LTS: Cuộc cách mạng 4.0, chúng ta đã chứng kiến quá nhiều những đổi thay từ khoa học công nghệ đến những hệ giá trị trong đời sống hàng ngày. Song những ai quan tâm đến tương lai, đến thế hệ trẻ, đều phải tự hỏi rằng thế giới ngày nay phát triển thế nào? Và, nhân loại đang cần những người tiên phong ra sao để sự an bình, hạnh phúc và thành công luôn đến với cuộc sống?
Thế giới ngày nay là thế giới phẳng với sự ngự trị của nền kinh tế tri thức. Ở đó đòi hỏi những người tiên phong phải có sức khỏe dồi dào; trí tuệ thông minh; có lòng nhân ái, yêu thương và đồng cảm; có nghị lực, biết tự học và tự hoàn thiện mình; tự trọng và có ý thức xây dựng cộng đồng, xây dựng môi trường sống dân chủ, công bằng, văn minh.
Con người của thế hệ tiên phong ấy phải năng động, sáng tạo, có năng lực giao tiếp và tinh thần hợp tác, nắm vững khoa học kỹ thuật của thời đại và quy luật cuộc sống, có khả năng xử lý tốt mọi tình huống đặt ra.
Để đạt đến những yêu cầu cơ bản của thế hệ tiên phong, các nền giáo dục trên thế giới nói chung và nước ta nói riêng đã cố gắng rất nhiều, luôn cải tiến, đổi mới. Với mong muốn xây dựng những nhà trường hiện đại để đáp ứng sự mong đợi của phụ huynh và học sinh. Từ số báo này, Giáo dục TP.HCM khởi đăng diễn đàn: XÂY DỰNG NHÀ TRƯỜNG HIỆN ĐẠI với bài viết đầu tiên từ TS. Huỳnh Công Minh – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM…
Cô trò ở một trường tiên tiến hiện đại tại TP.HCM trong giờ học. Ảnh: N.Trinh
Hàng trăm năm trước với phương pháp dạy học từ chương, truyền thụ một chiều là phổ biến thì các nhà giáo dục tiến bộ lúc bấy giờ đã đề cao vai trò của thiết bị dạy học “Trăm nghe không bằng một thấy” nhằm tôn vinh vai trò minh họa của thiết bị dạy học trong quá trình truyền thụ kiến thức của mình. Nhưng khi xã hội phát triển, trường lớp nhiều hơn, học sinh trong lớp ít, cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư gấp bội, phương pháp dạy học chuyển sang thực hành, trải nghiệm, các nhà giáo dục cấp tiến lại xác định giá trị cao hơn cho hoạt động thực hành “Trăm thấy không bằng một làm”!
Ở nước ta, khi hòa bình lập lại “vali vật lý” Cộng hòa dân chủ Đức (bộ thiết bị thực hành môn vật lý do CHDC Đức sản xuất) đến với nhà trường như một món quà ưu ái của cấp quản lý đến với một số cơ sở trường học trọng điểm. Một số trường được địa phương đầu tư trang bị phòng thí nghiệm lý, hóa, sinh là những đơn vị được biểu dương rộng rãi trên công luận, những thầy cô giáo “không dạy chay” (có sử dụng thiết bị dạy học) được nêu gương điển hình một cách trân trọng trong toàn ngành!
Cuối thập niên 90, chuẩn bị thực hiện Chương trình phổ thông năm 2000 (Chương trình giáo dục phổ thông mới theo tinh thần NQ 40/2000/QH10 của Quốc hội), Thứ trưởng Lê Vũ Hùng đã ký văn bản chỉ đạo trang bị hệ thống thiết bị thực hành theo sách giáo khoa mới cho tất cả các trường phổ thông trên cả nước. Đây là một chủ trương tích cực và tiến bộ của ngành trong công cuộc đổi mới nhà trường.
Đến nay, gần 20 năm đổi mới, trên nền tảng của hệ thống thiết bị dạy học do Bộ GD-ĐT ban hành, nhiều đơn vị đã đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật của mình ở mức cao hơn nhằm tạo điều kiện cho thầy cô giáo tiếp cận và bắt đầu sử dụng những thiết bị cao cấp để đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng hiện đại nhà trường.
Chúng ta rất vui với những đổi mới nói trên, nhưng đó chỉ là những điển hình đơn lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp và tập trung, đã đến lúc phải hoàn thiện một cách tích cực và đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường để góp phần xây dựng đẳng cấp mới cho sự nghiệp giáo dục trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay trên cả các lĩnh vực về nhận thức, đầu tư trang bị và sử dụng.
– Về nhận thức, đây là lĩnh vực quan trọng, đóng vai trò chủ đạo cho toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường bao gồm từ việc xây dựng cơ bản trường lớp đến trang thiết bị dạy học bên trong. Có thể nói cơ sở vật chất kỹ thuật là một đặc trưng quan trọng của nhà trường hiện đại.
Cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường trước hết phải tạo một không gian thoải mái cho học sinh học tập và sinh hoạt từ sự thoáng mát, vệ sinh của không khí, nhiệt độ, âm thanh, ánh sáng và môi trường đến quy cách, kích thước bàn ghế phù hợp với vóc dáng và tầm nhìn của học sinh ở từng lứa tuổi.
Cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường là những phương tiện cần thiết để học sinh tự học thuận lợi, dễ dàng, hiểu nhanh, nhớ lâu; để giáo viên giảm thiểu trình bày, diễn đạt, từ chương, dành thời gian tổ chức cho học sinh tiếp cận, tương tác, trải nghiệm, chủ động tìm tòi, sáng tạo trong quá trình tiếp nhận tri thức và rèn luyện kỹ năng.
Cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường phải đảm bảo tính cập nhật, thực tế, phù hợp với đời sống hàng ngày và hấp dẫn, thu hút học sinh học tập. Cố gắng tránh sự vay mượn giả tạo, “gặp đâu làm đấy” một cách tùy tiện làm mất tính khoa học, xa rời thực tế và không hấp dẫn, không thu hút học sinh.
– Về đầu tư trang bị, từ nhận thức trên đây, nhà đầu tư phải xác định rõ yêu cầu, mục tiêu đào tạo như tôn chỉ hoạt động, triết lý giáo dục của đơn vị để thiết kế cơ sở vật chất phù hợp, đồng thời xác lập hệ thống thiết bị kỹ thuật đồng bộ, đơn giản, thiết thực và hiệu quả, vừa có tác dụng cụ thể vào thực tế xã hội, vừa có tác dụng đón đầu cho học sinh tiếp cận với xu thế phát triển trong tương lai. Từ đó mà mua sắm, lắp đặt, tạo điều kiện tốt cho nhà giáo không ngừng cải tiến phương pháp dạy học, học sinh thích thú tìm tòi học tập theo từng khả năng riêng biệt của mình.
Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường hiện đại, phải đầu tư theo yêu cầu đào tạo của chuyên môn, theo tôn chỉ mục đích của nhà trường một cách khoa học, tránh đầu tư theo chủ quan cảm tính, theo thói quen hoặc theo áp lực của giá cả đầu tư, ảnh hưởng đến tính khoa học của công trình.
Ngày xưa chúng ta đi học để biết đọc, biết viết, chỉ cần có một chỗ ngồi trong lớp có che nắng che mưa là được, nhưng ngày nay học trò của chúng ta không chỉ biết đọc, biết viết mà thông qua thiết bị học tập học sinh phải biết cả thế giới xung quanh và sự phát triển không ngừng của xã hội để chuẩn bị cho bản thân hội nhập ngay từ trên ghế nhà trường.
– Về sử dụng, giáo dục chúng ta đã một thời phải đấu tranh với tình trạng “đắp mền thiết bị”! Mua sắm trang thiết bị theo phong trào, theo chỉ thị, không gắn liền hữu cơ với nội dung dạy học như một thể thống nhất trong hoạt động giáo dục của nhà trường! Tình trạng “đắp mền thiết bị” một phần do kế hoạch và yêu cầu hoạt động của nhà quản lý, nhưng một phần khác là do giáo viên không biết, không quen sử dụng và không cảm nhận được tác dụng giáo dục từ cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường.
Đi đôi với quá trình xây dựng, lắp đặt cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường hiện đại là quá trình tuyển chọn và bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn tương ứng. Ở đó người giáo viên hiện đại phải am hiểu công dụng của cơ sở vật chất kỹ thuật, phải cảm nhận được niềm vui và tự hào về những thành quả cụ thể của quá trình sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường, không xem việc áp dụng cơ sở vật chất kỹ thuật trong dạy học như sự đối phó với mệnh lệnh hành chính từ cấp quản lý một cách vô hồn!
Nếu nhà nông ngày nay đã biết coi trọng yếu tố “giống” trong hệ thống giá trị “Thủy, phân, cần, giống” thì nhà giáo chúng ta phải biết coi trọng yếu tố “kỷ” trong bốn yếu tố cơ bản của mình “Tâm, tri, nghệ, kỷ” trong nhà trường hiện đại ngày nay.
Không ít ý kiến cho rằng, dù là nhà trường truyền thống hay nhà trường hiện đại, lực lượng giáo viên là yếu tố quan trọng nhất so với cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường. Nhưng trong điều kiện xã hội phát triển ngày nay, không có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại thì không thể có nhà trường hiện đại! Cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại sẽ tạo điều kiện cho nhà giáo thăng hoa, thể hiện được phương pháp dạy học tiên tiến, nhanh chóng loại bỏ những phương pháp dạy học lạc hậu mà lực lượng sư phạm chậm đổi mới thường mắc phải do thói quen hay vì ngại khó!
TS. Huỳnh Công Minh
(Chủ tịch Hội đồng sáng lập
hệ thống giáo dục EMASI)
Bình luận (0)