyện vọng của học sinh đều được các thầy cô lắng nghe, giải đáp tận tình và rõ ràng, giúp các em hiểu rõ hơn về trường của mình một cách toàn diện và sâu sắc.

Điều đặc biệt, không chỉ dừng ở lắng nghe, giải đáp, hiệu trưởng nhà trường còn ghi nhận những hiến kế của học sinh và “đặt hàng” các em nhiệm vụ đặc biệt: “Cô đề nghị là mỗi lớp sẽ giúp cô tổng hợp các đề xuất về thực đơn bữa trưa hấp dẫn, các địa điểm tổ chức hoạt động ngoại khóa an toàn, giàu tính giáo dục, cùng những ý tưởng trang trí, thiết kế bìa vở mới cho nhà trường. Những đề xuất này sẽ gửi trực tiếp đến cô vào ngày cuối cùng của tháng 2. Đây không chỉ là cơ hội để các em tự do bày tỏ mong muốn cá nhân mà còn giúp rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tư duy sáng tạo và khả năng truyền đạt ý tưởng một cách hiệu quả”. Lời đề nghị của cô hiệu trưởng ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của học sinh trong tiếng pháo tay rộn rã.
Tôn trọng, lắng nghe học sinh qua nhiều kênh
Cô Lê Thanh Hương chia sẻ, xây dựng trường học hạnh phúc được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của nhà trường trong nhiều năm nay. Từ đó, bao trùm trong mọi hoạt động giáo dục và rèn luyện của trường đều hướng tới mục tiêu học sinh được hạnh phúc trong từng hoạt động. “Xây dựng trường học hạnh phúc cần được bắt đầu và xuất phát từ chính tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ của học sinh. Trường học hạnh phúc khi mỗi học sinh đều được tôn trọng và lắng nghe, thầy cô ghi nhận và đổi mới, cải tiến công tác giáo dục thông qua chính những lắng nghe, chia sẻ của các em. Mục tiêu là tạo ra một môi trường học tập an toàn, thân thiện, hạnh phúc, tràn đầy niềm vui, khơi dậy sự sáng tạo và mang đến cơ hội phát triển toàn diện cho các em, xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp trong nhà trường”, cô Hương nói.
Cô Hương nhìn nhận, để có được mối quan hệ tốt đẹp, để học sinh sẵn sàng chia sẻ, mở lòng với thầy cô, nhà trường về những vấn đề mình đang gặp phải thì không gì khác từ phía người lớn là thầy cô phải dành cho các em sự tôn trọng, lắng nghe một cách chân thành, cầu thị chứ không phải nghe hời hợt.
Ngoài lắng nghe học sinh từ diễn đàn, nhà trường còn tiếp nhận ý kiến của các em từ hòm thư góp ý, từ giáo viên chủ nhiệm, từ phía ba mẹ, thậm chí là ghi nhận trực tiếp ý kiến của các em tại… phòng hiệu trưởng. Bằng nhiều kênh tiếp nhận và sự gần gũi, các em luôn thẳng thắn nêu ra những suy nghĩ của mình về nhà trường, thầy cô và các hoạt động giáo dục. Từ lắng nghe tiếng nói học sinh cũng là cơ hội để nhà trường nói cho học sinh nghe, hiểu thêm về các vấn đề mà có thể các em còn băn khoăn, thắc mắc. “Nhà trường luôn đổi mới các hoạt động giáo dục để làm sao có thể tiệm cận nhất đến học sinh. Trong mỗi tiết dạy, giáo viên sử dụng nhiều phương pháp giáo dục tích cực để khuyến khích học sinh sáng tạo, thể hiện năng lực, phát triển năng khiếu; các hoạt động, sân chơi được nhà trường triển khai đa dạng, đảm bảo mọi học sinh đều được tham gia. Đặc biệt, đối với hình thức khen thưởng học sinh, nhà trường hướng tới khen thưởng vì sự tiến bộ, vì thế giáo viên luôn sáng tạo, đa dạng nhiều hình thức để động viên, khích lệ các em trong học tập, vui vẻ mỗi ngày đến trường chứ không áp lực về việc học tập”, cô Hương nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)