Vào đầu mỗi năm học, ngành giáo dục lại ra các văn bản chấn chỉnh hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS). Theo nhiều chuyên gia, để hoạt động của ban đại diện CMHS được hiệu quả thì ngoài các biện pháp “cứng rắn” của ngành giáo dục, nhà trường cần phát huy vai trò đối thoại.
Ban đại diện cha mẹ học sinh cần thêm gì để hoạt động hiệu quả?
Chia sẻ về hoạt động của ban đại diện CMHS, bà Nguyễn Thị Việt Tú (đại biểu HĐND TP.HCM) cho rằng, ngành giáo dục thành phố cần phải có các quy định cụ thể, rõ ràng dựa trên thẩm quyền và các thông tư, hướng dẫn có sẵn của Bộ GD-ĐT để hoạt động của ban đại diện CMHS được bài bản hơn nữa, phù hợp với đặc thù của TP.HCM, chứ không nên để đến hẹn lại lên, mỗi năm lại chấn chỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Tú, điều quan trọng là ngành giáo dục cần phải giúp ban đại diện CMHS trong lớp, trường hoạt động một cách hiệu quả, đúng pháp luật chứ không thể cấm cản. Ngành giáo dục cần tuyên truyền thêm cho phụ huynh về Thông tư 55, Thông tư 16 liên quan đến hoạt động của ban đại diện CMHS, để phụ huynh nắm rõ nhất những việc ban đại diện phụ huynh có thể làm, việc gì không được làm.
Đặc biệt, mỗi giáo viên chủ nhiệm chính là cánh tay nối dài của nhà trường trong công tác quản lý, do đó cần thiết lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm phải nắm được hoạt động và cách thức hoạt động của chi hội phụ huynh lớp mình, từ đó kịp thời ngăn chặn những cách thức hoạt động chưa đúng quy định.
“Sở GD-ĐT TP.HCM cần có những quy định chặt chẽ liên quan để câu chuyện lạm thu, thu sai quy định trong trường học không tiếp diễn. Và nếu có xảy ra thì phải có hình thức xử lý như thế nào để đúng quy định song vẫn mang tính răn đe, không phải là xử lý tình huống. Nếu không có thể dẫn đến hệ lụy là cán bộ quản lý nhiều nhà trường sẽ không dám làm, nhiều phụ huynh sẽ không dám vào ban đại diện và như vậy, học sinh sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhất”, bà Nguyễn Thị Việt Tú đề xuất.
ThS. Nguyễn Hồng Ân (Khoa Khoa học xã hội, Trường ĐH Hoa Sen) nhận định, những sự vụ về thu, chi trong trường học sẽ tác động lớn đến niềm tin của phụ huynh với trường học, nhất là các hoạt động liên quan đến tài chính, thu – chi của trường. Hệ lụy nguy hiểm là dẫn đến câu hỏi về niềm tin trong một tập thể trong việc giải quyết các vấn đề chung, trong khả năng giao tiếp, đối thoại giữa các bên. Phụ huynh sẽ gặp khó khăn trong việc tin tưởng các hoạt động giáo dục của nhà trường, và ngược lại, nhà trường, thầy cô cũng sẽ gặp khó khăn trong việc giao tiếp với phụ huynh. Nhà trường, thầy cô có thể sẽ rất e ngại để mà thẳng thắn chia sẻ khi cần có thêm sự hỗ trợ từ phía phụ huynh cho các hoạt động giáo dục của trường. Điều này tạo thành một vòng khó khăn trong đối thoại, từ đó dẫn đến việc khó thông hiểu và càng khiến cho môi trường giáo dục thêm khó khăn hơn.
Theo ThS. Nguyễn Hồng Ân, điều quan trọng nhất để có thể hạn chế những vấn đề phát sinh trong trường học, bao gồm cả câu chuyện thu, chi là cần thiết phải có giải pháp đối thoại giữa các bên với nhau trước mỗi vấn đề, dựa trên tinh thần xây dựng.
“Để ban đại diện CMHS hoạt động hiệu quả thì ngoài các biện pháp chung từ ngành giáo dục, mỗi nhà trường cần phát huy vai trò đối thoại; nhà trường phải rõ ràng, chi tiêu cần minh bạch với các vấn đề hỗ trợ. Vấn đề về đóng góp cũng cần phải tôn trọng sự riêng tư và bảo mật vì mỗi phụ huynh có hoàn cảnh khác nhau, khả năng đóng góp sẽ khác nhau. Quan trọng nhất là cần có giải pháp đối thoại trước mỗi vấn đề phát sinh, để có thể giúp đưa ra giải pháp tốt nhất hướng đến học sinh, bởi cuối cùng những câu chuyện đều sẽ ảnh hưởng đến học sinh”, ThS. Nguyễn Hồng Ân nhấn mạnh.
Biện pháp “cứng rắn” từ ngành giáo dục
Đánh giá về tình hình triển khai các khoản thu, chi đầu năm của các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM dịp đầu năm học, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng cho hay, nhìn chung các trường đều thực hiện đúng và nghiêm túc các quy định của ngành về tổ chức triển khai các khoản thu, chi đầu năm theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT. Tuy nhiên, vẫn còn vài trường hợp cá biệt tại một số ít trường học, còn có cá nhân lãnh đạo và giáo viên chưa hiểu rõ và chưa thực hiện đúng việc tổ chức vận động các khoản thu, chi từ các nguồn tài trợ… dẫn đến thực hiện không đúng quy định tại Thông tư số 16/2018 của Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Thông tư số 55/2011 của Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ ban đại diện CMHS, gây dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành và các đơn vị, đồng thời gây hiểu lầm cho phụ huynh…
Để chấn chỉnh, xử lý dứt điểm tình trạng thu, chi không đúng quy định của ban đại diện CMHS, ông Dương Trí Dũng cho biết Sở GD-ĐT TP.HCM đã yêu cầu phòng GD-ĐT quận/huyện, TP.Thủ Đức phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch tham mưu UBND quận/huyện, TP.Thủ Đức ban hành hướng dẫn thu, chi đối với các cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý kịp thời, đúng quy định theo hướng dẫn của sở.
Phòng GD-ĐT tham mưu UBND quận/huyện, TP.Thủ Đức chỉ đạo các phòng/ban có liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát, thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu, chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp; kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định. Có hình thức xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng các cơ sở giáo dục thực hiện thu, chi không đúng quy định.
Đặc biệt, yêu cầu lãnh đạo phòng GD-ĐT và hiệu trưởng các trường bị dư luận phản ảnh tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và người đứng đầu đơn vị; có biện pháp kỷ luật phù hợp, kịp thời đối với những trường hợp xác định sai phạm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Bài, ảnh: Đỗ Yến
Bình luận (0)