- 1 Nhà văn làm báo
Khi một nhà văn làm báo, họ sẽ nhúng vào tác phẩm báo chí “chất” văn chương, nghệ sĩ, đôi khi là sự ngẫu hứng “có kiểm soát”.

Tôi là dân chuyên văn thứ thiệt, từ cấp 2 đến cấp 3, rồi lên đại học thì học chuyên ngành ngữ văn. Giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa thời đại học, ra trường tôi đi làm báo, vì báo là nghề, còn văn chương là nghiệp. Nghề là để kiếm sống, là công việc, còn nghiệp là niềm đam mê, sẽ theo mình mãi mãi. Cũng bởi là dân văn, nên đến với nghề báo, tôi hầu như phải học lại từ đầu, chủ yếu là tự học, học hỏi từ các bậc đàn anh, từ môi trường làm báo và học từ việc đọc báo. Học cách tiếp cận, xử lý thông tin, kỹ năng phỏng vấn, khai thác và xây dựng nên một câu chuyện từ nhân vật, học cả cách chụp ảnh. Đến khi đặt bút viết thì mọi thứ khá dễ dàng, vì viết lách là sở trường của mình, đã nằm trong máu của mình từ lâu rồi.
Tôi làm báo từ rất sớm, thời sinh viên đã tham gia viết bài cộng tác các báo văn nghệ TP.HCM, tạp chí văn, Báo Giác Ngộ. Ra trường, tôi về hẳn Báo Giác Ngộ, làm phóng viên cho tờ báo Phật giáo này, đồng thời viết bài cộng tác cho nhiều báo khác nhau, từ tạp chí Kiến thức ngày nay, Báo Tuổi trẻ, Sài Gòn giải phóng đến nguyệt san Tuổi trẻ sống đẹp chỗ nhà thơ Cao Xuân Sơn. Làm Báo Giác Ngộ lương khá thấp, nên tôi phải kiếm thêm bằng cách viết bài cộng tác các báo khác, nếu có bài đăng các báo lớn, nhuận bút một bài viết đôi khi nhiều hơn gấp đôi, gấp ba lương tháng bên tờ báo chính. Thói quen này tôi vẫn còn giữ cho đến khi đã là biên tập viên cho các tờ Tạp chí The Guide (thuộc Thời báo Kinh tế Việt Nam), Tạp chí Du lịch và Giải trí, Tạp chí Travellive…

Việc viết bài cộng tác các báo ngoài chuyện nhuận bút, một phần cũng là để thỏa nguyện sở thích văn chương của mình. Tâm hồn mình sẽ được bay bổng nhiều hơn với những bài tạp bút, ký sự nhân vật, phần lớn là viết về những người làm nghệ thuật. Thật hạnh phúc khi có lần gặp lại thầy Trưởng khoa Ngữ văn – Báo chí bên trường đại học cũ của mình, được thầy bắt tay, vỗ vai thân mật: “Thưởng đây hả, Thưởng chuyên viết ký sự nhân vật đây mà!”. Càng vui hơn khi biết cả hai thầy trò đều cộng tác chung một tờ báo, số báo nào đó thấy tên mình đứng bên cạnh tên của thầy thì còn gì hãnh diện hơn.
Một trong những kỷ niệm không thể quên vào thời gian đầu làm báo chính là nỗi trăn trở về lương tâm người làm báo trong mỗi bài viết của mình. Sau này, nỗi trăn trở nghề nghiệp còn có thêm nhiều điều khác nữa. Đó là bài viết phóng sự xã hội viết cho Báo Giác Ngộ. Tôi đến một trung tâm bảo trợ, nuôi dạy những trẻ khiếm thị, phần lớn là trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, cơ sở này nằm trong một ngôi chùa. Hồi đó, bản thảo bài viết còn viết tay, kèm theo vài tấm ảnh minh họa được in ra từ máy ảnh chụp bằng phim. Buổi tối ngồi viết gần xong, đọc lại thấy bài viết không xứng đáng với tấm lòng của những người chăm sóc trẻ khiếm thị cũng như những phận đời kém may mắn trong trung tâm đó, vậy là xé bỏ, viết lại từ đầu, đến khuya mới xong bài. Đó là hạnh phúc lần thứ nhất, hạnh phúc lần thứ hai là sau khi bài lên báo, nhiều nhà mạnh thường quân ủng hộ, tài trợ cho cơ sở này, khiến mình cảm thấy ấm lòng.
Ra làm báo, mình cũng nhận được nhiều nâng đỡ. Đó là vào thời gian mình cộng tác cho Tạp chí Kiến thức ngày nay, nơi có thầy hồi đại học làm thư ký tòa soạn và người anh cùng trường làm biên tập. Thầy và anh trao đổi với tôi một bài báo để được chọn đăng trên tạp chí thì phải hội đủ những gì, đến khi có vài bài đăng rồi, thỉnh thoảng thầy và anh đặt tôi viết bài cho một chuyên mục cố định nào đó. Thời hoàng kim, Tạp chí Kiến thức ngày nay trả nhuận bút cho một bài báo với số tiền tương đương cả một chỉ vàng! Nếu tháng nào cũng có một bài đăng ở đây thì tháng đó, túi rủng rỉnh tiền xài!

Nói đến chuyện nhuận bút, có lẽ tôi phải nhắc đến cơ duyên được gặp gỡ và được chọn làm người chấp bút cho cuốn sách đầu tay của người chị doanh nhân. Chị có câu chuyện nhưng không có khả năng viết thành sách, trong khi lúc đó, tôi đã có nhiều năm làm biên tập viên báo chí và đã xuất bản một số sách. Để có dữ liệu viết sách cho chị, vào mỗi cuối tuần, chúng tôi hẹn gặp nhau tại một quán cà phê nào đó, chị diễn ý, tôi ghi âm và ghi chép lại, đến khi đã đủ dữ liệu thì bắt tay vào viết, rồi hỗ trợ chị các công đoạn xuất bản, quảng bá sách. Tiền nhuận bút tôi nhận được từ công việc chấp bút này là 25 triệu đồng (quy ra tiền Mỹ kim là hơn một ngàn đô la!), đây cũng là khoản nhuận bút cao nhất mình từng nhận được cho một “đơn vị công việc” có liên quan đến nghề viết.
Làm báo đối với người viết văn là một nghề, nhưng đôi khi cái nghề lại lấn át cả cái nghiệp văn, cũng đành chấp nhận, miễn sao khi làm cái gì, mình cũng đều tận tâm, làm bằng cả sự yêu thích, cái này rất quan trọng, dù ở giai đoạn nào, viết báo, làm báo hay trở lại làm người huấn luyện, đào tạo kỹ năng viết báo cho thế hệ đàn em. Có những biến cố, tai nạn nghề nghiệp, điều này ai cũng gặp phải, nhưng quan trọng là mình biết đứng dậy từ chỗ mình ngã xuống, đứng thẳng lưng và lúc nào cũng giữ thẳng ngòi bút.
Làm báo đối với người viết văn mang lại cho người trong cuộc những trải nghiệm sôi động từ những chuyến đi, những xúc chạm và cơ hội gặp gỡ nhiều người, mở rộng tầm nhìn, đào sâu vốn sống. Nhưng từ trong thẳm sâu hồn mình, tôi vẫn mơ về một cuốn tiểu thuyết của riêng mình, dành cho riêng mình, trong đó nhúng vào đó những kỷ niệm vui buồn suốt gần ba mươi năm viết và làm báo.
Bài và ảnh: Trần Văn Thưởng
Bình luận (0)