Nhà văn Minh Quân |
Nhà văn Minh Quân là một tên tuổi rất quen thuộc với độc giả thiếu nhi lẫn người lớn qua những tác phẩm: Máu đào nước lã, Ngục thất giữa rừng già, Những ngày xanh, Vượt đêm dài, Mưa sa mạc, Những ngày cạn sữa, Theo chân thần tượng, Về thăm thầy cũ… cùng rất nhiều quyển sách do bà dịch được độc giả yêu mến, tái bản nhiều lần. Những ngày đầu xuân 2009, nhà văn Minh Quân đã dành cho Giáo Dục T.PHCM một cuộc trò chuyện “bên lề” chuyện nghề khá thú vị.
PV: Nhiều người thắc mắc, không biết lý do vì sao những trang viết của bà thì đầy nữ tính nhưng bà lại ký một bút hiệu đầy vẻ đàn ông?
– Thật ra ngày trước tôi ký nhiều bút hiệu, cốt để che mắt bọn mật thám thời Pháp. Về sau, có lần ông chủ bút tạp chí tôi vẫn cộng tác nói với tôi bằng giọng phách lối rằng phụ nữ không thể viết nên hồn nếu không nhờ các ông nâng đỡ. Tôi đã nói thẳng với ông ta rằng “Tôi xin từ biệt báo ông! Sẽ chẳng bao giờ tôi viết cho ông nữa, ông khỏi nhọc công nâng đỡ”. Sau đó, tôi bỏ hết những bút hiệu phụ nữ như Bích Thủy, Bích Lan, Chí Lan, Minh Tâm… và ký toàn những bút hiệu đàn ông: Minh Tuấn, Bửu Lợi, Minh Quân, cuối cùng tôi giữ luôn bút hiệu Minh Quân. Từ khi tôi đoạt giải cuộc thi truyện ngắn của Hội Bút Việt thì hình tôi được in lên sách. Cũng từ đó, tôi đã lộ ra là phụ nữ, không còn được các ông chủ báo ngỡ là đàn ông nữa – vì tôi muốn được thấy tên mình trên sách báo nhờ ở thực lực chớ không phải nhờ họ nâng đỡ như lời tuyên bố của ông chủ bút năm nào. Và cũng từ đó, độc giả trẻ của tôi không còn gọi tôi là “chú” nữa.
Chắc hẳn thời thơ ấu của bà rất đáng nhớ?
Thời thơ ấu của tôi thấm đẫm vị mặn của muối biển, âm thanh của sóng, gió và cát… Bước chân trần của tôi từng giẫm lên khắp những động cát trong vùng, tiếng xào xạc của cát làm tôi hứng khởi. Những chiều nước cạn, tôi thơ thẩn ra biển dạo tới, dạo lui ven bờ, mon men dọc theo những vùng nước cong lắp xắp, giẫm lên những vùng cạn ấy gây nên những tiếng kêu lách chách giòn giã, rất vui tai. Thời tiểu học, tôi thích môn văn và môn sử, có thể nói là rất giỏi, viết chính tả không bao giờ sai dù là một cái dấu. Tôi đặc biệt ghét môn toán có lẽ vì quá dốt môn này.
Kỷ niệm nào trong nghề viết lách khiến bà nhớ nhất?
– Tôi nhớ nhất là lần được ông chủ nhiệm một tạp chí tại Huế phái sang nhà cụ Phan Bội Châu lấy tài liệu về hai con chó của cụ nuôi – đã chết và được cụ chôn ở vườn nhà, có dựng bia hẳn hoi. Nhận nhiệm vụ quan trọng đó, tôi đạp xe qua Bến Ngự liền. Nhưng chưa vào nhà cụ Phan thì đã bị hai gã mật thám chặn lại gần ngõ nhà cụ, hăm dọa và lục xét. Xui xẻo cho tôi, trong túi xách có tờ giấy ghi tên hai cuốn sách, một là Trái lựu đạn chưa kịp nổ của Thiết Can và cuốn Tư bản hấp hối (tôi quên tác giả). Chúng hỏi: “Sách ghi tên nghe ghê rứa?”. Tôi trả lời: “Tiểu thuyết mà, có gì ghê đâu!”. Giằng co một lát, chúng bắt tôi cùng đến nhà sách để hỏi cho ra nhẽ. Cũng may là nhà sách đã xác nhận là có hai cuốn sách đó thật. Hôm sau, tôi dậy từ tờ mờ sáng tiếp tục đến nhà cụ Phan. Cuối cùng bài báo về hai con nghĩa khuyển của cụ được đăng lên tờ tạp chí. Tôi ra sạp báo mua liền năm cuốn để tặng… cốt là khoe… Mãi rất lâu sau đó, tôi mới nhớ lại là chỉ được ông chủ nhiệm tạp chí khen vài lời chiếu lệ ở lá thư mỏng tanh, ông quên trả nhuận bút, quên cả tặng tôi cuốn tạp chí. Còn tôi thì hãnh diện đến nỗi không quan tâm đến vấn đề này. Có thể nói, tác phẩm thật sự có tiếng vang của tôi là Những ngày cạn sữa do Hội Bút Việt tổ chức cuộc thi truyện ngắn năm 1964-1965 ở Sài Gòn. Quyển này được tái bản nhiều lần, được in vào các tuyển tập (sau 1975) và được dịch ra tiếng nước ngoài.
Cho đến bây giờ, người thầy nào mà bà nhớ nhất trong cuộc đời của mình?
– Đó là người thầy đầu tiên của tôi, người đã cầm tay dạy tôi viết từng chữ i tờ… Thầy luôn bênh vực tôi khi bị mấy anh đồng môn lớn tuổi hơn bắt nạt. Thật tình mà nói, tôi cũng có hơi ngạo mạn vì hay được thầy biểu dương tài làm văn trước lớp học. Họ trêu tôi nhiều thứ, nhưng điều tôi khổ sở nhất là họ nói: “Tài giỏi làm gì chứ! Đồ thứ con bất hiếu, không cùng họ với cha!” (tôi họ Công Tằng Tôn Nữ). Thầy biết được đã ôn tồn giải thích cho các bạn hiểu. Sau đó, họ cũng có vẻ kiêng dè cái gốc gác hoàng tộc của tôi… Nhưng không bao lâu, hễ vắng thầy là họ mỉa mai, lại còn đem chuyện dốt toán của tôi ra chọc làm cho tôi vô cùng tức tối. Nhưng bây giờ nhớ lại, tôi lại thấy rất vui.
Những dự định của bà trong năm 2009 này?
– Tôi sẽ viết tiếp một tác phẩm dành cho thiếu nhi sau một thời gian dài chểnh mảng vì tai nạn, đau ốm. Với tôi, viết là một nhu cầu, là niềm vui trong cuộc sống. Không viết được tôi như con chim bị nhốt trong lồng, con cá bị rời mặt nước. Tôi không cô đơn khi được viết, không dài thì ngắn, không nhiều thì ít. Tóm lại tôi cần viết như cần thở.
Xin cảm ơn bà.
KHÔI NGUYÊN (thực hiện)
Bình luận (0)