Y tế - Văn hóaThư giãn

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn: Trót mang lấy nghiệp vào thân

Tạp Chí Giáo Dục

Đúng ngày 30-4-2016, tôi nhận được cuốn sách mới in của nhà văn Đoàn Minh Tuấn gửi từ TP.HCM qua chuyển phát nhanh. Thoáng ngạc nhiên và rất mừng. Ngạc nhiên vì thi thoảng thăm nhau qua điện thoại, tôi hỏi dạo này có viết đều không, thường nhận được hai từ đáp giọng hơi buồn: “Đọc thôi!”. Mừng vì ông đã bước vào tuổi 85, vẫn túc tắc viết.

Về lại Gò Công, tập truyện ngắn chọn lọc gồm truyện ngắn bình thường, truyện ngắn lịch sử và truyện cực ngắn. 14 truyện, có những truyện mới viết năm 2013, 2015 và 2016! Truyện mới nhất, Ông tướng làng Tó, mà nhân vật chính là Ngô Thời Nhậm, vừa mới in trên Tạp chí Cẩm Thành, tỉnh Quảng Ngãi, tháng 1-2016. Đọc truyện này, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – thốt lên: “Lần đầu tiên trên văn đàn, đọc truyện Ông tướng làng Tả Thanh Oai (làng Tó) viết về Ngô Thời Nhậm, chưa có tác giả nào khái quát thành công như vậy. Đoàn Minh Tuấn đã khắc họa và dựng được hình tượng một vị tướng tài ba, văn võ song toàn, hào hùng như thế. Cảm ơn tác giả” (Trích “Lời thưa” in đầu tập truyện). Và Chủ tịch hội đã quyết định tài trợ cho việc xuất bản những tác phẩm chất lượng như thế này.

Cuốn sách do Nhà xuất bản Thanh niên cho ra mắt độc giả nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-2016.

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn quê tỉnh Quảng Ngãi, tham gia công tác sớm, từ tháng 8-1945. Xuất thân Trường võ bị Liên khu 5, nhưng tập kết ra Hà Nội lại chộp luôn cái bằng cử nhân văn chương ở ngôi trường danh giá nay là Đại học Quốc gia Hà Nội. Làm việc tại Đài TNVN, Báo Thống nhất, Đài Truyền hình TP.HCM, Tổng Biên tập Tạp chí Toàn cảnh của Bộ Văn hóa – Thông tin cho đến ngày nghỉ hưu.

Ông viết nhiều, viết khỏe, đa dạng. Cuốn Bác Hồ – cây đại thọ gồm những mẩu chuyện bình dị, lời văn trong sáng, phản ánh được phần nào phong cách của lãnh tụ kính yêu, vì vậy được bạn đọc trẻ cả nước ưa chuộng, đến nay đã tái bản 19 lần. Cũng như vậy, bộ truyện Núi sông hùng vĩ gồm 3 tập tái bản 5 lần. Cuốn Với Bác Nguyễn cũng đã tái bản 5 lần. Nhà văn Tô Hoài nhận xét: “Những giai thoại của Đoàn Minh Tuấn viết về Nguyễn Tuân cho thấy được một cách viết giai thoại chân thực, tình cảm của một nhà văn với người bạn văn tiền bối thân quý. Qua những kỷ niệm đôi khi nho nhỏ và hằng ngày mà sâu sắc, Đoàn Minh Tuấn đã cung cấp cho bạn đọc thấy được tính cách Nguyễn Tuân bằng những sự việc và số liệu có giá trị khoa học, nhân văn và nghệ thuật”. Trong khi những bài viết đề cập thời cuộc của ông thì hơi văn hoạt, chuẩn xác, sắc sảo. Viết ra giấy trắng mực đen còn cân nhắc, phát biểu tại hội nghị thì lời lẽ thường thẳng đuột, có khi ngang như cua. Mấy lần ông đăng đàn tranh luận tại các đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, tôi nghĩ bụng: Ông này đúng chất dân vùng Ngũ Quảng nhà mình: “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co…”.

Nghĩ sao nói vậy, chẳng nể vì ai, nhưng cư xử với bạn hữu thì đầy tình nghĩa. Ông giao du rộng, bạn bè đủ lứa, trong Nam ngoài Bắc. Tại cuộc hội thảo về nhà văn quá cố Nguyễn Tuân, Ban tổ chức trân trọng giới thiệu: “Nhà văn Đoàn Minh Tuấn, bạn của Nguyễn Tuân”, ông đứng lên hướng về cử tọa nói không cần micro: “Tôi không phải là bạn của Nguyễn Tuân. Tôi thuộc lớp đàn em, chơi với cụ là để điếu đóm cho cụ thôi”.

Mỗi lần nghe tin tôi vào Nam, Đoàn Minh Tuấn thường tìm đến nơi nghỉ thăm hỏi chuyện trò. Trước còn lai rai với nhau mỗi người một vại bia, nay hai anh em chia nhau một lon mà cái ly của ông có hôm không cạn. Ông lắc đầu: “Con nó không cho đi xe máy nữa. Gần hay xa cũng taxi thôi”. Đoàn Minh Tuấn kém tôi mấy tuổi, mỗi lần bắt tay tạm biệt tôi thường chọc: “Này, nếp sống văn minh phải xếp hàng thứ tự, không được phép chen ngang đi trước, nhớ nghe”. Ông cười: “Chuyện này xin nhường nhịn tất”.

Đọc xong cuốn sách, tôi hơi tiếc cho ông. Có lẽ tại mải bôn ba công việc, ông đã không dành thời gian làm theo lời khuyên thân tình của tác giả Vang bóng một thời nhắn từ Hà Nội ít lâu sau ngày đất nước thống nhất: “Này ông Đoàn Minh Tuấn, ông là người thuộc lịch sử ta và những giai thoại lịch sử Việt Nam – ờ, tại sao ông không viết một truyện dài, truyện vừa lịch sử nhỉ. Tôi chờ cuốn ấy của ông để “bình” trên báo đó” (thư đề ngày 20-7-1976). Tiếc, nhưng vẫn mừng cho bạn. “Đã mang lấy nghiệp vào thân”, đến tuổi này mà vẫn làm nên mấy truyện ngắn lịch sử khiến Chủ tịch Hội Nhà văn hào hứng đến thế, đủ gọi là thủy chung với nghiệp với nghề rồi.

Phan Quang (Cựu Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam)

Bình luận (0)