Mục tiêu tốt đẹp của giáo dục sẽ trở nên xấu xí, méo mó nếu chúng ta “thương mại hóa giáo dục” (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.V.T
|
Thời gian qua đã có một số chương trình, hoạt động của ngành giáo dục bị cho là “thương mại hóa giáo dục”, thậm chí là “trục lợi” từ phụ huynh học sinh (HS)…
Đó là những việc được công luận lên tiếng. Còn dư luận thì thậm chí có nhiều thông tin hơn: Chạy trường, chạy điểm, chạy chỗ dạy… với số tiền không hề nhỏ, chỉ có điều chưa bao giờ có bằng chứng cụ thể; vì thế cũng gần như chưa có trường hợp nào bị xử lý.
1. Nhiều người đã cảm thấy không hay với hình ảnh trong khuôn viên trường là các cửa hàng mua bán: Văn phòng phẩm hay căng tin bán đồ ăn uống. Dù trên thực tế, các cửa hàng đó có thể cần thiết cho HS và giáo viên (GV) trong trường; và nếu người ta không bán trong trường thì người bên ngoài trường cũng bán, lúc đó sẽ khó kiểm soát… Nhưng rõ ràng, ai đó có thể buôn bán nhưng nhà trường trực tiếp làm việc này thì dễ có cái nhìn thiếu thiện cảm. Không chỉ vậy, nhiều lần dư luận đã phản ứng với việc GV đứng lớp (nhất là GV chủ nhiệm) phải làm những việc chẳng đặng đừng là vận động và thu tiền các khoản này nọ. Rất chính đáng có thể là các khoản mua tài liệu, sách vở (cho thống nhất), nhưng cũng có nhiều khoản gần như chẳng GV nào muốn thu hay nhắc nhở là quỹ hội phụ huynh, các loại tiền ủng hộ, quỹ lớp… Có GV còn phải “muối mặt” nhắc lại với HS khoản học phí, tiền ăn bán trú… chưa đóng, thậm chí còn phải “dọa” các em. Do đó người GV nên được độc lập với việc giảng dạy của mình. Các việc có tính mua bán khác vốn rất nên hạn chế trong nhà trường thì lại phải càng hạn chế với GV.
2. Thực ra, trong điều kiện nước ta hiện nay, với tính chất “xã hội hóa” giáo dục, phụ huynh không thể không cùng nhà trường chăm lo cho việc học của con em mình, bằng các khoản đóng góp. Thí dụ, ở bậc tiểu học, các em được miễn học phí, nhưng gia đình phải đóng tiền cho buổi học thứ hai (thực ra cũng rất khiêm tốn), tiền ăn bán trú; đồng thời đóng tiền cơ sở vật chất, quỹ hội phụ huynh để có kinh phí trao thưởng cho HS khá giỏi, góp phần giải quyết một số yêu cầu của nhà trường. Tuy nhiên, có những khoản đóng góp “mang tính đặc thù” như trang bị những thiết bị mới (ti vi, đầu đĩa, máy chiếu, hay gần đây là bảng tương tác) hoặc những khoản “tình nguyện” ủng hộ vào “sổ vàng”; thậm chí còn có những vận động mang tính cá nhân dành cho phụ huynh “có điều kiện”… Như vậy, tính “xã hội hóa” dường như bị lạm dụng.
Nhưng ai cũng thấy một thực tế là dù phải đóng rất nhiều khoản nhưng chất lượng dạy và học gần như chưa được tương xứng. Ngay cả việc tăng học phí hoặc các khoản khác hàng năm thì chất lượng cũng không phải lúc nào cũng tăng; như vụ bảng tương tác hay việc xây dựng các phòng học tin học, ngoại ngữ, phụ huynh phải đóng nhiều tiền nhưng hiện vẫn còn nhiều lãng phí. Còn việc khen thưởng HS khá giỏi cuối năm lại theo chủ nghĩa bình quân nên tính tuyên dương tiêu biểu và động viên không cao. Như vậy, ngay cả phụ huynh chấp nhận có một cuộc mua bán, thì cuộc mua bán ấy cũng không sòng phẳng và HS thường phải nhận những gì không tương xứng với đồng tiền cha mẹ các em bỏ ra. Do đó nghịch lý đó phải được khắc phục.
Người làm giáo dục có thể thu được lợi nhuận nhưng không phải vì đã xem kiến thức, chỗ học, bằng cấp… là thứ có thể đem bán và thu lãi.
|
3. Trên thực tế, Nhà nước nói chung và ngành giáo dục nói riêng cần triệt để chống các hiện tượng mua bán trắng trợn trong nhà trường. Đó là việc phụ huynh phải trả tiền (cho trường hay cho cá nhân nào liên quan đến giáo dục cũng đều không tốt) để con em được vào học ở trường trái tuyến hoặc ở trường mà con em họ không đủ điểm vào (hiện tượng chạy trường). Đó là việc phụ huynh phải “biết điều” với GV để con em họ được dạy một cách đàng hoàng (như phải đi học thêm, phải quà cáp, biếu xén…). Đó là việc GV phải trả tiền để được dạy ở một trường học nào đó, khiến mỗi buổi lên lớp đơn thuần là một công việc, thậm chí là công việc phải “có thu bù chi” chứ không còn những mỹ từ “trồng người”, “kỹ sư tâm hồn” (tức hiện tượng chạy chỗ). Đó là việc người học phải bỏ tiền hoặc các lợi ích vật chất khác để được điểm cao trong các kỳ thi, trong các bài kiểm tra, mà người nhận có thể là GV hoặc cán bộ trong nhà trường (tức hiện tượng chạy điểm)…
4. Những hiện tượng đó đã và đang làm vẩn đục môi trường giáo dục, khiến tính thương mại trong nhà trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung ngày càng đậm nét và mục tiêu tốt đẹp của giáo dục bị biến dạng, trở nên méo mó, xấu xí, gây ra những hệ lụy tai hại.
Trong chừng mực nào đó, chúng ta phải chấp nhận sự mua bán trong nhà trường nhưng không thể xem nhà trường là nơi mua bán, bất kể dưới hình thức nào. Người làm giáo dục có thể thu được lợi nhuận nhưng không phải vì đã xem kiến thức, chỗ học, bằng cấp… là thứ có thể đem bán và thu lãi. Và, các phương tiện, thiết bị phục vụ giáo dục càng không phải là thứ có thể đem trao đổi, mua bán để kiếm chác!
Nguyễn Trúc Giang (Q.3, TP.HCM)
Kiểm tra tình trạng lạm thu đầu năm học
Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều bài viết phản ánh tình trạng lạm thu đầu năm học ở nhiều địa phương.
Về việc này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo kiểm tra, rà soát tình trạng lạm thu đầu năm học, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
P.Hiển
|
Bình luận (0)