Trong khi doanh nghiệp “đỏ mắt” tuyển dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thì lượng sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề lại thấp. Việc thắt chặt hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường liên tục được chú ý suốt thời gian gần đây.
Ngày 30-5, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp tại TP.HCM” tiếp tục đề cập sâu hơn những giải pháp cho vấn đề này.
Cần những “trường học thực tế” cho sinh viên
Năm 2010, mô hình “Trường học thực tế” do Công ty cổ phần Công nghệ Đăng Dũng thực hiện đã thí điểm đào tạo 15 sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng. Chú trọng tiêu chí chất lượng nên những sinh viên tham gia mô hình này cũng đã được chọn lọc. Sau khi được đào tạo, các em đều có tay nghề thực sự, đáp ứng được nhu cầu nhà tuyển dụng, có việc làm ổn định đúng chuyên môn. Ông Võ Hoa Sơn (Giám đốc công ty) đánh giá, đây là mô hình hiệu quả để đào tạo sinh viên có thực lực về chuyên môn, ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong môi trường hội nhập. Tuy nhiên, cũng vì yêu cầu đào tạo chất lượng cao nên mô hình này chỉ dành cho những thành phần được chọn lọc, khó áp dụng đại trà. Đến nay, mô hình này cũng đã “thu nạp” thêm sinh viên một số trường ĐH, CĐ khu vực TP.HCM và nhận được những phản hồi tích cực.
Ông Phạm Đức Khiêm – Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM phát biểu khai mạc hội thảo |
Một kế hoạch đào tạo thực tiễn bài bản, chặt chẽ như thế này luôn là điều mà nhiều trường và doanh nghiệp nỗ lực hướng tới. Dù vậy, trên thực tế, việc rút ngắn khoảng cách giữa đơn vị cung ứng và sử dụng lao động nói chung còn khó khăn. Chỉ đơn cử vấn đề thực tập của sinh viên, doanh nghiệp còn e ngại, đối diện với rất nhiều lo lắng. Ông Nguyễn Hải Thanh – Giám đốc Công ty TNHH Bê tông 620 Đồng Tâm – nêu cụ thể sinh viên thiếu ý thức tuân thủ quy trình, quy định về an toàn trong doanh nghiệp, dễ dẫn đến tai nạn, rủi ro. Chưa kể, đơn vị cho sinh viên thực tập làm thật thay vì chỉ được… xem nhưng chi phí phát sinh do sản phẩm các em làm bị lỗi cũng gây tốn kém. Đáng nói, trong khi doanh nghiệp ngại lộ bí quyết công nghệ thì sinh viên cứ phớt lờ quy định, thoải mái quay phim, chụp hình nơi sản xuất.
Trong khi đó, không chỉ sinh viên mà theo ông Thanh, phía nhà trường cũng chưa tạo đủ niềm tin cho doanh nghiệp để mở rộng hợp tác. Kinh phí đào tạo không đủ trang trải thêm cho hoạt động liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường. Thù lao trả cho cán bộ chuyên trách không ngang bằng với công sức bỏ ra, dẫn đến kiểu làm việc cho xong trách nhiệm, dần dần mô hình liên kết đào tạo chỉ dừng ở khẩu hiệu.
Ở góc độ đơn vị đào tạo, ông Phạm Đức Khiêm – Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM – cũng nhìn nhận thực trạng các trường chỉ đào tạo những cái mình có, chưa chú trọng nhu cầu thị trường, thực tiễn doanh nghiệp cần nên chưa biết sản phẩm đào tạo được doanh nghiệp chấp nhận đến đâu. Đó là một phần lý do sinh viên lúng túng khi bước vào công việc thực tế, ảnh hưởng đến chất lượng công việc, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.
Ý kiến khác lại cho rằng, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa nhìn thấy lợi ích và sự cần thiết của việc chung tay đào tạo dẫn đến thiếu mặn mà, hào hứng tham gia.
Thắt chặt hợp tác đào tạo
Vấn đề tăng cường hơn nữa hiệu quả liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm giáo dục được hầu hết các đại biểu thống nhất đề cập. TS. Phạm Văn Khanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang – cho rằng quá trình hợp tác này cần có cam kết, hợp đồng rõ ràng giữa hai bên để tăng tính pháp lý làm căn cứ thực hiện. Song song đó, nhà trường cần chuyển đổi mạnh mẽ nhận thức, thực hiện phương châm đào tạo cái xã hội cần thay vì cái mình có.
Đại diện các đơn vị đào tạo cũng đề nghị phía doanh nghiệp cung cấp kế hoạch tuyển dụng lao động trong năm hoặc đặt hàng số lượng lao động hằng năm để nhà trường chủ động đào tạo.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hải Thanh đề cập vấn đề giải quyết tốt những lợi ích nhỏ nhất từ doanh nghiệp và nhà trường, trả thù lao thỏa đáng cho cán bộ của cả hai phía, đảm bảo đủ trang trải cuộc sống để họ toàn tâm toàn ý cho công việc. Vấn đề kinh phí đào tạo cũng được ông Thanh nhấn mạnh trong hợp tác giữa hai bên. Theo ông Thanh, hiện chưa có cơ chế thống nhất giải quyết quyền lợi giữa doanh nghiệp và nhà trường. Mức học phí của sinh viên đóng cho nhà trường cố định, không đủ để thực hiện liên kết đào tạo với doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp nếu có thu phí các trường cũng không… thấm tháp so với thu nhập từ hoạt động kinh doanh.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)