Các đại biểu tham gia hội thảo “Nhà trường Việt Nam trong một nền giáo dục tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc” |
Ngày 28-11-2009, tại hội trường Dinh Thống Nhất TP.HCM đã diễn ra hội thảo khoa học toàn quốc “Nhà trường Việt Nam trong một nền giáo dục tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc” do Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của gần 400 đại biểu đến từ 30 tỉnh, thành trong cả nước, nội dung xoay quanh định hướng phát triển giáo dục, phấn đấu đến năm 2020 nước ta có một nền giáo dục tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập.
Nền giáo dục tiên tiến đậm bản sắc
Giáo sư Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: “Truyền thống hiếu học, coi trọng giáo dục, quý chuộng nhân tài vốn được tiếp nối và phát huy mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam. Thế nhưng, trước thực trạng giáo dục hiện nay vẫn còn nhiều chuyện ngổn ngang, bức xúc đòi hỏi chúng ta phải có suy nghĩ, cách nhìn toàn cảnh hơn về giáo dục”. Theo đó, trong bối cảnh hội nhập, giáo dục cần phải được xem trọng và hướng đến sự tiên tiến của nền giáo dục thế giới song vẫn giữ được bản sắc riêng của dân tộc.
Nhiều ý kiến cho rằng, nền giáo dục tiên tiến đậm bản sắc dân tộc chính là sự kết hợp giữa dạy chữ đi đôi với dạy người, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập của xã hội. Nền giáo dục hiện đại, chuẩn hóa ấy phải gắn liền với sự phát triển của xã hội và mang một đặc trưng riêng của dân tộc, không lẫn lộn với bất cứ nền giáo dục khác.
Ông Nguyễn Minh Kỳ, đại biểu đến từ Hội Khoa học TLGD Khánh Hòa đưa ra 6 tiêu chí để xây dựng một nền giáo dục tiên tiến đậm bản sắc Việt Nam: xây dựng được đội ngũ nhà giáo giỏi, phẩm chất đạo đức tốt và thực sự yêu nghề; có một hiệu trưởng giỏi, tận tụy, tâm huyết với sự nghiệp của nhà trường; học sinh do nhà trường đào tạo phải ngang tầm với trình độ quốc tế, sống có bản lĩnh song không lai căng, mất gốc mà vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt; cơ sở vật chất phải đáp ứng tối đa nhu cầu dạy – học; chương trình sách giáo khoa phải khoa học, đúng chuẩn và nhà giáo phải có kỹ năng khai thác, chuyển tải. Cuối cùng phải xây dựng được một môi trường sư phạm lành mạnh, ổn định, văn hóa, phù hợp với chuẩn giá trị của xã hội. Ông Kỳ tin rằng: “Xây dựng nhà trường tiên tiến với đầy đủ các tiêu chí trên chính là cốt lõi đảm bảo sự bền vững của nền giáo dục nước ta, đủ sức cạnh tranh với giáo dục thế giới vừa khẳng định được thương hiệu vừa giữ được bản sắc dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa”. Về giáo dục đại học, giáo sư Phạm Minh Hạc cho biết thêm, Việt Nam là một quốc gia rộng lớn, không thể khoán trắng nền giáo dục đại học cho các trường nước ngoài. Hơn bao giờ hết, trong lĩnh vực giáo dục ngày nay đòi hỏi cần nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, làm sao cả những trường, các giảng viên, sinh viên nước ngoài hợp tác với nước ta cũng phải tôn trọng truyền thống văn hóa và giáo dục của Việt Nam.
Phải được xây dựng trên nhiều phương diện
Tại hội thảo, tiến sĩ Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã nêu lên thực trạng giáo dục và đào tạo của thành phố. Theo đó, TP.HCM có hơn 1.500 trường học, trong đó trường công lập chiếm tỉ trọng 2/3 tổng số trường với 76.420 cán bộ giáo dục. So với cả nước, cơ sở vật chất và thiết chế nhà trường của TP.HCM có sự vượt trội và đạt nhiều thành tựu. Song, tiến sĩ Minh cho rằng: “So với yêu cầu nhà trường tiên tiến, hội nhập, TP.HCM còn phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn trong việc xây dựng cơ sở vật chất và thực hiện đồng bộ đổi mới tư duy về giáo dục”.
Đối với công cuộc xây dựng nền giáo dục tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc, tiến sĩ Minh cho rằng nền giáo dục Việt Nam phải thể hiện tính tiên tiến trên cả 5 phương diện từ mục tiêu, nội dung, phương pháp đến tổ chức quản lý và đánh giá thi cử. Đồng thời, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội thông qua hệ thống pháp luật và được thể hiện đầy đủ trong cuộc sống. Xây dựng nhà trường Việt Nam trong một nền giáo dục tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc chính là xây dựng nhà trường của một nền giáo dục tiên tiến, thể hiện tính quốc tế của nền giáo dục tiên tiến trong thời kỳ hội nhập. Đồng thời, nhà trường Việt Nam phải mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, thể hiện qua việc nhận thức mối quan hệ hữu cơ giữa văn hóa và giáo dục, tích cực nâng cao các giá trị văn hóa học đường cũng như cần quan tâm, giáo dục ý thức công dân và tình cảm cộng đồng cho các em.
Thực tế cho thấy, nền kinh tế thị trường và tiến trình hội nhập đang diễn ra ở nước ta khá mạnh mẽ do đó những chuẩn mực, yêu cầu đối với người lao động cũng ngày càng cao và có tính cạnh tranh. Chính vì vậy, bên cạnh việc nhà trường phải phấn đấu xây dựng nền giáo dục tiên tiến đậm bản sắc, mỗi cá nhân học sinh cần phải biết tự đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, suốt đời mới có thể đáp ứng nhu cầu hội nhập trên cơ sở gìn giữ, tôn trọng và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, hòa nhập chứ không hòa tan.
Ngân Du
Bình luận (0)